Chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình trồng chuối già Philippines đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ở vùng U Minh Hạ tỉnh Cà Mau
Ở Việt Nam, cây chuối được xem là loại cây ăn trái mang lại tiềm năng kinh tế rất lớn đứng vị trí số 1 về diện tích và tổng sản lượng cây ăn trái. Cây chuối là loại cây có giá trị kinh tế và giá trị dinh dưỡng cao và là một mặt hàng xuất khẩu có giá trị đưa lại nguồn thu ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế - xã hội của đất nước. Để có được thành tựu đó, phải kể đến nỗ lực sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh, địa phương trong cả nước, trong đó có tỉnh Cà Mau nằm ở cực Nam tổ quốc, có điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng, đặc biệt là vùng U Minh hạ. Với điều kiện khí hậu thuận lợi, người dân có nhiều kinh nghiệm sản xuất nên cây chuối ở đây đã được trồng với diện tích lớn. Và thị trường tiêu thụ hiện nay cũng khá thuận lợi, tạo điều kiện cho người dân nơi đây yên tâm đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, sản xuất cây chuối hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn do yếu tố chủ quan lẫn yếu tố khách quan. Do đặc thù của tỉnh với diện tích đất rừng lớn và phong phú, Cà Mau có những lợi thế để phát triển ngành lâm nghiệp và canh tác trên đất rừng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất nhiều vùng hiện nay, người dân canh tác không bền vững, chặt phá rừng, ít chú ý đến tái tạo phát triển rừng, tâm lý của người dân vẫn chỉ chú trọng khai thác các sản phẩm từ rừng (keo lai, tràm...).
Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau, nhất là từ năm 2015 đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt nhiều dự án ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ triển khai trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong khuôn khổ Chương trình Nông thôn miền núi. Các dự án đã có những tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội vùng dự án được triển khai thông qua việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông lâm sản; bố trí lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, đời sống của người dân vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo xu hướng đó, KS. Nguyễn Chí Thành và các cộng sự tại Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học công nghệ Cà Mau thực hiện đề tài: “Chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình trồng chuối già Philippines đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ở vùng U Minh Hạ tỉnh Cà Mau” từ năm 2017 đến năm 2021.
Đề tài đã thu được các kết quả như sau:
+ Tiếp nhận và làm chủ 4 quy trình: quy trình công nghệ nuôi cấy mô chuối già Philipin; quy trình công nghệ nuôi cấy mô chuối Xiêm địa phương; quy trình thâm canh chuối Xiêm địa phương năng suất cao và phòng trừ sâu bệnh hại; và quy trình thâm canh chuối già Philipin đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và phòng trừ sâu bệnh hại phù hợp với thực tế vùng U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau.
+ Xây dựng được 2 mô hình:
Một là mô hình nhân giống chuối bằng nuôi cấy mô, tạo ra được 39.049 cây/ 2 giống. Trong đó 13.407 cây chuối Xiêm và 25.642 cây chuối già Philipin chuối cấy mô đạt tiêu chuẩn xuất vườn, vượt mục tiêu dự án 35.000 cây/2 giống;
Hai là mô hình trồng thâm canh và phòng trừ sâu bệnh hại trên chuối quy mô 100 ha/2 giống, trong đó 30 ha trồng chuối Xiêm với tổng năng suất chuối Xiêm sau khi dự án kết thúc đạt 686,1 tấn chuối, năng suất bình quân 23 88 tấn trái/ha vượt mục tiêu dự án 20 tấn trái/ha và 70 ha trồng chuối già Philipin với tổng năng suất sau khi dự án kết thúc đạt 5.302,2 tấn chuối Philipin, năng suất bình quân đạt 37.5 tấn trái/ha vượt mục tiêu dự án 25 tấn trái/ha.
Việc thực hiện dự án nghiên cứu góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, được tỉnh Cà Mau đặc biệt quan tâm, bên cạnh đó cũng giải quyết việc làm cho một số lao động nhàn rỗi tại địa phương, tăng thu nhập cho người dân vùng triển khai dự án.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19924/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.