Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết bị tráng hấp bánh tráng gạo dạng tròn
Bánh tráng là một sản phẩm đặc trưng từ gạo rất phổ biến ở nước ta.Hiện nay bánh tráng không chỉ là một món ăn kèm, món khai vị…mà nó đã trở thành một trong những biểu tượng cho văn hóa ẩm thực Việt Nam. Có nhiều loại bánh tráng khác nhau, được phân loại dựa vào thành phần nguyên liệu và công nghệ chế tạo chúng. Bánh tráng Bò pía, bánh tráng rế thường nguyên liệu là bột mì và công nghệ sản xuất chúng bằng phương pháp nướng chín. Còn bánh tráng gạo chủ yếu từ gạo có pha thêm bột năng để tăng thêm độ dai của chúng. Bánh tráng gạo hiện nay đã sản xuất bằng máy, tuy nhiên dưới dạng băng, sau khi phơi khô sẽ được cắt tròn. Công nghệ này tạo ra nhiều phụ phẩm.
Hơn nữa, công nghệ làm bánh tráng chủ yếu vẫn còn đang được thực hiện hoàn toàn bằng thủ công. Điều này làm năng suất, chất lượng sản phẩm phụ thuộc vào trình độ và tay nghề công nhân đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ đó cần đặt ra yêu cầu chuyển đổi công nghệ thủ công sang sản xuất bằng máy. Xuất phát từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Trần Doãn Sơn tại Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết bị tráng hấp bánh tráng gạo dạng tròn” từ năm 2015 đến năm 2018.
Thông qua việc khảo sát thực tế sản xuất và nghiên cứu công nghệ bột, thiết kế hoàn chỉnh thiết bị, chế tạo hoàn chỉnh thiết bị và khảo nghiệm để xác định chế độ công nghệ hợp lý, nhóm nghiên cứu đã chế tạo được thiết bị sản xuất tự động bánh tráng thay cho phương pháp thủ công. Bánh tráng gạo dạng tròn trước đây thường qua hấp và sấy, trên thiết bị mới này có thể không cần hấp mà sấy ở trạng thái dẻo, có thể dùng để quấn chả giò ngay, không cần phải sấy như truyền thống.
Thiết bị sản xuất tự động bánh tráng có ý nghĩa rất lớn cho thực tế sản xuất. Thiết bị mới có thể trực tiếp tạo ra bánh tráng gạo dạng tròn, giảm phụ phẩm từ 35% xuống còn 5% và mang lại hiệu quả rất lớn cho nhà sản xuất.
Có thể tìm đọctoàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19100/2018) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/