Nghiên cứu, xây dựng, phổ biến, hướng dẫn áp dụng mô hình quản trị điểm hạn chế (TOC) để nâng cao năng suất cho các doanh nghiệp Việt Nam
Trên 5.000 tổ chức trên khắp thế giới đã đạt được những kết quả đột phá nhờ việc áp dụng mô hình quản trị điểm hạn chế (TOC - Theory of constraits), bao gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp khu vực, các tập đoàn đa quốc gia khổng lồ và các hãng dẫn đầu như Intel, Boeing, General Motors Corporation, Ford, Mazda, Cadilac, P&G, Samsonite, Lufthansa Technik... Trong thực tế, mô hình TOC chủ yếu được áp dụng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Tuy nhiên, hiệu quả của nó không giới hạn trong lĩnh vực sản xuất mà còn có thể mang lại lợi ích cho hoạt động ngân hàng, y tế, bán lẻ, logistics và các ngành công nghiệp khác. Hiện nay, mô hình TOC không chỉ áp dụng được cho hoạt động sản xuất của mỗi tổ chức mà ngày càng được áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác như quản trị, phân phối, tiếp thị, quản lý dự án, kế toán… hay bất kỳ tình huống nào liên quan đến việc thay đổi hệ thống.
Ở Việt Nam, chưa có công trình nghiên cứu tổng thể về mô hình quản trị điểm hạn chế (TOC), cũng chưa có việc áp dụng TOC vào doanh nghiệp để xem xét sự phù hợp đến việc áp dụng và đặc biệt đánh giá hiệu quả theo phương diện năng suất doanh nghiệp. Vì vậy, PGS. TS. Tạ Văn Lợi và các cộng sự tại Trường Đại học kinh tế Quốc dân - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, xây dựng, phổ biến, hướng dẫn áp dụng mô hình quản trị điểm hạn chế (TOC) để nâng cao năng suất cho các doanh nghiệp Việt Nam”.
Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài đưa ra các kết luận như sau:
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam có cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp so với Thái Lan, Malaixia…. Thực tế này rất đáng báo động mà nguyên nhân cơ bản nằm ở động lực phát triển kinh tế là do năng suất. Những vấn đề tồn tại mang tính hệ thống và có tính quyết định chính là “năng suất” của các doanh nghiệp dường như chưa được tháo gỡ trong khi đó tốc độ gia tăng tiền lương cao hơn tốc độ tăng năng suất. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa có những phương pháp quản trị tốt nên năng suất thường khá thấp so với các nước trong khu vực và quốc tế. Khi làn sóng đầu tư của các nước Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc…. cũng mang vào nhiều phương pháp quản trị đặc thù như sản xuất tinh gọn (lean production), JIT (just in time)... Và nhiều phương thức như 5S, Kanban… Tuy nhiên, việc học và áp dụng mô hình của Nhật Bản dường như rất khó khăn cho các doanh nghiệp vì ý thức kỷ luật, nhận thức và văn hóa… của công nhân Việt Nam chưa cao. Do đó, rất cần có nhưng mô hình quản trị dễ hiểu, tương thích với trình độ phát triển chung mang cho doanh nghiệp Việt Nam. Một số các doanh nghiệp Mỹ và Phương Tây cũng không thể vận dụng theo cách quản trị của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc… mà có những phương thức quản trị đặc thù như quản trị điểm hạnchế (TOC), quản trị theo khách hàng hàng loạt (MC)… nhằm nâng cao năng suất và cạnh tranh với các tập đoàn đang trỗi dậy từ Nhật Bản và Hàn Quốc… Điều đó, cũng dẫn đến cuộc cạnh tranh giữa các công ty trên thế giới không hẳn chỉ có một cách duy nhất để tăng năng suất và chất lượng. Nếu các doanh nghiệp muốn nâng cao sức cạnh tranh tất yếu phải chú trọng tới vấn đề năng suất của chính doanh nghiệp mình. Việc ứng dụng của lý thuyết quản lý các mặt hạn chế đã được chứng minh trên thực tế. Cho đến nay, có hàng ngàn khách hàng ứng dụng lý thuyết các mặt hạn chế TOC và được dạy tại khoảng 200 các trường Đại học, các trường kinh tế. Các khách hàng lớn ứng dụng TOC có thể kể đến như Boeing, AT&T, P&G, General Motor, 3M, Alcate...
