Tăng cường hệ miễn dịch cho tôm bằng dịch chiết từ cây bụp giấm
Nghiên cứu của nhóm tác giả từ hai trường Đại học Trà Vinh và Đại học Kiên Giang cho thấy, dịch chiết từ lá cây bụp giấm có khả năng kích thích tăng trưởng và tăng cường hệ miễn dịch cho tôm thẻ chân trắng.
Bệnh hoại tử gan tụy trên tôm (AHPND), hay còn gọi là hội chứng tôm chết sớm, là một bệnh rất nguy hiểm ở tôm, bệnh gây chết tôm hàng loạt chỉ sau một thời gian ngắn. Nguyên nhân chính gây bệnh là vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus hoặc quản lý môi trường ao nuôi kém. Tôm có thể bị nhiễm bệnh hoại tử gan tụy trong suốt quá trình nuôi, tập trung nhiều ở giai đoạn tôm nhỏ đến 60 ngày tuổi.
Nhiều kết quả nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả sử dụng thảo dược trong phòng trị bệnh thủy sản. Chiết xuất thảo dược được ghi nhận có hoạt tính kháng khuẩn cao, tăng cường hệ miễn dịch, ít ảnh hưởng đến môi trường và không gây hại cho con người. Do vậy, việc chuyển đổi từ các loại thuốc tổng hợp sang các loại thảo dược như một phương pháp thay thế cho kháng sinh, kích thích tăng trưởng trong nghề nuôi thủy sản đang trở nên phổ biến.
HIện nay, nhiều loại thảo dược được xác định có tác dụng kháng khuẩn, kích thích tăng trưởng, tăng cường miễn dịch, và khả năng kháng bệnh ở thủy sản như cây lựu, diệp hạ châu, cây bàng, thầu dầu, sim, cỏ mực,…
Cây bụp giấm. Ảnh: Internet
Cây bụp giấm (tên khoa học Hibiscus sabdariffa), là loài thực vật hoang dã, thường mọc ở những vùng ven biển Việt Nam. Chúng có thể sống ở những vùng đất ngọt, lợ - mặn. Đài hoa bụp giấm chứa nhiều acid hữu cơ (citric, malic, tartric), các flavonoid (gossypetin và hibiscin, hibiscitrin, hibiscetin, gossypitrin và sabdaritrin). Quả khô chứa calci oxalat, gossypetin, anthocyanin và vitamin C. Đài hoa thường được sắc uống hoặc hãm uống giúp tiêu hoá, trị các bệnh về gan mật, về tim và thần kinh, huyết áp cao và xơ cứng động mạch.
Một số nghiên cứu cho thấy, chất chiết từ cây bụp giấm có hoạt tính kháng cả vi khuẩn Gram âm và Gram dương. Tuy nhiên, đến nay còn có rất ít những nghiên cứu về hiệu quả của cây bụp giấm trên đối tượng thủy sản, cụ thể như khả năng kháng vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây bệnh trên tôm, kích thích tăng trưởng, tăng cường miễn dịch và chống lại vi khuẩn gây bệnh trên tôm.
Vì vậy, nhóm tác giả từ hai trường Đại học Trà Vinh và Đại học Kiên Giang đã nghiên cứu đánh giá hiệu quả của chiết xuất lá cây bụp giấm lên khả năng kháng vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm thẻ; đồng thời đánh giá tốc độ tăng trưởng và khả năng đáp ứng miễn dịch trên tôm thẻ thí nghiệm.
Theo đó, lá cây bụp giấm thu hái ở Trà Vinh được rửa sạch, sấy khô và nghiền thành bột. Bột được sử dụng để chiết xuất với các dung môi như methanol, ethanol, nước nóng. Kết quả, dịch chiết bằng cả ba dung môi trên đều có khả năng kháng vi khuẩn Vibrio paraheamolyticus. Tuy nhiên, khả năng kháng vi khuẩn cao nhất khi sử dụng dung môi methanol.
Nghiên cứu khả năng kháng khuẩnVibrio parahaemolyticus của dịch chiết bụp giấm. Ảnh: NNC
Dịch chiết được bổ sung cùng viên thức ăn tôm. Kết quả, dịch chiết không tác động tiêu cực đến môi trường nước nuôi tôm. Sau 30 ngày nuôi, chiều dài tôm đạt trung bình khoảng 15 - 17cm, trong khi tôm đối chứng (không bổ sung dịch chiết vào thức ăn) thì chiều dài trung bình đạt 14 – 15cm. Khối lượng tôm đạt trung bình 26gr/con, tôm đối chứng là 22gr/con. Điều này chứng tỏ, dịch chiết từ bụp giấm có khả năng kích thích tăng trưởng, tăng cường hấp thu và tiêu hóa chất dinh dưỡng.
Ngoài ra, dịch chiết bụp dấm ở nồng độ 1 và 1,5% có hiệu quả trong việc nâng cao đáp ứng miễn dịch cho tôm, thể hiện số lượng gia tăng bạch cầu không hạt (đơn nhân) trong máu tôm.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, chất chiết từ lá bụp giấm có tiềm năng trong việc sử dụng làm chế phẩm diệt khuẩn Vibrio paraheamolyticus. Đồng thời, có thể bổ sung vào thức ăn để cải thiện tăng trưởng, tăng cường miễn dịch cho tôm.
Nghiên cứu được công bố trên Số 6 năm 2023 của Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ.
https://khoahocphattrien.vn/