Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 09-01-2024

Phát triển chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh mới

Hiện nay, với đặc thù là vùng có hệ sinh thái đất ngập nước độc đáo, hệ thống sông ngòi, kênh, rạch dày đặc, sản vật dưới sông trên cạn phong phú, miệt vườn với nhiều loại cây trái sum suê, con người hào hiệp, nghĩa khí…Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chứa đựng nhiều giá trị tài nguyên nông nghiệp và du lịch đặc sắc mang tính điển hình của vùng. Tuy nhiên, các nghiên cứu được tổng quan cũng như thực tiễn khảo sát và tư vấn phát triển du lịch cho nhiều địa phương trong vùng cho thấy hình thức du lịch nông nghiệp tại ĐBSCL vẫn chưa đi vào quy củ và còn phát triển manh mún, thiếu tính hệ thống và đồng bộ, đặc biệt là khai thác chuỗi giá trị du lịch trong nông nghiệp.

 

Do đó, việc nghiên cứu tiềm năng, phân tích thực trạng, xây dựng chiến lược, đề xuất giải pháp để chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp phát triển một cách bền vững ở ĐBSCL trong giai đoạn 2021-2030 là nhiệm vụ cần thiết và mang tính cấp bách. Vì thế, PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan và nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ CHí Minh đã thực hiện đề tài: “Phát triển chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh mới” trong thời gian từ năm 2019 đến năm 2021.

Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu đề xuất các giải pháp phát triển chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp tại ĐBSCL trên cơ sở khai thác tối ưu lợi thế tài nguyên bản địa, tăng cường tính liên kết 2 ngành, liên kết vùng trong quá trình hình thành và xây dựng các sản phẩm du lịch nông nghiệp tại ĐBSCL trong bối cảnh mới.

Đề tài đã phân tích kinh nghiệm từ việc phát triển chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp tại các quốc gia, cùng với các quan điểm được đưa ra trong quá trình nghiên cứu như: 1) Phát triển chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp theo hướng bền vững; 2) Phát triển chuỗi giá trị du lịch nhằm tăng giá trị nông nghiệp và gắn mới mục tiêu xây dựng nông thôn mới; 3) Phát triển chuỗi giá trị du lịch nhằm tăng cường việc ứng dụng khoa học và công nghệ; cũng như việc phân tích SWOT.

Từ đó, đề tài đã đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm phát triển chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp ở ĐBSCL:

- Giải pháp chung, gồm có: 1) Nâng cao nhận thức về hiệu quả của phát triển du lịch nông nghiệp và việc liên kết chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp; 2) Phát triển nguồn nhân lực du lịch; 3) Xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích liên kết du lịch nông nghiệp (vốn, tư vấn, xây dựng đề án phát triển du lịch nông nghiệp); 4) Phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho phát triển du lịch; 5) Phát triển và đa dạng hóa thị trường khách du lịch; 6) Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc thù; 7) Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch và hợp tác, hội nhập quốc tế về du lịch; 8) Ứng dụng khoa học và công nghệ; 9) Tăng cường vai trò của quản lý nhà nước về du lịch nông nghiệp và chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp; 10) Ban hành bộ tiêu chí để quản lý hoạt động du lịch nông nghiệp theo định hướng đặt ra.

- Giải pháp cụ thể, gồm: 1) Triển khai các mô hình điểm theo từng cấp độ cần phát triển; 2) Hỗ trợ vốn và tư vấn; 3) Quy hoạch phát triển du lịch; 4) Phát triển chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp dựa trên kinh tế tập thể.

Việc khai thác và phát triển du lịch sẽ góp phần nâng cao năng lực cho cộng đồng địa phương, kích thích sản xuất và gia tăng giá trị sản phẩm cho địa phương trong đó có các mặt hàng nông sản, bảo tồn các giá trị tài nguyên, tạo cơ hội cho địa phương đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa nông thôn, thực hiện nhanh chóng mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19363/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 16
Hôm nay: 1579
Tổng lượt truy cập: 3.262.103
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.