Đánh giá hiệu quả, tác động của chính sách bảo vệ và phát triển rừng đối với đồng bào dân tộc thiểu số
Rừng giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Rừng bảo vệ môi trường sống của con người, bảo tồn các nguồn gen, đa dạng sinh học, hạn chế thiên tai và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất phát triển. Rừng cung cấp các nhu cầu thiếu yếu cho cuộc sống con người, rừng bảo tồn những nét văn hóa truyền thống, lịch sử của các cộng đồng… Đặc biệt, rừng cung cấp phần lớn các nhu cầu thiết yếu cho các cộng đồng dân tộc thiểu số sống trong rừng, sống gần rừng, sống phụ thuộc vào rừng.
Hầu hết các vùng rừng núi ở nước ta là không gian sinh tồn của cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) từ bao đời nay. Bản sắc của các DTTS, từ truyền thống văn hóa, phong tục tập quán trong sinh hoạt và sản xuất, đến quá trình nhận thức hình thành nhân cách đều gắn với hoàn cảnh rừng núi đầy rủi ro, khắc nghiệt nhưng cũng vô cùng đa dạng, phong phú của thiên nhiên. Ngày xưa, đối với nhiều DTTS, rừng là tất cả nguồn sống của họ, từ cái ăn, cái mặc, củi đun… đến thuốc chữa bệnh và giá trị tâm linh; mức sống của họ cũng phụ thuộc vào tài nguyên rừng. Tuy nhiên, tài nguyên rừng trong hơn nửa thế kỷ qua đã bị suy giảm nghiêm trọng cả về diện tích và chất lượng, các giá trị của rừng đã bị khai thác tối đa để phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Do đó, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với xóa đói, giảm nghèo phát triển sinh kế của đồng bào DTTS là trọng tâm hàng đầu và luôn được Đảng, Nhà Nước và các địa phương quan tâm.
Trong hơn 30 năm qua, từ 1986 đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR), góp phần thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Tuy nhiên, việc quản lý bảo vệ rừng có thành công hay không phụ thuộc vào sự tham gia của các bên liên quan trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng 2 của cộng đồng địa phương, mà hầu hết là đồng bào DTTS. Nội dung của chính sách về quản lý bảo vệ rừng đều hướng tới sự lôi cuốn tham gia, tạo điều kiện cho các thành phần tham gia, ưu tiên cho những người dân sống trong rừng, gần rừng và sống phụ thuộc vào rừng.
Hiệu quả và tác động của chính sách bảo vệ và phát triển rừng đến phát triển kinh tế xã hội nói chung và đối với đồng bào DTTS và vùng núi nói riêng đã đạt được những kết quả to lớn. Quản lý bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên hiện có, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, diện tích rừng trồng phát triển, độ che phủ tăng lên đến 41%, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu gỗ liên tục gia tăng từ 1,9 tỷ đô la năm 2006 lên đến 8 tỷ đô la năm 2017, chính sách chi trả dịch môi trường được thực hiện, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước, ổn định và nâng cao đời sống đồng bào DTTS sống trong và gần rừng. Tuy vậy, chính sách bảo vệ phát triển rừng vẫn còn những bất cập, những tác động ảnh hưởng tiêu cực đến quản lý bảo vệ rừng nói chung và đến đời sống của đồng bào DTTS nói riêng.
Xuất phát từ thực tiễn trên, cơ quan chủ trì Đại học Thái Nguyên cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài GS. TS. Đặng Kim Vui thực hiện “Đánh giá hiệu quả, tác động của chính sách bảo vệ và phát triển rừng đối với đồng bào dân tộc thiểu số” với mục tiêu làm rõ hiệu quả, những tác động, ảnh hưởng tích cực, tiêu cực của chính sách bảo vệ và phát triển rừng đối với sản xuất, đời sống của đồng bào DTTS. Đề xuất các giải pháp, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với lợi ích của đồng bào các DTTS.
Nhìn chung các nghiên cứu đã thực hiện, kể cả trong nước và ngoài nước, đã đề cập đến nhiều nội dung liên quan đến đề tài như: Hệ thống chính sách bảo vệ và phát triển rừng; Kinh nghiệm quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên rừng; Sự tham gia của cộng đồng đia phương trong quản lý sử dụng tài nguyên rừng; Quyền sở hữu/quyền sử dụng rừng và đất rừng; Chia sẻ lợi ích trong quản lý tài nguyên rừng; Ảnh hưởng và tác động của chính sách bảo vệ và phát triển rừng đến phát triển kinh tế xã hội nói chung và đến cộng đồng DTTS nói riêng.
Đối với các nghiên cứu ngoài nước, hầu hết các nghiên cứu tập trung vào nghiên cứu cơ chế chính sách, kinh nghiệm và các giải pháp quản lý sử dụng rừng bền vững có sự tham gia của cộng đồng địa phương như nhóm DTTS, nhóm sử dụng rừng, lâm nghiệp cộng đồng... quyền sở hữu/quyền sử dụng rừng và đất rừng, trao quyền ra quyết định cho người dân, bình đẳng giới trong quản lý sử dụng rừng, các nghiên cứu này đã chỉ ra những mặt tích cực, những tồn tại hạn chế cũng như là thách thức đối trong quản lý sử dụng rừng bền vững.
Trải qua hơn 30 năm đổi mới, với nhiều thời cơ - thách thức - khó khăn của tình hình kinh tế trong nước và quốc tế, đường lối chủ trương của Đảng về BV&PTR có sự vận động thay đổi trong phát triển ngành Lâm nghiệp bắt đầu từ quan điểm, chủ trương “phát triển LN toàn diện” đến “phát triển LN bền vững” và lâm nghiệp cho mục tiêu “phát triển nền kinh tế xanh”. Bảo vệ và phát triển rừng được đặt ra trong quy hoạch phát triển vùng, trong bối cảnh BĐKH và tham gia các hiệp định thương mại tự do. Quan điểm, chủ trương lãnh đạo thể hiện qua các thời kỳ quyết định sự hình thành các chính sách, giải pháp đối với hoạt động bảo vệ và phát triển rừng đối với đồng bào DTTS. Đảng đã đưa ra các định hướng chính sách như: Chính sách về đất đai, chính sách định canh định cư, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế rừng…nhằm giúp đồng bào DTTS ổn định đời sống, sản xuất kinh doanh rừng, BV&PTR bền vững. Trong tiến trình đổi mới, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước luôn thể hiện tính nhất quán và ngày càng được hoàn thiện theo định hướng mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững.
Chính sách bảo vệ và phát triển rừng đã đạt được những thành tựu quan trọng, trong đó có sự đóng góp rất tích cực của đồng bào dân tộc miền núi, thể hiện tập trung ở những mặt sau:
Diện tích rừng tăng nhanh, ổn định; công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng có nhiều tiến bộ, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật giảm dần.
Sản xuất lâm nghiệp tăng trưởng nhanh, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng nhanh những năm gần đây góp phần cho đời sống người làm nghề rừng được nâng cao, đặc biệt đời sống của đồng bào dân tộc miền núi. Chủ trương xã hội hóa nghề rừng được cụ thể hóa đầy đủ hơn thông qua chính sách giao đất, giao rừng sản xuất cho hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế. Chính sách này mang tính đột phá khuyến khích các HGĐ đồng bào dân tộc miền núi đầu tư vào chế biến, sản xuất, kinh doanh lâm sản.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18761/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/