Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 05-10-2023

Tìm hiểu thị trường thiết bị, giải pháp quan trắc và kiểm soát môi trường sử dụng trong nuôi chim yến và mô hình hóa quy trình nuôi chim yến ứng dụng công nghệ hiện đại, phù hợp với tỉnh Bình Thuận

Bước vào kỷ nguyên số, các công nghệ số đang làm thay đổi nghề nuôi chim yến; và đi tiên phong là ứng dụng công nghệ IoT (kết nối vạn vật) trong nuôi chim yến công nghiệp. IoT sẽ biến ngành nuôi chim yến từ một lĩnh vực sản xuất định tính thành một lĩnh vực sản xuất chính xác dựa vào những số liệu thu thập, tổng hợp và phân tích thống kê. Từ việc bị lệ thuộc vào nhiệt độ, độ ẩm... người nuôi có thể tự chủ, điều chỉnh phương pháp nuôi dựa trên các chỉ số được định lượng chính xác để đạt được hiệu quả như mong muốn. Với tiềm năng như vậy, thị trường thiết bị IoT cho nuôi chim yến đang là thị trường sôi động và đầy tiềm năng phát triển. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là các thiết bị IoT hiện nay đã thực sự hữu dụng và đáp ứng được yêu cầu của ngành nuôi chim yến chưa?

Nhằm phân tích, đánh giá thị trường thiết bị, giải pháp quan trắc và kiểm soát môi trường nuôi chim yến tại tỉnh Bình Thuận, từ đó tìm hiểu mối quan hệ cung cầu về ứng dụng công nghệ trong nuôi chim yến cũng như mô hình hóa việc ứng dụng công nghệ trong quá trình nuôi chim yến tại tỉnh Bình Thuận, nhóm đề tài Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc do TS. Nguyễn Duy Tài làm chủ nhiệm đã đề xuất thực hiện đề tài: “Tìm hiểu thị trường thiết bị, giải pháp quan trắc và kiểm soát môi trường sử dụng trong nuôi chim yến và mô hình hóa quy trình nuôi chim yến ứng dụng công nghệ hiện đại, phù hợp với tỉnh Bình Thuận”.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, từ tháng 06/2020 đến tháng 11/2020, nhóm đề tài đã đưa ra một số kết luận như sau:

1. Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nuôi chim yến đã mang lại rất nhiều giá trị cho người nuôi chim yến. Tuy nhiên việc ứng dụng công nghệ thường đến từ sự mày mò nghiên cứu của người nông dân, khả năng tối ưu chưa cao. Các thiết bị hoạt động đơn lẻ hoặc còn rất thủ công, chưa áp dụng công nghệ IoT, chưa tận dụng khả năng truyền tải trực tiếp, trực quan các thông số môi trường sống cho người nuôi chim yến. Xét trên sự cực kỳ phổ biến của điện thoại thông minh ngày nay, đây là một thiếu sót lớn của các thiết bị phục vụ nuôi chim yến. Nếu có thể tạo ra một hệ thống đồng bộ thông tin giữa các thiết bị, có khả năng truyền tải thông tin và dữ liệu tới điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy vi tính của người nuôi chim yến theo thời gian thực thì sẽ đem lại lợi ích, sự chủ động lớn cho người nuôi.

2. Hầu hết các cơ sở nuôi chim yến đều có những đầu tư một số các thiết bị công nghệ ban đầu nhằm quản lý và kiểm soát môi trường nuôi phù hợp để chim yến có thể phát triển. Những thiết bị này khá đa dạng về chủng loại cũng như chức năng. Đây chính là điều kiện thuận lợi để những nghiên cứu tích hợp, thiết bị công nghệ cao hay gói giải pháp công nghệ có ứng dụng IoT có thể được áp dụng và triển khai trong thời gian tới. Việc phát triển các công nghệ có kết nối IoT trong quản lý môi trường nuôi yên tại tỉnh Bình Thuận đặc biệt có tính cấp thiết và giải quyết được những khó khăn cho các cơ sở nuôi nhằm hạn chế được những rủi ro phát sinh dịch bệnh từ môi trường nuôi góp phần tăng thu nhập cải thiện đời sống và sinh kế của người dân của địa phương.

3. Từ kết quả ước lượng của mô hình WTP đối với mức sẵn long chi trả đối với đầu tư công nghệ và ứng dụng IoT trong quản lý môi trường nuôi yến tại tỉnh Bình Thuận cho thấy: kinh nghiệm nuôi yến là yếu tố quyết định đến nhu cầu đối với các thiết bị công nghệ và ứng dụng IoT trong quản lý môi trường nuôi yến của các hộ nuôi yến. Chính vì vậy, hoạt động nuôi yến cần có thời gian để hoạt động và thu nhập từ nuôi yến đóng vai trò quan trong với sinh kế của người dân địa phương. Từ đó các nhu cầu về thiết bị công nghệ và gói giải pháp công nghệ có kết nối IoT trong nuôi chim yến trong nhà mới có sự phát triển thực sự. Tuy nhiên nhóm nghiên cứu vẫn nhận định thị trường cung cấp gói giải pháp công nghệ và thiết bị IoT trong quản lý môi trường nuôi yến tại tỉnh Bình Thuận và các tỉnh thành khác là rất tiềm năng trong thời gian tới do nhu cầu và đặc điểm của hoạt động nuôi chim yến trong nhà này cần thời gian khoảng 5 năm 100 sau thời gian đầu tư ban đầu để chim có thể đến sinh sống, phát triển (làm tổ) và cho thu hoạch sản phấm sau đó.

