Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 10-11-2023

Nghiên cứu giải pháp phát triển nuôi trồng thuỷ sản ven biển thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng duyên hải Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ

Biến đổi khí hậu (BĐKH), là một trong những thách thức lớn mang tính toàn cầu, đã và đang gây ra các tác động nghiêm trọng đến các hệ sinh thái, các tầng lớp xã hội và các nền kinh tế, tăng sức ép đến sinh kế và các nguồn cung cấp thực phẩm cho con người (FAO, 2014; Tewabe, 2014). Theo FAO (2014), BĐKH đã ngày càng trở nên rõ nét, tác động nghiêm trọng đối với các hệ thống sản xuất lương thực, thực phẩm toàn cầu, bao gồm cả lĩnh vực thủy sản nói chung và nuôi trồng thủy sản (NTTS) nói riêng (FAO, 2014).

 

Những thay đổi vật lý về khí hậu, như gia tăng nhiệt độ, sự thay đổi chế độ mưa (cả về tần suất và nhiệt độ), mực nước biển tăng lên và sự gia tăng tần suất và cường độ của các sự kiện khí hậu cực đoan (bão, áp thấp nhiệt đới…) đã gây ra những tác động tiêu cực đến các quá trình sinh lý, sinh thái và hoạt động NTTS (Handisyde và nnk 2006, Daw và nnk, 2006, Badjeck và nnk, 2010). Nghiên cứu của Badjeck và cộng sự (2010) cho thấy BĐKH có tác động trực tiếp và/hoặc gián tiếp đến các hệ sinh thái và các hệ thống NTTS, từ đó ảnh hưởng đến sinh kế cộng đồng và các vấn đề kinh tế xã hội. Các quốc gia đang và kém phát triển với sinh kế và nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp - thủy sản, và các vùng ven biển là những khu vực chịu tác động nặng nề nhất bởi BĐKH.

Vùng duyên hải Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (BB - BTB) bao gồm 11 tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Đây là vùng có bờ biển dài gần 700km, có trữ lượng thủy hải sản phong phú đa dạng; có nhiều tiềm năng để phát triển NTTS. Diện tích có thể phát triển NTTS toàn vùng là 163.896 ha, trong đó có diện tích nuôi mặn lợ 48.669ha. Tuy nhiên, đây cũng là vùng có điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhất cả nước. Hàng năm thường xảy ra thiên tai (bão, lũ, gió lào, hạn hán…) mà nguyên nhân chủ yếu là do vị trí, cấu trúc địa hình tạo ra, gây khó khăn cho sản xuất, đặc biệt là NTTS ven biển. Vùng duyên hải BB - BTB là nơi có tiềm năng NTTS ven biển lớn, chủ yếu là các hệ thống nuôi kết hợp mở rộng, là một trong số ít các lựa chọn sinh kế cho các cộng đồng ven biển nghèo. Trong những năm gần đây, NTTS ở khu vực đã chứng kiến sự gia tăng dịch bệnh và sự thất bại của mùa màng, càng trầm trọng hơn do BĐKH. Theo các kịch bản BĐKH và mực nước biển dâng cho Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường (2016) xây dựng, vùng BB - BTB bị ảnh hưởng nặng nề do BĐKH, đặc biệt là do nhiệt độ tăng lên và sự thay đổi lượng mưa. Nhiệt độ tối cao bắt đầu vượt quá giới hạn cho phép của các loài nuôi chủ yếu, ảnh hưởng tiêu cực tới tỷ lệ sống sót và tốc độ sinh trưởng. Sự gia tăng lượng mưa trong mùa mưa gây ngập lụt nghiêm trọng; tuy nhiên lượng mưa giảm mạnh trong mùa khô cũng gây khó khăn hơn trong việc duy trì nguồn cung cấp nước cho hoạt động nông nghiệp và NTTS (VIFEP 2012).

Các nghiên cứu và thực hành CSA hiện nay ở Việt Nam chủ yếu trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, trong lĩnh vực thủy sản nói chung NTTS nói riêng còn rất hạn chế. Hiện mới chỉ có một vài nghiên cứu về CSA trong NTTS hiện nay ở cấp độ một số hộ nuôi nhỏ lẻ, chưa mang tính hệ thống, các nghiên cứu chủ yếu định tính, thiếu định lượng hoặc mức độ lượng hóa chưa chứng minh được rõ ràng về 3 mục tiêu theo cách tiếp cận CSA. Hầu hết, các nghiên cứu hiện nay mới chỉ đề xuất được một vài mô hình thực hành ở quy mô nhỏ, còn thiếu các cơ sở lý luận mang tính thuyết phục và bằng chứng thực tiễn cơ bản, cũng chưa được đánh giá tổng kết thành các bài học kinh nghiệm và tài liệu hướng dẫn kỹ thuật để chứng minh được hiệu quả “thông minh”. Do đó, cần có nghiên cứu cụ thể về cơ sở khoa học và thực tiễn cho phát triển các hệ thống NTTS ven biển ứng phó thông minh với BĐKH và các mô hình thực hành kèm theo để làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp phát triển NTTS ven biển thông minh với BĐKH tại vùng BB - BTB nói riêng và Việt Nam nói chung.

