Nghiên cứu hoàn thiện chính sách, giải pháp về tiêu chuẩn, chất lượng và năng suất để nâng cao hiệu suất, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó 10 hiệp định đã có hiệu lực và đang thực thi cam kết, 3 hiệp định đã ký kết hoặc kết thúc đàm phán nhưng chưa có hiệu lực, 4 hiệp định đang đàm phán. Trong số các hiệp định mà Việt Nam tham gia thì có những Hiệp định có phạm vi và tính chất những cam kết sâu rộng và toàn diện gọi là “Hiệp định thương mại thế hệ mới”. Đó là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA). CPTPP bao gồm 11 thành viên là Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Úc, Nhật, Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam. CPTPP gồm 30 Chương, bao trùm rất nhiều vấn đề, từ các vấn đề thương mại truyền thống (hàng hóa, dịch vụ, đầu tư…), đến các vấn đề thương mại chưa hoặc ít được đề cập trong các FTA (mua sắm công, thương mại điện tử, doanh nghiệp nhà nước…), và cả các vấn đề khác có liên quan đến thương mại (lao động, môi trường…).
CPTPP là một Hiệp định kinh tế khu vực tiêu chuẩn cao mà Việt Nam đã phê chuẩn, dự kiến sẽ mang lại cho đất nước nhiều lợi ích cũng như thách thức chúng ta phải đối mặt. Để đáp ứng yêu cầu của CPTPP, Việt Nam sẽ cần nâng cấp đáng kể cơ cấu sản xuất công nghiệp và cải cách thể chế kinh tế, quy định trong nước và khu vực doanh nghiệp nhà nước. EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hiệp định EVFTA cũng bao gồm các Chương liên quan tới cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý-thể chế. Các nội dung này phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam, tạo khuôn khổ pháp lý để hai bên tăng cường hợp tác, thúc đẩy sự phát triển của thương mại và đầu tư giữa hai Bên. Thông qua EVFTA, nhà đầu tư EU cũng sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường các nước đã ký FTA với Việt Nam với những đối xử ưu đãi hơn. Hiệp định này cũng giúp thúc đẩy quan hệ giữa EU với từng nước ASEAN nói riêng và cả khối ASEAN nói chung, tạo tiền đề hướng tới việc thảo luận một Hiệp định FTA giữa EU và ASEAN trong tương lai.
Do đó, nhằm đề xuất việc hoàn thiện chính sách, giải pháp về tiêu chuẩn, chất lượng và năng suất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm đáp ứng các yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ThS. Nguyễn Quỳnh Anh và nhóm nghiên cứu tại Viện Chiến lược và Chính sách khoa học và công nghệ, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã thực hiện nhiệm vụ: “Nghiên cứu hoàn thiện chính sách, giải pháp về tiêu chuẩn, chất lượng và năng suất để nâng cao hiệu suất, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.
Sau một thời gian triển khai, đề tài đưa ra kết luận như sau:
Các vấn đề về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng và năng suất không phải là vấn đề mới với các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam trong việc đáp ứng các quy định của Hiệp định thương mại tự do. Việc rà soát khoảng trống về ban hanh và thực thi chính sách của Việt Nam liên quan đến các quy định trên cho thấy không có khoảng trống rõ rệt giữa các quy định của Việt Nam với các cam kết khung của hai Hiệp định CPTPP và EVFTA, nhưng phân tích khoảng trống thực thi cho thấy việc thực hiện sáu vấn đề về:
- Sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình xây dựng các tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật;
- Thông tin về các biện pháp/rào cản kỹ thuật;
- Đánh giá sự phù hợp tạo thuận lợi thương mại;
- Minh bạch hóa trong xây dựng, ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, đánh giá sự phù hợp;
- Nâng cao năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo;
- Các vấn đề phát triển bền vững (môi trường, lao động) còn mang tính hình thức và chưa thực sự đủ mạnh như các cam kết đề ra trong hai Hiệp định.
Các giải pháp đề xuất bước đầu có thể tổng hợp thành các giải pháp chính như sau:
- Tăng cường xã hội hóa tiêu chuẩn với việc tăng cường nhận thức và sự tham gia sâu của doanh nghiêp;
- Văn phòng TBT và Mạng lưới TBT cần chủ động hơn trong việc thông tin các biện pháp rào cản kỹ thuật và kịp thời phản ảnh quan ngại về các biện pháp này (nếu có) với WTO;
- Các tổ chức đánh giá sự phù hợp phải tăng cường năng lực kỹ thuật để có thể tham gia nhiều hơn nữa vào các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau ở phạm vi khu vực và quốc tế;
- Cần tổ chức đánh giá hiệu quả thực thi và tác động chính sách để các bên liên quan thấy rõ các việc làm được và chưa làm được cũng như nguyên nhân kèm theo để các giải pháp trở nên đầy đủ và thực tiễn hơn;
- Thúc đẩy mối liên kết 3 nhà Viện trường - Doanh nghiệp - Nhà nước để doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo là trung tâm, hỗ trợ để đa dạng hóa các hình thức đổi mới trong DNNVV.
Vì hai Hiệp định CPTPP và EVFTA mới có hiệu lực trong thời gian ngắn gần đây nên trong tương lai, để có các giải pháp sâu sắc hơn, Bộ Khoa học và Công nghệ cần tham vấn thực chất với các bên chịu tác động trong xây dựng và áp dụng các biện pháp kỹ thuật, tiến hành đánh giá tác động, phân tích chi phí lợi ích và nguy cơ rủi một cách khoa học và bài bản trước khi ban hành
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19020/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/