Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 26-02-2024

Hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề áp dụng công cụ cải tiến Kaizen để nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, nâng cao năng suất được coi là yếu tố quyết định tới sự phát triển của các quốc gia, của các ngành hàng và của các doanh nghiệp (DN) (Steenhuis & Brujin, 2006; Zhang & Tian, 2020; Jia & cộng sự, 2020). Những lý thuyết quản trị như Lý thuyết của Ford, Lý thuyết quản trị hệ thống, Lý thuyết X và Y, Lý thuyết về quan hệ con người, Lý thuyết quản trị hành chính hoặc các lý thuyết về quản trị của Hoa Kỳ hay Nhật Bản đều đề cập đến vai trò của các mô hình, phương pháp, công cụ nhằm nâng cao năng suất (Nehrbass, 1979; EyeWitness to History, 2005; McCann, 2015; Kotabe, 2020). Mỗi mô hình, phương pháp, công cụ có đặc thù riêng, phù hợp với từng đối tượng tổ chức, DN. Việc tìm kiếm phương pháp, công cụ quản trị phù hợp cho tổ chức, DN luôn là ưu tiên hàng đầu nhằm nâng cao năng suất (Nelson, 1981; Bartelsman, 2010).

Theo Quyết định 712/QĐ-TTg, Việt Nam đã triển khai Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN Việt Nam đến năm 2020”. Chương trình có hai mục tiêu tổng quát là: Xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; phát triển nguồn lực cần thiết để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng của các sản phẩm, hàng hóa chủ lực, khả năng cạnh tranh của các DN đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Một số mục tiêu cụ thể của Chương trình gồm: 60.000 DN được hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; xây dựng phong trào năng suất chất lượng tại tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hơn 541.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang hoạt động trong nền kinh tế và số lượng các DNNVV chiếm khoảng 96,7% tổng số DN. DNNVV có tổng số vốn đăng ký chiếm khoảng 1/3 tổng số vốn đăng ký của các DN Việt Nam. Hàng năm, các DNNVV đóng góp khoảng 40% GDP, nộp ngân sách nhà nước 30%, đóng góp giá trị sản lượng công nghiệp 33%, giá trị hàng hóa xuất khẩu 30% và thu hút gần 60% lao động. Trong số các DNNVV, số lượng DN có quy mô vừa chỉ chiếm 1,6% tổng số. Do vậy, hoạt động của các DNNVV gặp phải nhiều khó khăn: tiếp cận vốn để đầu tư vào máy móc, công nghệ hiện đại còn nhiều hạn chế; nguồn nhân lực thiếu và yếu, năng lực cạnh tranh, khả chiếm lĩnh thị trường thấp; trình độ công nghệ thông tin kém. Các DNNVV thiếu trình độ, kiến thức, mô hình, công cụ quản trị DN tiên tiến, hiện 2 đại. Phần lớn các DN nhỏ và siêu nhỏ là DN gia đình, việc quản trị chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của chủ DN.

Triển khai các công cụ quản trị mới trong các doanh nghiệp làng nghề (DNLN) cần phải có những điều chỉnh hợp lý. Các DNLN có nhiều đặc thù nên cần phải có những điều chỉnh phù hợp khi đưa các công cụ quản trị tiên tiến, hiện đại như Kaizen vào áp dụng. Truyền thống sản xuất vừa khẳng định sức mạnh của các làng nghề nhưng cũng là những rào cản đối với sự thay đổi của DN. Việc xây dựng một mô hình để giúp các DNLN áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen một cách có hiệu quả là hết sức cần thiết. Do vậy, đề tài Hỗ trợ các DNLN áp dụng công cụ cải tiến Kaizen để nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh do PGS, TS Bùi Anh Tuấn cùng nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Ngoại Thương thực hiện với mục tiêu thúc đẩy áp dụng công cụ cải tiến Kaizen, hình thành văn hoá cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hoá, góp phần phát triển bền vững làng nghề.