Xuất phát từ thực tiễn trên, PGS.TS Hoàng Ngọc Khắc và nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Biến đổi toàn cầu và Phát triển bền vững đã thực hiện Nghiên cứu giải pháp phát triển nuôi trồng thuỷ sản ven biển thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng duyên hải Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ” với mục tiêu: Xác lập được cơ sở lý luận và thực tiễn trong phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển thông minh với BĐKH vùng duyên hải Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; Xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá các hệ thống NTTS ven biển thông minh với BĐKH, làm cơ sở cho việc đánh giá, quản lý và nhân rộng các hệ thống NTTS ven biển thông minh với BĐKH; Lựa chọn được một số hệ thống NTTS ven biển thông minh với BĐKH cho vùng duyên hải Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (Hệ thống nuôi kết hợp một số loài thủy sản kinh tế trong ao đầm nước lợ; Hệ thống nuôi cá lồng bè ở vịnh kín ven biển; Hệ thống nuôi ngao bãi triều; Hệ thống NTTS trong rừng ngập mặn); Xây dựng được Bộ tài liệu hướng dẫn kỹ thuật và triển khai mô hình NTTS ven biển thông minh với BĐKH cho vùng duyên hải Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; Đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển NTTS ven biển thông minh với BĐKH cho vùng duyên hải Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Đề tài sử dụng cách tiếp cận CSA của FAO (2015) kết hợp với khung phân tích ưu tiên các thực hành thông minh với BĐKH trong nông nghiệp (CSA-PF) được xây dựng bởi Dolloff và các cộng sự (2015) tại CIAT và CCAFS. Trong đó, khung phân tích CSA-PF cung cấp các phương pháp cho: (i) xác định các hệ thống canh tác nông nghiệp, chăn nuôi và các vùng trọng yếu (dễ bị tổn thương) cho vấn đề NBLT quốc gia/vùng; (ii) xác định các lựa chọn CSA hiện có và có tiềm năng (thực hành, công nghệ, dịch vụ) liên quan đến các hệ thống sản xuất và các vùng trọng điểm; (iii) đánh giá các kết quả cụ thể của các thực hành về năng xuất/ ANLT, các chỉ số thích ứng/khả năng phục hội và giảm phát thải; (iv) phân tích chi phí- lợi ích của việc triển khai thực hành CSA, cũng như các cơ hội và rào cản đói với việc áp dụng các thực hành CSA; và (v) xác định các chiến lượng và chính sach có trong hỗ trợ triển khai, và/ hoặc nhân rộng áp dụng các thực hành CSA (ví dụ như các chương trình bảo hiểm và tín dụng, các hệ thống cảnh báo sớm…).

Đề tài đã tiến hành tổng kết các nghiên cứu trên thế giới và trong nước về các mô hình NTTS truyền thống và mô hình NTTS thông minh thích ứng BĐKH đang được ứng dụng trong những năm gần đây làm cơ sở xây dựng cơ sở lý luận phát triển mô hình NTTS thông minh thích ứng BĐKH cho vùng duyên hải Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Trong đó, ngành NTTS trên thế giới cũng như trong nước hiện nay đang đối mặt với rất nhiều khó khăn về sản lượng, diện tích và hiệu quả kinh tế trong khi chưa đảm bảo được bền vững môi trường và an toàn vệ sinh. Tình hình dịch bệnh, ký sinh, ô nhiễm môi trường, suy giảm sinh học, và phát thải KNK, tác động từ BĐKH và các yếu tố thời tiết cực đoan đang trở thành những bất lợi và thách thức lớn trên toàn thế giới. Trước tình hình đó, FAO đã đề xuất phương pháp tiếp cận NTTS thông minh thích ứng BĐKH (CSA) trên cơ sở đảm bảo các tiêu chí trụ cột An Ninh Lương Thực (ANLT), thích ứng BĐKH và giảm phát thải KNK. Trên cơ sở đó, các mô hình CSA đang được ứng dụng và nhân rộng trên thế giới bao gồm mô hình sông trong ao, mô hình NTTS kết hợp (trồng trọt - chăn nuôi), mô hình nuôi thủy sản trong rừng ngập mặn, mô hình nuôi đa dinh dưỡng tổng hợp, mô hình nuôi cá lồng bè trong vịnh kín,... Các mô hình CSA trên đều có đặc điểm chung là cho năng suất cao vượt trội với cùng một diện tích nuôi, đảm bảo và thậm chí gia tăng hiệu quả kinh tế với khả năng thích ứng BĐKH, dễ áp dụng và triển khai.

Đề tài cũng đồng thời tổng hợp thông tin thống kê, dữ liệu kinh tế xã hội, điều kiện tự nhiên và thực trạng NTTS tại 11 tỉnh thành ven biển BB-BTB và khả năng ứng phó, nhận biết thiên tai cũng như đặc trưng các mô hình NTTS hiện có tại khu vực nghiên cứu qua các phiếu điều tra và công tác khảo sát thực địa. Kết quả đánh giá thực trạng cho thấy, vùng nghiên cứu có tiềm năng phát triển NTTS lớn với lực lượng lao động có kinh nghiệm và đường bờ biển kéo dài thuận lợi cho NTTS. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực dễ bị tác động bởi BĐKH và các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão gió, mưa lớn, nắng nóng, và hạn hán. Đồng thời, tại các vùng nuôi nhìn chung còn thiếu các cơ sở sản xuất, cung ứng giống chất lượng, hệ thống CSHT còn yếu kém, các mô hình nuôi còn nhỏ lẻ và dễ bị dịch bệnh do môi trường cũng như tác động của BĐKH.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18833/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 4
Hôm nay: 187
Tổng lượt truy cập: 3.995.589
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!