Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 29-01-2024

Nghiên cứu đề xuất giải pháp chính sách hỗ trợ phát triển các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam

Thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) ở nước ta vẫn ở trình độ thấp, các yếu tố cấu thành thị trường chưa phát triển đồng bộ; năng lực của nhiều chủ thể trên thị trường KH&CN còn thấp, chưa đáp ứng được các yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế nước ta trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay; thiếu tính đột phá do thiếu các tổ chức trung gian thị trường KH&CN đủ mạnh để có thể thúc đẩy hoạt động sáng tạo, kết nối với các quỹ đầu tư mạo hiểm, các doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức tài chính, nhà sáng chế v.v...

Các tổ chức trung gian (TCTG) của thị trường KH&CN (gọi tắt là tổ chức trung gian hoặc tổ chức trung gian KH&CN) kết nối các nhà sáng chế, tạo ra công nghệ/bên cung cấp công nghệ và bên sử dụng công nghệ, đóng vai trò cầu nối giữa các bên và tạo điều kiện cho các hoạt động chung về KH&CN được diễn ra thông suốt trong một, cộng đồng đổi mới toàn cầu. Tuy nhiên, vai trò của các tổ chức trung gian chưa thể hiện được chức năng kết nối cung cầu, tư vấn CGCN còn mờ nhạt. Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 chỉ ra rằng “Thị trường khoa học và công nghệ phát triển còn chậm, còn ít các tổ chức trung gian có uy tín, kinh nghiệm trong hoạt động kết nối cung - cầu”.

Nhằm thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN và các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN để gắn liên kết chuyển giao tri thức, kết quả nghiên cứu giữa các nhà khoa học, viện/trường cho các doanh nghiệp, nâng cao trình độ KH&CN ở Việt Nam, năm 2020, nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học kinh tế Quốc dân do PGS.TS. Lê Trung Thành dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đề xuất giải pháp chính sách hỗ trợ phát triển các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ của Việt Nam”.

Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu nhận diện được thực trạng hoạt động của các tổ chức trung gian ở thị trường KH&CN ở Việt Nam; xác định được mô hình hoạt động và mạng lưới của tổ chức trung gian theo hướng chuyên nghiệp tại Việt Nam; và đề xuất các giải pháp chính sách hỗ trợ phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN Việt Nam.

Nghiên cứu thực hiện phân tích thực trạng năng lực và kết quả hoạt động của các TCTG KH&CN trong 8 ngành, gồm: (i) thủy sản; (ii) thực phẩm đồ uống; (iii) dệt may; (iv) chế biến gỗ; (v) hóa dược; (vi) xây dựng công trình đường bộ; (vii) vật liệu xây dựng và (viii) năng lượng điện gió. Với mỗi ngành, hình thức hoạt động, năng lực và kết quả của 3 loại hình tổ chức trung gian nêu trên không giống nhau. Những ngành có TCTG mạnh là các doanh nghiệp/đơn vị dịch vụ KH&CN có thể kể đến là thực phẩm đồ uống, dệt may, hóa dược, xây dựng công trình đường bộ và năng lượng điện gió. Ngành có tổ chức hợp tác và hỗ trợ (trường, trung tâm, vườn ươm…) mạnh là thủy sản, thực phẩm đồ uống, dệt may, hóa dược, xây dựng công trình đường bộ, vật liệu xây dựng, năng lượng điện gió. Ngành có các tổ chức trung gian kết nối mạnh là thủy sản, dệt may, chế biến gỗ, vật liệu xây dựng.

Với mục tiêu phát triển nhanh và bền vững chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Việt Nam cần có những giải pháp để phát triển TCTG KH&CN nói riêng và thị trường KH&CN nói chung. Nghiên cứu đề xuất 5 mô hình cơ bản về hoạt động của tổ chức trung gian, bao gồm: (i) mô hình TCTG đổi mới sáng tạo dẫn dắt; (ii) mô hình TCTG tích hợp mở; (iii) mô hình TCTG tích hợp; (iv) mô hình TCTG với vai trò dẫn dắt của Hiệp hội ngành nghề và (v) mô hình TCTG gắn với chuỗi giá trị và theo cụm công nghiệp (khu kinh tế).

Giải pháp chính sách nhằm phát triển TCTG KH&CN trong giai đoạn 2030 tập trung vào việc: (i) thành lập cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động trung gian KH&CN gắn với việc kiểm tra, đánh giá hoạt động của TCTG; (ii) hình thành tổ chức trung gian cấp quốc gia ở một số loại hình then chốt; (iii) hình thành mạng lưới cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ chế chia sẻ, sử dụng dữ liệu tới các đơn vị TCTG và đơn vị tham gia thị trường KH&CN. Ngoài ra, nghiên cứu đề xuất một số chính sách hỗ trợ khác liên quan đến thuế; Quỹ Phát triển KH&CN; phát triển nguồn nhân lực KH&CN; thu hút đầu tư nước ngoài và chuyên gia nước ngoài; thúc đẩy tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp dịch vụ KH&CN công lập;...

Nghiên cứu mang tích thời sự, cấp bách, có ý nghĩa lý luận, ý nghĩa thực tiễn và phù hợp với Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19574/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 26
Hôm nay: 254
Tổng lượt truy cập: 3.262.494
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.