Biến đổi sinh kế các dân tộc thiểu số vùng biên giới tỉnh Đắk Lắk
Vùng biên giới của tỉnh Đắk Lắk nằm trên địa bàn bốn xã gồm Ya Lốp, Ia R’vê, Ea Bung của huyện Ea Súp và xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, có tổng chiều dài đường biên giới khoảng 73 km tiếp giáp tỉnh Mon-dul-ki-ri, Vương quốc Campuchia. Nơi đây có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, địa hình bị chia cắt, cho nên việc phát triển kinh tế vùng biên luôn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Hiện nay, dân số của bốn xã biên giới hơn 5.500 hộ với hơn 20 nghìn khẩu, gồm 29 dân tộc anh em cùng sinh sống, phân bố không đồng đều, trình độ dân trí chưa cao, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Đối với các huyện vùng biên giới của tỉnh, Huyện Buôn Đôn có ba xã là chiếm số lượng người M’Nông sinh sống nhiều nhất, đó là: xã Krông Na, xã Ea Huar, xã Ea We, với tổng số 952 số hộ và 3822 nhân khẩu là người M’Nông. Còn người Gia Rai có khoảng 16.129 người cư trú chủ yếu tại huyện Ea Sup (Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009). Cuối năm 2019 người Nùng tại huyện Buôn Đôn có 7.361 người, còn người Thái chỉ có 411 người. Trong khi huyện Ea Súp có 8.174 người Nùng và 6.131 người Thái sinh sống và định cư.
Vùng biên giới tỉnh Đắk Lắk có vai trò đặc biệt về vị trí chiến lược đối với kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Từ khi có Quyết định 13/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Quy chế kết hợp KT-XH với quốc phòng trong khu vực phòng thủ, việc lãnh đạo, chỉ đạo gắn phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN của Tỉnh càng được đẩy mạnh ở tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương. Trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát huy thế mạnh trong việc khai thác các mối liên hệ vùng, quan hệ kinh tế cửa khẩu nhằm thúc đẩy quá trình phát triển chung của tỉnh, vùng Tây Nguyên và khu vực Tam giác phát triển.
Tuy nhiên, kết quả của chính sách phát triển ngoài việc đem lợi ích về kinh tế thì cũng làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn và khó khăn cần giải quyết, trong đó phải nhắc đến sự chênh lệch phát triển giữa vùng đồng bằng và vùng miền núi nói chung và vùng biên giới nói riêng. Buôn Đôn và Ea Sup theo đánh giá chung là 2 vùng chậm phát triển, với trình độ nguồn nhân lực còn thấp, là 2 trong 5 huyện nghèo của tỉnh, hạ tầng kỹ thuật còn thiếu và chưa đồng bộ nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Vì vậy, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng sinh kế, giúp phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho đồng bào vùng biên giới Tây Nguyên ấm no, có công ăn việc làm ổn định là một trong những vấn đề quan trọng đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ vững chắc vùng phên dậu của tổ quốc. Những năm qua, Chính phủ và các chính quyền địa phương vùng biên giới Đắk Lắk đã triển khai nhiều chính sách như: Đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm… với mục đích ổn định sinh kế cho người dân. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là các chính sách đó đã có tác động đến đời sống của các DTTS, bản sắc văn hóa, phương thức sinh kế và không gian sinh tồn của họ như thế nào?
Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Viện Khoa học Xã hội Vùng Tây Nguyên cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Dương Thị Ngọc Bích thực hiện “Biến đổi sinh kế các dân tộc thiểu số vùng biên giới tỉnh Đắk Lắk” với mục tiêu làm rõ thực trạng biến đổi sinh kế các dân tộc thiểu số vùng biên giới tỉnh Đắk Lắk của nhóm dân tộc thiểu số tại chỗ và nhóm dân tộc thiểu số di cư từ phía Bắc.