Để xây dựng một mô hình áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen phù hợp với các DNLN, Nhiệm vụ đã triển khai nghiên cứu các mô hình Kaizen đã được triển khai ở trong và ngoài nước thông qua các tài liệu thứ cấp thu thập được. Các phương pháp nghiên cứu thông thường được áp dụng gồm: 1) Phương pháp tổng hợp các tài liệu, dữ liệu thứ cấp, các nghiên cứu trước đây về các mô hình và công cụ cải tiến Kaizen; 2) Phương pháp nghiên cứu tình huống (case study) để phân tích, đánh giá các trường hợp điển hình đã áp dụng thành công các mô hình và các công cụ cải tiến Kaizen ở trong và ngoài nước.

Đồng thời Nhiệm vụ đã triển khai nghiên cứu về thực trạng các DN ở các làng nghề của Việt Nam hiện nay thông qua các tài liệu thứ cấp và thông qua khảo sát một số DN ở một số làng nghề ở Việt Nam với một bảng hỏi gồm nhiều câu hỏi có liên quan được xây dựng sẵn. Căn cứ vào đặc điểm, tính chất đặc thù của các DNLN, Nhiệm vụ đã tiến hành xây dựng một mô hình áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen trên cơ sở điều chỉnh các mô hình đã và đang được áp dụng cho phù hợp với đặc thù của các DNLN. Để hoàn thiện mô hình trước khi đưa vào triển khai trong thực tiễn, Nhiệm vụ đã triển khai các buổi hội thảo với các DNLN nhằm giới thiệu mô hình và nghe ý kiến góp ý của các DNLN, ý kiến góp ý của một số chuyên gia để hoàn thiện mô hình, làm cho mô hình phù hợp hơn với thực tiễn.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

Nhiệm vụ đã đạt được tất cả các mục tiêu như xây dựng được mô hình áp dụng các công cụ cải tiến KAIZEN, phổ biến, hướng dẫn, đào tạo, tư vấn trưc tiếp, nhân rộng áp dụng KAIZEN vào các DNLN Việt Nam cùng những mục tiêu chung đã xác định ban đầu. Nhóm triển khai đã hoàn thành đầy các nội dung theo đăng ký trong Thuyết minh nhiệm vụ, cụ thể là: Phổ biến, hướng dẫn áp dụng các công cụ cải tiến KAIZEN cho 237 DNLN ở 05 làng nghề trong 4 nhóm ngành nghề thông qua các hội thảo, tập huấn; Đào tạo hướng dẫn triển khai KAIZEN cho 123 DNLN trong 5 làng nghề; Trực tiếp hỗ trợ hướng dẫn xây dựng và áp dụng KAIZEN thành công 60 DNLN trong số các DNLN tại 05 làng nghề; Thúc đẩy áp dụng rộng rãi các công cụ cải tiến KAIZEN cho các DNLN Việt Nam thông qua các hoạt động thông tin, truyền thông chia sẻ kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, quá trình thực hiện nhiệm vụ và các sản phẩm của nhiệm vụ cũng đã đảm bảo đạt được mục tiêu nhân rộng việc áp dụng công cụ KAIZEN đó là: Giúp doanh nghiệp trên phạm vi nhiều làng nghề tiếp cận và nghiên cứu khả năng áp dụng tại DNLN thông qua hoạt động quảng bá, chia sẻ kinh nghiệm; Xây dựng cẩm nang KAIZEN, hỗ trợ quá trình tự triển khai xây dựng KAIZEN nhằm nhân rộng số lượng các DNLN tiếp cận công cụ cải tiến KAIZEN trong quản trị doanh nghiệp một cách thuận lợi, tiết kiệm và hiệu quả.

Đặc biệt, nhiều nội dung công tác đã có kết quả vượt trội, các DNLN tham gia các nội dung của Nhiệm vụ đều đánh giá cao chất lượng, tiến độ, tính chuyên nghiệp, tính hiệu quả trong công tác triển khai.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19467/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 4
Hôm nay: 648
Tổng lượt truy cập: 3.261.172
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.