Nghiên cứu, xây dựng cơ sở khoa học cho mô hình quản lý tổng hợp hệ sinh thái núi nam Trường Sơn nhằm bảo tồn và khai thác bền vững
Việc đánh giá để hiểu biết đầy đủ, chính xác nguồn tài nguyên đa dạng sinh học (động, thực vật và hệ sinh thái) của mỗi nước phục vụ yêu cầu qui hoạch, phát triển kinh tế, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ nguồn gen, bảo vệ môi trường sống là cần thiết và đều được tiến hành ở tất cả các nước trên thế giới.
Vì thế, PGS. TS. Nguyễn Văn Sinh đã phối hợp với các cộng sự tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, xây dựng cơ sở khoa học cho mô hình quản lý tổng hợp hệ sinh thái núi nam Trường Sơn nhằm bảo tồn và khai thác bền vững” trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2021.
Đề tài nhằm thực hiện các mục tiêu sau: xây dựng cơ sở khoa học sinh học và địa lý-sinh thái các cảnh quan núi khu vực nam Trường Sơn phục vụ quản lý và khai thác bền vững; xây dựng bộ cơ sở dữ liệu địa lý-sinh thái các hệ sinh thái núi (Ngọc Linh, Chư Mom Ray, Kon Ka Kinh, Chư Yang Sin, Bidoup - Núi Bà) khu vực Tây Nguyên đủ tiêu chuẩn xây dựng mô hình quản lý và khai thác bền vững; và thiết lập mô hình kết hợp nông lâm nghiệp, kinh tế xanh, kinh tế sinh thái, du lịch sinh thái và an ninh quốc phòng bền vững.
Sau ba năm nghiên cứu, đề tài đã thu được các kết quả như sau:
- Đã đánh giá được cấu trúc hệ sinh thái ở 5 vùng núi Tây Nguyên gồm khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, vườn quốc gia (VQG) Chư Mom Ray (tỉnh Kon Tum), VQG Chư Yang Sin (tỉnh Đắk Lắk), VQG Kon Ka Kinh (tỉnh Gia Lai) và VQG Bidoup - Núi Bà (tỉnh Lâm Đồng). Đề tài đã cung cấp thông tin cập nhật về đa dạng sinh học theo đai chân-sườn và đỉnh núi ở 5 hệ sinh sinh thái núi bao gồm: thảm thực vật, hệ thực vật, hệ động vật (thú, chim, bò sát, lưỡng cư, cá, côn trùng, động vật đất, tuyến trùng).
- Đã xây dựng cơ sở dữ liệu về cấu trúc, chức năng 5 hệ sinh thái núi tại Tây Nguyên Nội dung chính của hệ thống cơ sở dữ liệu về cấu trúc, chức năng các hệ sinh thái núi Ngọc Linh, Chư Mom Ray, Kon Ka Kinh, Chư Yang Sin và Bidoup - Núi Bà.
- Đã xây dựng được quy trình kỹ thuật về nghiên cứu cấu trúc hệ sinh thái núi bằng công nghệ viễn thám và GIS gồm: kỹ thuật ứng dụng ảnh vệ tinh Landsat và các ảnh vệ tinh độ phân giải cao (VNREDSat) cho nghiên cứu cấu trúc hệ sinh thái; kỹ thuật ứng dụng viễn thám và GIS trong nghiên cứu, đánh giá sinh cảnh sống của nhóm thực vật quan trọng; kỹ thuật đánh giá biến động cấu trúc hệ sinh thái bằng công nghệ viễn thám và GIS; và kỹ thuật chụp ảnh và xử lý dữ liệu ảnh chụp bằng máy bay không người lái (UAV).
- Đã xây dựng cơ sở dữ liệu về cấu trúc và chức năng hệ sinh thái núi của 5 khu bảo tồn trên nền tảng WEBGIS với 6.231 bảng ghi và số trường dữ liệu là 28 trường/1 bảng ghi và 16.061 bản đồ.
- Đã xây dựng mô hình bảo tồn và khai thác bền vững hệ sinh thái gồm có bộ tiêu chí phân hạng ưu tiên bảo tồn đa dạng sinh học và bản hướng dẫn tổ chức đánh giá đa dạng sinh học. Đây là bản hướng dẫn kỹ thuật có thể áp dụng cho các khu bảo tồn, VQG để đánh giá mức độ ưu tiên bảo tồn, tiến hành điều tra và giám sát đa dạng sinh học, lập quy hoạch và xây dựng kế hoạch hoạt động.
- Đã xây dựng Atlat các hệ sinh thái núi khu vực Tây Nguyên Cuốn Atlat cung cấp thông về cấu trúc các hệ sinh thái núi Ngọc Linh, Chư Mom Ray, Kon Ka Kinh, Chư Yang Sin và Bidoup - Núi Bà, đồng thời đề xuất một số mô hình và giải pháp bảo tồn, khai thác và sử dụng bền vững các hệ sinh thái này ở khu vực Tây Nguyên.
Cơ sở dữ liệu và các kết quả nghiên cứu của đề tài có thể chuyển giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng Cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học Quốc gia. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên cũng có thể sử dụng tài liệu này làm cơ sở để xây dựng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học ở các tỉnh và của khu vực. Kết quả đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc đề xuất đưa các loài bị đe dọa vào các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học và bảo tồn loài. Ngoài ra, các mô hình, quy trình kỹ thuật được áp dụng trực tiếp cho các khu bảo tồn, VQG ở khu vực Tây Nguyên, có thể mở rộng áp dụng trên phạm vi cả nước trong việc điều tra, giám sát, lập quy hoạch, xây dựng kế hoạch bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19616/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/