Từ những năm 50 của thế kỷ XX, dân tộc thiếu số Thái, Nùng đến từ miền núi phía Bắc vào Đắk Lắk sinh sống và lập nghiệp. Dân tộc thiểu số sống xen kẽ và phân tán trên các địa bàn xã và thị trấn, chiếm khoảng 45,3% tổng số dân toàn huyện. Tuy cung cấp được nguồn lao động dồi dào cho các địa phương có cư dân thưa thớt, nhưng cũng gây 7 lên sức ép lớn cho tỉnh về các vấn đề đất ở, đất sản xuất và các vấn đề đời sống xã hội, an ninh trật tự và môi trường sinh thái. Do trình độ phát triển các dân tộc thiểu số không đồng đều, nên đời sống kinh tế - xã hội của họ cũng có sự khác biệt. Về sinh kế truyền thống, các cư dân thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc di cư vào, như dân tộc Mường, Thái, Tày, Nùng… có nhiều nét tương đồng với các dân tộc thiểu số tại chỗ. Họ cũng sinh sống chủ yếu bằng canh tác lúa nước và nương rẫy, chăn nuôi gia súc và gia cầm, cũng có hái lượm, săn bắt và nghề thủ công truyền thống.
Vùng biên giới tỉnh Đắk Lắk có vai trò đặc biệt về vị trí chiến lược đối với kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Sinh kế chính của các DTTS các huyện vùng biên giới chủ yếu là nông nghiệp. Trong đó, trồng trọt là hoạt động chủ yếu, đóng vai trò quan trọng trong cung cấp nguồn lương thực cho người dân. Thực tế hiện nay sinh kế của DTTS đã được dần chuyển hóa mô hình sản xuất nông nghiệp tự cấp tự túc sang sản xuất nông sản hàng hoá theo kinh tế thị trường với quy mô lớn và khá toàn diện, đây là bước phát triển tất yếu để thoát nghèo và làm giàu. Không thể phủ nhận những mặt tích cực của sự biến đổi, song những tiêu cực vẫn còn tồn tại, các giá trị văn hoá ngày càng mai một, đó là một thách thức không nhỏ trong việc giữ gìn những giá trị sinh kế truyền thống và phát huy các giá trị kinh tế mà quá trình biến đổi sinh kế đem đến. Chính những điều này, Nhà nước và chính quyền địa phương cần đưa ra những biện pháp phù hợp nhằm bảo tồn, phát huy tính hiệu quả trong hoạt động sinh kế của các dân tộc thiểu số tại chỗ và các dân tộc thiểu số di cư từ nơi khác đến, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân, song vẫn không làm mai một đi những giá trị truyền thống bản sắc trong sinh kế và văn hóa của cư dân nơi đây. Để giải quyết 2 khía cạnh, một là chuyển đổi cơ cấu cây trồng và cái thứ hai là vận động người dân thay đổi trình độ canh tác. Ngoài ra, chính quyền địa phương và các nhà quản lý văn hóa cần có những giải pháp đúng đắn, phù hợp để kế thừa phát huy được những giá trị tốt đẹp của sinh kế truyền thống trong cuộc sống hiện tại, trong bất cứ thời đại nào thì những giá trị sinh kế truyền thống vẫn đóng một vai trò không thể tách rời trong tổng thể văn hóa truyền thống của người dân nơi đây. Trước hết các cấp chính quyền cần giải quyết tốt những vấn đề đặt ra trong quá trình sản xuất nông nghiệp trồng trọt của DTTS, mà trọng tâm là quá trình chuyển từ nền sản xuất tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa, mối quan hệ giữa sở hữu đất đai canh tác nhà nước với tập thể cộng đồng, chính sách định canh định cư để phát triển thế mạnh trồng vườn chuyên canh và cây công nghiệp… để từ đó giúp người dân của các DTTS vùng biên giới yên tâm phát triển sản xuất theo định hướng mà Đảng, Nhà nước đã đề ra. Song song với đó là chuyển đổi sinh kế nông nghiệp sang các nghề phi nông nghiệp. Với sự chung tay của toàn hệ thống chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị xã hội và của chính người dân, nghiên cứu đưa ra 8 nhóm giải pháp trước mắt và 6 nhóm giải pháp lâu dài để tháo gỡ các khó khăn, phát triển sinh kế hộ DTTS các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18745/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/