Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 25-08-2023

Bí ẩn của rừng mưa nhiệt đới: khám phá khu hệ bò sát và lưỡng cư ở hệ sinh thái núi đá vôi thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam

Trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2021, nhóm nghiên cứu tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật do GS. TS. Nguyễn Quảng Trường dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Bí ẩn của rừng mưa nhiệt đới: khám phá khu hệ bò sát và lưỡng cư ở hệ sinh thái núi đá vôi thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam”.

Mục tiêu của đề tài là tìm hiểu mức độ đa dạng, cấu trúc quần xã của các loài bò sát và lưỡng cư ở hệ sinh thái núi đá vôi ở vùng Đông Bắc Việt Nam và đánh giá mối quan hệ di truyền của một số nhóm loài bò sát và lưỡng cư còn nghi ngờ về mặt phân loại học.

Khi đánh giá tính đa dạng khu hệ bò sát và lưỡng cư, nhóm nghiên cứu đã mô tả 6 loài bò sát và 1 loài lưỡng cư mới cho khoa học gồm: (1) Rắn xe điếu ju-li-an Achalinus juliani ở Cao Bằng, công bố trên tạp chí Zootaxa (2019); (2). Rắn xe điếu e-mi-ly Achalinus emilyae ở Quảng Ninh, công bố trên tạp chí Zootaxa (2019). (3) Rắn xe điếu zug Achalinus zugorum ở Hà Giang, công bố trên tạp chí Copeia (2020). (4) Thạch sùng dẹp na hang Hemiphyllodactylus nahangensis ở Tuyên Quang, công bố trên tạp chí Zootaxa (2020). (5) Rắn khuyết cao bằng Lycodon pictus ở Cao Bằng, công bố trên tạp chí Zookeys (2019). (6) Rắn trán hải hà Opisthotropis haihaensis ở Quảng Ninh, công bố trên tạp chí Zootaxa (2019). (7) Cóc mắt cao bằng Megophrys caobangensis ở Cao Bằng, công bố trên tạp chí Zootaxa (2020).

Về đánh giá đặc điểm cấu trúc quần xã, cấu trúc quần xã bò sát và lưỡng cư ở hệ sinh thái núi đá vôi thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam có sự khác biệt tương đối giữa đất liền và đảo. Các khu vực rừng trên đất liền thường có số lượng loài đa dạng hơn nhưng mức độ tương đồng về thành phần loài cao hơn. Ở các đảo mặc dù số lượng loài thấp hơn nhưng mức độ đặc hữu cao hơn. Tại các địa điểm khảo sát các loài bò sát và lưỡng cư phân bố ở đai độ cao từ 0 m (Cát Bà, Hải Phòng) đến 1200 m Phia Oắc - Phia Đén (Cao Bằng). Tuy nhiên, hầu hết các loài ghi nhận ở độ cao 200-600 m vì ở đai độ cao này có sinh cảnh phù hợp với lưỡng cư và bò sát, đặc trưng bởi nhiều suối hoặc hang động, diện tích rừng khá lớn và chất lượng sinh cảnh còn khá tốt. Ở đai độ cao dưới 200 m chủ yếu là dạng sinh cảnh bị tác động mạnh và quanh khu dân cư, các loài ghi nhận thường là loài phổ biến (Cóc nhà, Ngóe, Thạch sùng). Ở đai độ cao trên 800 m, mặc dù số lượng loài ghi nhận thấp hơn nhưng có nhiều lài đặc hữu hoặc hiếm gặp (Các loài ếch cây).

Mức độ tương đồng về thành phần loài bò sát và lưỡng cư ở một số khu bảo tồn ở vùng Đông Bắc Việt Nam phân chia thành 3 nhóm: nhóm I gồm vườn quốc gia (VQG) Cát Bà và VQG Bái Tử Long là các khu bảo tồn trong vịnh Bắc Bộ; nhóm II gồm khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Bắc Mê và khu vực Hạ Lang là các khu vực có sinh cảnh đặc trưng là rừng trên núi đá vôi đã bị tác động ở khu vực biên giới giáp với Trung Quốc; và nhóm III gồm VQG Tam Đảo, KBTTN Tây Côn Lĩnh, KBTTN Phia Oắc-Phia Đén là các KBT có sinh cảnh chính là rừng trên núi đất.

Đánh giá các nhân tố đe dọa và các vấn đề có liên quan đến bảo tồn Các mối đe dọa chính đến các loài bò sát và lưỡng cư ở khu vực nghiên cứu được đánh giá dựa vào quan sát trực tiếp tại các địa điểm nghiên cứu. Các yếu tố đe dọa chính đến bao gồm: Mất và suy thoái sinh cảnh sống: khai thác gỗ, cháy rừng, xâm lấn đất rừng; khai thác quá mức làm thực phẩm, dược liệu truyền thống và buôn bán; và các nhân tố khác: ô nhiễm, đánh cá điện, khai thác mỏ, cháy rừng.

Nhóm nghiên cứu cũng đã đề xuất một số khuyến nghị đối với công tác bảo tồn gồm:

- Xác định các địa điểm cần ưu tiên bảo tồn các loài bò sát và lưỡng cư ở vùng Đông Bắc để tăng cường bảo vệ sinh cảnh và quần thể của các loài.

- Đề xuất đưa các loài Thạch sùng mí và Rồng đất vào danh sách các loài được bảo vệ ở trong nước (Nghị định của Chính phủ) và Công ước quốc tế (Phụ lục CITES).

- Tiến hành nhân nuôi sinh sản các loài quý hiếm nhằm phục hồi quần thể. Ví dụ cụ thể là loài Thằn lằn cá sấu, một loai bị đe dọa cấp độ toàn cầu và chỉ phân bố ở vùng Đông Bắc Việt Nam, đã được nhân nuôi sinh sản thành công ở cả ở Việt Nam và Đức. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí International Zoo Yearbook (2019).

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18701/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 17
Hôm nay: 38
Tổng lượt truy cập: 3.266.290
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.