Nghiên cứu xác định tiền đề và dấu hiệu tìm kiếm khoáng sản rắn đáy biển sâu khu vực Tư Chính-Vũng Mây
Khu vực Tư Chính - Vũng Mây là một vùng nước sâu xa bờ, thuộc lãnh hải và chủ quyền kinh tế biển của Việt Nam. Đã có nhiều công trình nghiên cứu về địa chất và tiềm năng dầu khí đã được thực hiện ở đây, kể cả các công trình nghiên cứu về địa chất và khoáng sản Biển Đông theo chương trình hợp tác giữa các nước. Trong số những công trình đó có sự hợp tác với các nước như Pháp, Mỹ về nghiên cứu cấu trúc, kiến tạo, lịch sử tiến hóa địa chất và tiềm năng khoáng sản Biển Đông. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học về địa chất và tiềm năng khoáng sản biển trong các chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước: Đề án 47, 22-A-01, KC-09, KC-06... đã làm rõ được phần nào đặc điểm cấu trúc - kiến tạo, địa động lực, lịch sử tiến hóa địa chất và đánh giá tiềm năng dầu khí và sơ bộ dự báo khoáng sản rắn đáy biển.
Mặc dù vậy, cho đến nay công tác điều tra khảo sát khoáng sản rắn đáy biển mà cụ thể là tìm kiếm vỏ sắt và kết hạch sắt- mangan khu vực vùng nước sâu trên thềm lục địa Việt Nam nói chung và vùng nghiên cứu nói riêng mới chỉ mang tính sơ khai, tài liệu còn hạn chế, đặc biệt là mẫu oxít mangan, hiểu biết về cơ chế thành tạo cũng như tích tụ vỏ và kết hạch Fe-Mn, nhưng chưa có nghiên cứu nào đề cập, thậm chí bản đồ địa chất biển trong khu vực nghiên cứu cũng chưa lập chi tiết. Do đặc thù của vùng nghiên cứu là vùng nước sâu nên việc nghiên cứu sinh khoáng cũng như khoáng sản rắn đáy biển chủ yếu dựa vào tài liệu địa chấn 2D và tài liệu mẫu đáy biển của ngành Dầu khí. Xuất phát từ những tồn tại nêu trên, từ năm 2019 đến năm 2021, nhóm nghiên cứu tại Viện dầu khí Việt Nam do TS. Lê Chi Mai dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: "Nghiên cứu xác định tiền đề và dấu hiệu tìm kiếm khoáng sản rắn đáy biển sâu khu vực Tư Chính - Vũng Mây" với 3 mục tiêu chính là:
• Xác định được những tiền đề, dấu hiệu tìm kiếm các khoáng sản rắn đáy biển khu vực Tư Chính - Vũng Mây (6015 - 8 0 55 N, 109000 - 111045 E);
• Xác lập được cơ sở khoa học và điều kiện tồn tại khoáng sản rắn đáy biển sâu;
• Định hướng cho việc điều tra khoáng sản rắn đáy biển sâu vùng nghiên cứu.
Các nội dung khoa học chính mà đề tài đã đạt được như sau:
1. Lần đầu tiên, bản đồ địa chất biển khu vực Tư Chính - Vũng Mây với tỷ lệ 1:250.000 được thành lập chi tiết, có độ tin cậy cao trên cơ sở các tiền đề và dấu hiệu tìm kiếm khoáng sản rắn đáy biển và các kết quả phân tích mẫu đáy biển.
2. Xây dựng bộ bản đồ cho khu vực Tư Chính - Vũng Mây đồng nhất với tỷ lệ 1:250.000 và thực hiện bằng phần mềm KingdomSuite và Mapinfor 15
3. Bản đồ địa mạo đáy biển tỷ lệ 1:250.000 được thành lập với mục đích làm rõ tương quan của địa hình địa mạo đến sự hình thành và tích tụ các loại khoáng sản rắn đáy biển. Trên cơ sở đó, báo cáo đã đưa ra các tiền đề địa mạo gắn với các loại khoáng sản.
4. Khu vực nghiên cứu hình thành bởi các hệ thống địa hào, bán địa hào và các đới nâng bị khống chế chủ yếu bởi hệ thống đứt gãy có phương Đông Bắc - Tây Nam dưới sự tác động của tách giãn Biển Đông. Ngoài hệ thống trên còn tồn tại các hệ thống đứt gãy á kinh tuyến và á vĩ tuyến có lẽ cổ hơn, các đứt gãy theo phương Tây Nam - Đông Bắc cũng tồn tại nhưng nhìn chung không phổ biến. Hoạt động núi lửa ở một số vùng đặc biệt ở rìa tách giãn Biển Đông đã làm cho cấu tạo địa chất các khu vực này trở nên phức tạp hơn và tác động ít nhiều đến quá trình hình thành và tích tụ các kim loại có lợi cho vỏ Fe-Mn
5. Địa tầng ở khu vực Tư Chính - Vũng Mây có sự biến đổi từ tây sang đông với bề dày trầm tích đạt tới 8 -10 km trong các địa hào, bán địa hào và tuổi thành tạo từ Eocen đến Đệ Tứ. Lát cắt Eocen-Oligocen chủ yếu là trầm tích lục nguyên lắng đọng trong môi trường lục địa tới biển nông, có thể tồn tại các tầng sinh đầm hồ có bề dày lớn. Phần trên (Miocenhiện tai) bắt đấu phát triển cacbonat, nhiều nơi trên các khối nhô, cacbonat phát triển lên tới tận bề mặt Ở khu vực Trường Sa, trầm tích tuổi Paleocen đến Đệ Tứ có bề dày đạt 6- 8 km trong một số địa hào đặc biệt ở phía nam và đông nam và trầm tích bị vát mỏng dần về hướng tây bắc, có khi chỉ còn 2 - 3 km. Trong các đới nâng thành tạo cacbonat có bề dày từ vài chục đến hơn 1.000 m. Ở một số nơi, trên mặt cắt địa chấn và tài liệu từ cho thấy có mặt của hoạt động núi lửa làm biến đổi cấu trúc của trầm tích xung quanh và địa hình đáy biển.
Lần đầu tiên, bản đồ sinh khoáng vùng nghiên cứu tỷ lệ 1:250.000 được thành lập trên cơ sở số liệu về môi trường địa chất, vỏ và kết hạch trong vùng nghiên cứu và lân cận. Đây cũng là lần đầu tiên bản đồ phân vùng triển vọng khoáng sản liên quan với vỏ và kết hạch sắt-mangan được thành lập trên cơ sở các kết quả phân tích mẫu trầm tích đáy biển hiện có. Kết quả nghiên cứu có đóng góp quan trọng, giúp các nhà quản lý định hướng cụ thể hơn cho khu vực này trong giai đoạn tiếp theo.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19891/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.