4. Mặc dù kết quả nghiên cứu dùng thang đo mức sẵn lòng chi trả đối với việc đầu tư công nghệ và ứng dụng thiết bị IoT trong quản lý môi trường nuôi của các cơ sở nuôi yến của tỉnh Bình Thuận cho thấy rõ nhu cầu rất khác biệt giữa các địa phương (Tp Phan Thiết, Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc), nhu cầu mong muốn và mức sẵn long chi trả cho các thiết bị công nghệ quản lý môi trường nuôi có kết nối IoT chưa phổ biến. Tuy nhiên, nhu cầu thị trường và điều kiện thuận lợi của địa phương trong phát triển hoạt động nuôi chim yến được dự báo sẽ tiếp tục phát triển và được đầu tư mạnh trong tương lai trong đó nhu cầu thiết bị cũng như gói giải pháp có ứng dụng IoT sẽ ngày càng thể hiện rõ nhu cầu từ phía các hộ và cơ sở nuôi chim yến trong nhà của các địa phương đang triển khai hoạt động nuôi yến trên cả nước.

5. Về mặt chức năng của các thiết bị và giải pháp công nghệ cho nuôi chim yến, nhóm nghiên cứu đã tham khảo tài liệu trong và ngoài nước cũng như từ khảo sát quá thực tế và đề xuất chức năng chính đề xuất trong quá trình thu thập số liệu. Các chức năng khảo sát gồm có nhiệt độ, âm thanh bên ngoài, âm thanh bên trong, âm thanh bên ngoài, âm thanh bên trong, ru ngày, ru đêm, mùi, ánh sáng, tốc độ gió, và lượt chim vào - ra. Kết quả khảo sát chỉ ra rằng chức năng kiểm soát và đo lường nhiệt độ là chức năng quan trọng nhất bởi chức năng này liên quan mật thiết với độ ẩm. Có trên 90% các cơ sở được khảo sát sẽ tham gia trải nghiệm các chức năng này, đối với thành phố Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Bắc, 100% các cơ sở sẽ tham gia trải nghiệm này đầu tiên. Có bốn chức năng được các cơ sở đánh giá là quan trọng đồng thời có tỷ lệ cơ sở đồng ý tham gia thử nghiệm tương đối cao ở mức từ 40 đến 50% bao gồm kiểm soát âm thanh bên ngoài, bên trong, âm ru ban ngày và âm ru ban đêm. Không có sự khác biệt lớn về tỷ lệ cơ sở tham gia trải nghiệm các chức năng này ở ba địa phương nghiên cứu. Các chức năng còn lại hầu như không được các cơ sở mong muốn tham gia trải nghiệm, điều này đồng nghĩa các chức năng này không thực sự quan trọng. Kết quả nghiên cứu này cũng gợi ý việc thiết kế thiết bị và giải pháp phần mềm nên tập trung vào các chức năng được quan tâm nhất nhằm giảm thiểu chi phí và tăng tính cạnh tranh của sản phẩm.

Nhóm đề tài kiến nghị, cần phải xây dựng được bảng tiêu chuẩn chất lượng các thiết bị, giải pháp công nghệ để làm thước đo, giúp các hộ nuôi chim yến chọn lựa được các thiết bị chuẩn, tốt; xây dựng được bảng tiêu chuẩn kết nối để các thiết bị của các nhà cung cấp khác nhau có thể liên thông, kết nối, trao đổi thông tin với nhau nhằm phát huy tối đa lợi ích của công nghệ IoT cũng như giảm thiểu áp lực thiếu thiết bị thay thế đúng chuẩn khi hệ thống xảy ra sự cố; ứng dụng công nghệ AI kết hợp cùng công nghệ IoT - là hướng nghiên cứu ứng dụng hứa hẹn nhiều nhu cầu không chỉ riêng tại tỉnh Bình Thuận. Một hệ thống camera thông minh có khả năng phát hiện và định vị tự động thiên địch và gửi thông báo cho người nuôi chim yến để xử lý kịp thời, giảm thiệt hại và giảm ảnh hưởng đến chất lượng tổ yến thành phẩm do sử dụng tối thiểu sản phẩm phòng trừ thiên địch  Nghiên cứu tích hợp các chức năng theo dõi các thông số khác trong ứng dụng IoT như: nồng độ các chất khí (O2, CO2, NH3,…), theo dõi hoạt động của loa, amply, theo dõi hệ thống điện dự phòng và cần có các nghiên cứu nền tảng về tần số âm thanh, loại âm thanh phù hợp để dẫn dụ và duy trì chim yến hiệu quả tại Việt Nam.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18933/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 14
Hôm nay: 2160
Tổng lượt truy cập: 4.027.220
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!