Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 29-05-2024

Xây dựng mô hình nông lâm kết hợp có hiệu quả cao, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk và Kon Tum

Hệ thống sản xuất nông lâm nghiệp ở các tỉnh Tây Nguyên đã và đang phát triển theo chiều hướng độc canh và thâm canh các cây công nghiệp hàng hóa có giá trị cao như Cà phê, Cao su, Tiêu, Điều.... Những chuyển dịch này đã giúp các tỉnh Tây Nguyên trở thành vùng chuyên canh cây hàng hóa quy mô lớn đối với một số cây công nghiệp chủ lực. Tuy nhiên, thâm canh và chuyên canh đã làm cho hệ thống sản xuất nông lâm nghiệp của các tỉnh Tây Nguyên ngày càng rủi ro hơn như tình trạng được mùa, mất giá; thiếu nước tưới, đất bạc màu và đặc biệt chất lượng môi trường bị suy giảm dẫn đến hệ thống sản xuất nông lâm nghiệp kém bền vững. Trong các điều kiện khó khăn này, việc giải quyết và hỗ trợ người dân phát triển hệ thống nông lâm kết hợp (NLKH) trên quỹ đất nông lâm nghiệp là rất cần thiết, nhằm đảm bảo tiến trình phục hồi chất lượng đất, sử dụng hiệu quả các tài nguyên hiện có và đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân. Việc đưa vào hệ thống sản xuất nông lâm nghiệp của địa phương các giống cây trồng mới, đa mục đích và có giá trị kinh tế, môi trường cao, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người dân và thị trường trong và ngoài nước có ý nghĩ rất lớn, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao thu nhập cho nông hộ, tăng tính đa dạng sinh học và bền vững của hệ sinh thái nông lâm nghiệp và giảm áp lực đối với thị trường tiêu thụ.

Ngoài ra, mô hình NLKH cũng cần đáp ứng và phù hợp yếu tố điều kiện về nguồn nước cũng như trình độ canh tác của người dân tộc thiểu số. Từ thực tế trên, ThS. Hoàng Thị Nhung và nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Lâm sinh đã thực hiện đề tài: “Xây dựng mô hình nông lâm kết hợp có hiệu quả cao, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk và Kon Tum” từ năm 2019 đến năm 2020.

Đề tài hướng đến thực hiện các mục tiêu sau: hoàn thiện được quy trình kỹ thuật xây dựng các mô hình NLKH được UBND tỉnh Đắk Lắk và Kon Tum chấp thuận; và xây dựng được 40 ha mô hình NLKH trên đất nông lâm nghiệp tăng 20% hiệu quả kinh tế của mô hình trở lên góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số tham gia thực hiện tại Đắk Lắk và Kon Tum.

Đề tài đã thu được các kết quả như sau:

· Đã hoàn thiện được quy trình kỹ thuật xây dựng mô hình NLKH cho tỉnh Đắk Lắk và Kon Tum, tăng hiệu quả kinh tế 20% trở lên so với mô hình sản xuất đại trà, độc canh ở địa phương.

· Đã mô tả các mô hình NLKH hiện đang tồn tại ở Kon Tum và Đắk Lắk, phân tích chẩn đoán các dấu hiệu dẫn đến năng suất thấp, kém hiệu quả kinh tế và rủi ro cao, đánh giá và thiết kế các công nghệ kiến để hoàn thiện quy trình kỹ thuật chuyển đổi các mô hình NLKH có hiệu quả thấp thành các mô hình có hiệu quả cao.

· Đã xây dựng được 20 ha mô hình NLKH tại Đắk Lắk (trong đó có 5 ha mô hình hoàn thiện công nghệ và 15 ha mô hình sản xuất thử nghiệm), có hiệu quả kinh tế tăng trên 20% so với mô hình đại trà, độc canh của địa phương. Các thành phần kết hợp trong mô hình được chia thành các loại mô hình bao gồm: (i) cây công nghiệp (Cà phê vối - cây trồng chính) + cây ăn quả (Bơ sáp, Sầu riêng - cây trồng xen) + cây lâm nghiệp (Giổi ăn hạt - hàng bao), (ii) cây công nghiệp (Cà phê vối) + cây nông nghiệp (Ngô, Đậu xanh...) + cây lâm nghiệp (Giổi ăn hạt - hàng bao), (iii) cây công nghiệp (Cà phê vối) + cây lâm nghiệp (Macadamia) + vật nuôi (ong mật) + cây lâm nghiệp (Giổi ăn hạt - hàng bao), cây trong mô hình trưởng phát triển tốt, năng suất cao, nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị cho mô hình NLKH.

· Đã xây dựng được 20 ha mô hình NLKH tại Kon Tum (trong đó có 10 ha mô hình hoàn thiện công nghệ và 10 ha mô hình sản xuất thử nghiệm), có hiệu quả kinh tế tăng trên 20% so với mô hình đại trà, độc canh của địa phương. Các thành phần kết hợp trong mô hình được chia thành các loại mô hình bao gồm: (i) cây công nghiệp (Cà phê vối-cây trồng chính) + cây ăn quả (Bơ sáp, Sầu riêng - cây trồng xen) + cây lâm nghiệp (Giổi ăn hạt - hàng bao), (ii) cây công nghiệp (Cà phê vối) + cây nông nghiệp (Ngô, Đậu xanh...) + cây lâm nghiệp (Giổi ăn hạt - hàng bao), (iii) cây công nghiệp (Cà phê vối) + cây lâm nghiệp (Macadamia) + vật nuôi (ong mật) + cây lâm nghiệp (Giổi ăn hạt - hàng bao), cây trong mô hình trưởng phát triển tốt, năng suất cao, nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị cho mô hình NLKH.

Việc thực hiện đề tài: “Xây dựng mô hình nông lâm kết hợp có hiệu quả cao, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk và Kon Tum” là rất cần thiết để phát triển các mô hình NLKH hiệu quả và bền vững ở vùng Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk và Kon Tum nói riêng

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19890/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 167
Hôm nay: 3615
Tổng lượt truy cập: 3.269.867
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.