Tự động hóa quá trình sản xuất nhíp ô tô tiến tới xây dựng nhà máy thông minh
Trong bối cảnh những năm 2016 - 2018 các doanh nghiệp làm về ô tô có một sức ép lớn, theo lộ trình hội nhập AFTA - khu vực mậu dịch tự do Asean thì đến thời điểm đầu tháng 1/2018, việc cạnh tranh khốc liệt trong thị trường ngành ô tô sẽ diễn ra do thuế suất nhập khẩu về 0% đối với các nhóm hàng ô tô xe máy.
Trước tình hình đó, Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải đã xác định và có các chuẩn bị từ năm 2015 và việc đánh giá khả thi thay đổi công nghệ, cải tiến dây chuyền sản xuất được hoạch định thành chiến lược và là quyết định sống còn. Mặt khác, từ đầu năm 2017, cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, khái niệm cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bắt đầu có ảnh hưởng và tạo thành làn sóng mới tại Việt Nam. Các doanh nghiệp đứng trước một cuộc chiến mới với việc thay đổi công nghệ để cải tiến, nâng cấp hoạt động sản xuất kinh doanh, để phát triển và cạnh tranh hay là thụt lùi. Tại thời điểm đó, nhà máy sản xuất nhíp ô tô cũng không ngoại lệ khi đứng trước những bất cập như về dây chuyền được chuyển giao công nghệ từ Hàn Quốc và nguồn nhân lực chất lượng chưa cao.
Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu của KS. Đặng Minh Long tại Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải đã thực hiện đề tài: “Tự động hóa quá trình sản xuất nhíp ô tô tiến tới xây dựng nhà máy thông minh (Smart factory)” từ năm 2018 đến năm 2020.
Mục tiêu của đề tài là nhằm hoàn thiện dây chuyền hiện có để tiến tới tự động hóa quá trình sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm và trên cơ sở dây chuyền đã được hoàn thiện, tiến tới xây dựng nhà máy thông minh (Smart factory).
Đề tài đã giải quyết các vấn đề sau:
§ Dây chuyền thiết bị tự động được nâng cấp từ 25% lên 83% trên nền tảng dây chuyền thiết bị được chuyển giao công nghệ từ Hàn Quốc.
§ Cơ bản xây dựng được hệ thống số hóa việc quản lý chất lượng sản phẩm và thông số kỹ thuật toàn nhà máy, có hệ thống robot sơn mã số hiện đại, dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua mã QR-Code.
§ Hệ thống giám sát tình trạng máy móc thiết bị (SCADA) với giao diện trực quan, trên nền tảng WebAccess truy cập qua Internet.
§ Xây dựng được hệ thống phòng điều khiển trung tâm - nơi theo dõi, vận hành, điều phối hoạt động sản xuất toàn nhà máy. Các dữ liệu cập nhật theo thời gian thực.
§ Trên cơ sở đó, đào tạo được đội ngũ kỹ sư nghiên cứu và phát triển, kỹ sư sản xuất chất lượng cao có khả năng làm chủ công nghệ thiết kế nhíp, dây chuyền tự động hóa, vận hành thành thạo hệ thống sản xuất.
Các sản phẩm chính của đề tài bao gồm: (1), dây chuyền sản xuất 15 hệ thống tự động hóa; (2), hệ thống số hóa việc giám sát chất lượng sản phẩm và thông số kỹ thuật toàn nhà máy; (3) hệ thống giám sát tình trạng máy móc thiết bị; (4), hệ thống giám sát và điều khiển toàn bộ các công đoạn sản xuất (Phòng điều khiển trung tâm và hệ thống SCADA); (5), phần mềm tích hợp quản lý toàn nhà máy MES; (6), đào tạo được 21 kỹ sư thiết kế, vận hành, bảo trì bảo dưỡng dây chuyền; (7), xây dựng được mô hình nhà máy sản xuất nhíp thông minh và mục tiêu cần hướng đến; (8), sản xuất thử nghiệm 600 bộ nhíp xe tải Kia Frontier K200.
Kết quả của đề tài là cơ sở để tiếp tục triển khai cho các nhà máy sản xuất khác cũng như tạo tiền đề cho việc ứng dụng và phát triển công nghệ theo xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ở Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Mô hình được nhân rộng sang các nhà máy khác của Trường Hải và các đơn vị sản xuất khác như: Nhà máy Cơ khí, Nhà máy Gia công thép, Nhà máy Sản xuất Khuôn, Nhà máy sản xuất Kính ô tô… và là mô hình để các đơn vị khác trong nước tham khảo và ứng dụng nhằm thúc đẩy sự phát triển nền khoa học công nghệ quốc gia.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19225/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/