Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình lúa chất lượng cao tại vùng sản xuất lúa nước huyện Krông Nô tỉnh Đắk Nông
Giống lúa LCH37 (Sơn Lâm 2) là giống chất lượng cao do Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chọn tạo từ tổ hợp lai LCIamusta-D82/HT1 năm 2002, được công nhận chính thức theo Quyết định số 584/QĐ-TT-CLT ngày 28/12/2016 của Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới. Đồng thời, tại Thông tư số 01/2019/TT-BNNPTNT ngày 18/01/2019 về việc Ban hành danh mục bổ sung giống cây trồng được phép sản xuất 3 kinh doanh ở Việt Nam; gống lúa thuần Sơn Lâm 2 được phép sản xuất, kinh doanh vụ Xuân muộn, Hè thu và Mùa sớm tại các tỉnh Trung du Miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ; vụ Đông xuân, Hè thu tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Giống lúa LCH37 (Sơn Lâm 2) có khả năng chống chịu hạn khá, thời gian sinh trưởng tại khu vực Miền trung và Tây Nguyên vụ Đông xuân từ 113-118 ngày và vụ Hè thu là 98 ngày, chiều cao cây 105 - 115 cm, khả năng đẻ nhánh trung bình, cứng cây chống đổ tốt, chống chịu khá với một số sâu bệnh hại chính, dạng hạt trung bình, vỏ trấu màu vàng, khối lượng 1000 hạt 21 - 22g, gạo trong, cơm mềm, đậm, có mùi thơm nhẹ, tiềm năng năng năng suất có thể đạt trên 8 tấn/ha.
Giống lúa LTh31 là giống chất lượng cao do Viện Cây lương thực và cây thực phẩm chọn từ tổ hợp lai HT1/IA CUBA28. Giống được công nhận sản xuất thử theo Quyết định số 235/QĐ-TT-CLT ngày 20/6//2016 của Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và PTNT. Đồng thời, theo Quyết định số 3645/QĐ-BNN-TT ngày 05/7/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giống lúa LTh31 được công nhận là giống sản xuất chính thức. Giống lúa LTh31 có thời gian sinh trưởng từ 105 - 130 ngày, chiều cao cây từ 110 - 115 cm, đẻ nhánh trung bình, cứng cây, chống đổ tốt, tỉ lệ hạt chắc cao 90%, chống chịu khá với bệnh đạo ôn, bạc lá, khô vằn và khá với rầy nâu, thích hợp với vùng thâm canh, vàn hơi trũng, vàn và vàn cao chủ động tưới, tiềm năng năng suất đạt trên 80 tạ/ha. LTh31 là giống lúa chất lượng cao: Gạo trắng trong, cơm mềm (amylose 18,5 %), cơm đậm (Protein 9%), cơm dai (độ bền thể gel là 74 mm và nhiệt độ hóa hồ thấp).
Do đó, nhằm tiếp nhận và sản xuất thành công các giống mới và tiến bộ kỹ thuật thâm canh tổng hợp giống lúa chịu hạn LCH37 (Sơn Lâm 2) và lúa chất lượng cao LTh31 góp phần tăng sản lượng lương thực và thu nhập cho nông dân tại huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, nhóm nghiên của CN. Doãn Gia Lộc, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô, đã thực hiện Dự án: “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình lúa chất lượng cao tại vùng sản xuất lúa nước huyện Krông Nô tỉnh Đắk Nông”.
Sau 30 tháng thực hiện, dự án đã triển khai đầy đủ các nội dung và đảm bảo được các mục tiêu của dự án đã đề ra, cụ thể như sau:
1- Đã chuyển giao và tiếp nhận thành công được quy trình kỹ thuật thâm canh tổng hợp giống lúa chất lượng từ khâu gieo sạ, chăm sóc, quản lý sâu hại tổng hợp, quản lý dinh dưỡng tổng hợp, thu hoạch, bảo quản đối với giống lúa LCH37 (Sơn Lâm 2) và LTh31;
2- Đã thực hiện được 120,0 ha mô hình thâm canh tổng hợp giống lúa LCH37 và LTh31 đạt năng suất trung bình 7,18 tấn/ha (giống lúa LCH37 đạt 7,2 tấn/ha và giống lúa LTh31 đạt 7,16 tấn/ha); tổng sản lượng đạt 860,58 tấn; hiệu quả kinh tế tăng trung bình 18,5% so với phương thức canh tác lúa hiện tại.
3- Đào tạo được 10 kỹ thuật viên cơ sở, đạt 100% so với mục tiêuđề ra.
4- Tổ chức được 04 lớp tập huấn về kỹ thuật thâm canh tổng hợp lúa chất lượng đối với giống LCH37 (Sơn Lâm 2) và LTh31 với 200 lượt người tham gia, đạt 100% so với mục tiêu đề ra.
5- Tổ chức được 01 hội nghị đầu bờ giới thiệu tiến bộ kỹ thuật mới và đánh giá kết quả thực hiện mô hình với 100 lượt người tham gia, đạt 100% so với mục tiêu đề ra.
Để hoàn thành được các nội dung và mục tiêu của dự án, bên cạnh sự lỗ lực của đơn vị chỉ trì, đơn vị chuyển giao công nghệ và nhóm thực hiện dự án còn có sự giúp đỡ và ủng hộ của chính quyền địa phương, sự nhiệt tình tham gia, đóng góp một phần vật tư đối ứng và công lao động của các hộ dân. Bênh cạnh đó, trong quá trình triển khai dự án, đơn vị chủ trì và nhóm thực hiện dự án cũng gặp phải một số khó khăn do tiến độ cấp kinh phí còn chậm so với thực tế triển khai dự án; diễn biến thời tiến trong khoảng thời gian thực hiện dự án phức tạp (vụ Hè thu năm 2019 và đầu vụ Đông xuân 2019 - 2020).
Tuy nhiên, jết quả mô hình thâm canh tổng hợp giống lúa LCH37 và LTh31 đã thể hiện rõ hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của mô hình, năng suất lúa tăng trung bình 8,95%, lãi thuần trung bình đạt 28,02 triệu đồng/ha/vụ, tỷ suất lợi nhuận cận biên trung bình đạt 5,35.... Qua đó có thể kết luận mô hình thâm canh tổng hợp giống lúa LCH37 và LTh31 cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội huyện Krông Nô và cần nhân rộng và phát triển trong thực tiễn sản xuất. Ngoài ra, các giống lúa LCH37 và LTh31 đã sử dụng trong dự án đều là các giống lúa thuần và được sản xuất trong nước nên khi người dân có nhu cầu thị trường dễ dàng và luôn sẵn sàng đáp ứng. Quy trình thâm canh tổng hợp giống lúa chất lượng đã được xây dựng dựa trên kiến thức và điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương, các vật tư hoặc thiết bị sử dụng luôn sẵn có tại địa phương nên người dân dễ dàng tiếp cận và vận dụng.
Để tiếp tục nhân rộng kết quả của dự án chính quyền địa phương các cấp cần có những chính sách cho phép lồng ghép các chương trình/dự án như Chương trình khuyến nông, Chương trình nông thôn miền núi, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình 30a… để tăng mức hỗ trợ cho những hộ dân hơn nữa.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18955/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/