Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 19-01-2024

Nghiên cứu thiết kế, chế tạo bộ thu mềm hệ thống nhận dạng tự động

Hệ thống nhận dạng tự động (AIS - Automatic Identification System) đã được sử dụng để nâng cao, đảm bảo an toàn và độ chính xác trong dẫn đường và định vị trong vận tải biển. Hệ thống AIS cho phép các phương tiện vận tải biển, các đài bờ, beacon... trao đổi thông tin với nhau như: tên tàu, vị trí, tốc độ, cảng đến, thời gian đến… Do đó, khi đang hành hải ở một vùng nước nào đó, thông qua hệ thống AIS, các tàu có thể theo dõi, đánh giá được tình trạng giao thông thuỷ, tình trạng hành hải của các phương tiện thuỷ khác ở xung quanh.

Việc trao đổi thông tin giữa các phương tiện thuỷ hoặc với đài bờ được thực hiện hoàn toàn tự động. Với hệ thống AIS sử dụng sóng VHF để trao đổi thông tin, phạm vi hoạt động hiệu quả là khoảng 50 hải lý. Tổ chức Hàng hải quốc tế quy định trong công ước SOLAS 1974, tất cả các tàu hàng trọng tải từ 300 GT trở lên hoạt động tuyến quốc tế và tất cả các tàu khách, không phụ thuộc vào trọng tải tàu, đều bắt buộc phải trang bị hệ thống AIS.

Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng lớn về phát triển vận tải biển, vận tải pha sông biển và vận tải thủy nội địa. Hiện nay, để nâng cao hiệu quả vận tải hàng hóa, thực hiện chủ trương tái cơ cấu vận tải, hàng hóa dịch chuyển từ đường bộ sang đường thủy, phương tiện thủy nội địa, pha sông biển tăng cả về số lượng và kích thước. Bên cạnh đó, kinh tế phát triển, du lịch ven biển, trên sông bằng tàu thuyền gia tăng, vì vậy, nguy cơ mất an toàn giao thông thủy rất cao, thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông thủy nghiêm trọng, tai nạn giao thông thủy tăng cả 3 tiêu chí. Tính đến tháng 4/2016, cả nước đã có hơn 270.000 phương tiện thủy nội địa được đăng ký, đảm nhiệm vận chuyển khoảng 18% về hàng hóa, 6,8% về hành khách trong tổng lượng vận tải của toàn ngành. Theo thống kê của các Cảng vụ hàng hải, hàng hóa được các phương tiện VR-SB vận chuyển thông qua cảng biển trong năm 2016 đạt gần 12 triệu tấn, trong đó khoảng gần 8 triệu tấn hàng được vận chuyển từ cảng biển đến, rời cảng biển và ngược lại với trên 13 nghìn lượt phương tiện thông qua. Hiện nay đội phương tiện VR-SB có khoảng trên 1.000 chiếc và đã có tàu trọng tải 4 trên 20.000 tấn. Điều này cho thấy việc đầu tư phát triển đối với phương tiện VR-SB hiện nay là rất nóng, trong khi chất lượng thuyền viên làm việc trên phương tiện chưa đáp ứng kịp, chất lượng cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp chưa chuyên nghiệp và đòi hỏi về an toàn của phương tiện chưa đảm bảo, hơn nữa với việc phát triển nóng đã dẫn tới việc cạnh tranh nhau gay gắt để có hàng hóa vận chuyển đã tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ không chỉ về mất an toàn hàng hải mà còn tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ cơ cấu đội tàu biển vận tải nội địa. Những con số trên cho thấy, lưu lượng phương tiện vận tải thuỷ hoạt động trên các tuyến thuỷ nội địa, tuyến ven biển của Việt Nam sẽ không ngừng tăng lên. Vì vậy, việc kiểm soát, giám sát hoạt động của các phương tiện vận tải thuỷ nhằm đảm bảo, tăng cường an toàn giao thông thuỷ sẽ càng trở nên cấp bách. Nếu hầu hết các phương tiện thuỷ đều được trang bị hệ thống AIS với một chi phí hợp lý thì các phương tiện này có thể theo dõi một cách dễ dàng hoạt động của các phương tiện thuỷ xung quanh. Đồng thời, đối với cơ quan chức năng, hệ thống AIS sẽ giúp ích trong việc giám sát, thống kê, đánh giá tình trạng hoạt động của các tuyến luồng đường thuỷ, đường biển, hoạt động tàu thuyền ra vào cảng biển, bến cảng thuỷ nội địa.

Nhằm có thể nghiên cứu thiết kế và chế tạo thành công bộ thu mềm hệ thống nhận dạng tự động (bộ thu AIS) để triển khai lắp đặt tại các đài bờ phục vụ công tác quản lý, giám sát các phương tiện vận tải đường biển, đường thuỷ nội địa, nâng cao an toàn giao thông thuỷ; nội địa hóa, làm chủ công nghệ chế tạo sản phẩm khoa học công nghệ cao; đa dạng hóa các chủng loại sản phẩm để nâng cao chất lượng sản phẩm khoa học công nghệ được chế tạo trong nước; bộ thu AIS được chế tạo có chất lượng độ chính xác cao, độ nhạy tốt, hoạt động ổn định, phù hợp với tiêu chuẩn IMO Msc.74, tương đương sản phẩm của hãng nước ngoài như Furuno FA-30, nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam do TS. Phạm Việt Hưng đứng đầu đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo bộ thu mềm hệ thống nhận dạng tự động”.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài đưa ra kết luận như sau:

Sau khi thiết kế, chế tạo hệ thống, nhóm tác giả đã thực hiện thử nghiệm bộ thu AIS trên một vị trí tương ứng với đài bờ, kết quả cho thấy hệ thống hoạt động ổn định, cho phép hiển thị tất cả các thông số của các thiết bị kết nối tới hệ thống. Trong suốt thời gian thử nghiệm, tại tất cả các lần thử nghiệm, hệ thống hoạt động bình thường và không xảy ra sự cố trong suốt thời gian thử nghiệm, các giá trị hiển thị trên màn hình hệ thống đúng với các giá trị hiển thị trên màn hình của bộ thu AIS. Đồng thời, chất lượng của bộ thu AIS do nhóm tác giả thiết kế, chế tạo đã được đánh giá bởi cơ quan kiểm định độc lập, đầy đủ tư cách pháp nhân là Trung tâm Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng 1, Cục Kỹ thuật Hải quân (Trung tâm 1). Các kết quả thử nghiệm cho thấy hệ thống có thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật của bộ thu AIS.

Đề tài đã được thực hiện theo đúng nội dung và tiến độ thuyết minh đề cương đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt. Nhóm đề tài mong muốn được tạo điều kiện tiếp tục nghiên cứu, phát triển hệ thống và ứng dụng vào công tác giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu khoa học tại Trường.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19389/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 17
Hôm nay: 93
Tổng lượt truy cập: 3.255.751
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.