Mô hình lý thuyết quản trị điểm hạn chế (Theory of constraits -TOC) là sự cải tiến liên tục tập trung vào xác định và quản lý các mặt hạn chế trong tổ chức nhằm đạt được mục tiêu tổng thể. Mặt hạn chế được hiểu là bất kỳ yếu tố nào hạn chế hệ thống đạt được mục tiêu đã đặt ra. Mô hình quản trị điểm hạn chế khác biệt với mô hình cải tiến liên tục là luôn lấy mục tiêu cuối cùng làm trọng, mục tiêu này do chủ doanh nghiệp kỳ vọng và muốn đạt được nên nó cần sự đồng bộ hơn là sự tăng năng suất hay chất lượng của các bộ phận riêng rẽ. Cải tiến liên tục thì không đạt vấn đề này là cốt yếu. Hơn nữa, mô hình quản trị điểm hạn chế có tính thực dụng khi kết hợp với nhiều công cụ phát huy ý tưởng mới như “kích thích não” “cây ý tưởng”… nhằm đổi mới sáng tạo nhanh và dứt điểm hơn.
Tại Việt Nam, những nghiên cứu về mô hình quản trị điểm hạn chế (TOC) còn quá hạn chế nên có rất ít doanh nghiệp hiểu và vận dụng mô hình này để nâng cao năng suất. Phần lớn các doanh nghiệpđang trong giai đoạn học hỏi những kinh nghiệm quản trị của Hàn quốc và Nhật Bản như Just in time, Lean production… Nếu có những phương pháp quản trị khác sẽ thêm sự lựa chọn trong quản trị năng suất vận hành doanh nghiệp. Do đó xây dựng, áp dụng và phỏ biến mô hình quản trị điểm hạn chế (TOC) phù hợp với đặc trưng của các doanh nghiệp Việt Nam để phổ biến và hướng dẫn các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng nhằm nâng cao năng suất là tất yếu. Trong quá trình áp dụng thí điểm sẽ rút ra những điểm cần điều chỉnh phù hợp với nhận thức, trình độ và khả năng của doanh nghiệp. Sổ tay hướng dẫn áp dụng mô hình quản trị điểm hạn chế TOC nhằm tăng năng suất trong doanh nghiệp Việt Nam mang tính chất cơ bản nhất để doanh nghiệp hiểu và áp dụng mô hình quản trị điểm hạn chế TOC nhằm tăng năng suất trong doanh nghiệp Việt Nam.
Qua nghiên cứu, phổ biến áp dụng mô hình này tại một số doanh nghiệp Việt Nam, đề tài đã hệ thống hóa được cơ sở lý luận về mô hình quản trị điểm hạn chế trên thế gới và kinh nghiệm áp dụng tại doanh nghiệp; xây dựng được mô hình quản trị điểm hạn chế cho doanh nghiệp Việt Nam phù hợp với 2 đặc tính và tính đa mục tiêu và cơ cấu tổ chức trực tuyến chức năng; xây dựng bộ tiêu chí xác định điểm hạn chế và quy trình ứng dụng tại doanh nghiệp; hoàn thành tài liệu hướng dẫn áp dụng mô hình quản trị điểm hạn chế và sách chuyên khảo, tổ chức các tọa đàm phổ biến mô hình quản trị điểm hạn chế tại Việt Nam; áp dụng thí điểm tại 06 doanh nghiệp mô hình quản trị điểm hạn chế và bước đầu có kết quả tích cực đáng ghi nhận và hoàn thiện 13 báo cáo và các sản phẩm liên quan làm tài liệu cho nghiên cứu, học tập và nhân rộng sau này.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19566/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia
https://vista.gov.vn/