Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen vật nuôi
Việc bảo tồn nguồn gen vật nuôi là một trong những giải pháp lâu dài giúp cho việc chuyển đổi nhanh giống vật nuôi phù hợp với môi trường và góp phần đảm bảo cho nền nông nghiệp bền vững. Điều này càng quan trọng đối với các nước đang phát triển có nền sản xuất nông nghiệp với quy mô sản xuất nhỏ, khả năng đầu tư thấp và hầu như chăn nuôi theo kiểu truyền thống tương tự như nền nông nghiệp ở nước ta.
Năm 2013, nhóm nghiên cứu của TS. Phạm Công Thiếu tại Viện Chăn nuôi đã thực hiện đề tài: “Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen vật nuôi”.
Mục tiêu của đề tài là nhằm: bảo tồn, lưu giữ 23 đối tượng nguồn gen vật nuôi hiện có và nguyên liệu di truyền (tinh lợn ỉ); điều tra khảo sát, phát hiện, thu thập 2-3 nguồn gen vật nuôi tiềm ẩn; đánh giá sơ bộ 06 đối tượng nguồn gen vật nuôi; đánh giá chi tiết 02 đối tượng nguồn gen vật nuôi; tư liệu hóa nguồn gen: cập nhật mới, bổ sung tư liệu 14 đối tượng nguồn gen và in tờ rơi của 4 đối tượng (lợn Hương Cao Bằng, lợn Xao Va, gà Rừng tai đỏ và gà nhiều ngón), xuất bản cuốn Chuyên khảo Bảo về bảo tồn và khai thác nguồn gen vật nuôi; và đề nghị khai thác và phát triển 2-3 đối tượng nguồn gen vật nuôi.
Đề tài đã thu được các kết quả như sau:
- Đã bảo tồn và lưu giữ 22 đối tượng nguồn gen vật nuôi và 100 liều tinh lợn ỉ, đủ và vượt số lượng được giao theo kế hoạch. Các đàn vật nuôi sinh trưởng phát triển tốt.
- Đã điều tra, thu thập, bổ sung được 3 nguồn gen là Gà Lạc Thủy (Hòa Bình), Gà Cáy Củm (Cao Bằng), Lợn Lang Chư Prông (Gia Lai).
- Đã đánh giá sơ bộ 6 đối tượng nguồn gen vật nuôi (trâu Bảo Yên, lợn đen Bình Thuận, lợn Xao Va, gà Kiến, gà Lạc Sơn, vịt Hòa Lan. Đánh giá chi tiết 2 đối tượng nguồn gen (gà Rừng tai đỏ và gà nhiều ngón). Đánh giá AND khoảng cách di truyền 2 đối tượng nguồn gen (lợn Hương và gà nhiều ngón).
- Đã tư liệu hóa nguồn gen: đã thu thập, mô tả thêm thông tin, cập nhật mới và bổ sung tư liệu, ảnh, thông tin của 12 giống vào phần mềm Vietgen. In tờ rơi quảng bá về 4 đối tượng nguồn gen: lợn Hương, lợn Xao Va, gà Rừng tai đỏ và gà nhiều ngón. Xuất bản cuốn Chuyên khảo Bảo tồn và khai thác nguồn gen vật nuôi Việt Nam.
Kết quả bảo tồn, lưu giữ nguồn gen vật nuôi góp phần thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19063/2013) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/