Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học - công nghệ, quản lý để nâng cao năng lực và phát triển bền vững các cụm cảng Hải Phòng và Quảng Ninh
Trong điều kiện nền giao thương thế giới hiện nay với 80% khối lượng hàng hóa trao đổi thương mại giữa các quốc gia là do vận tải biển đảm nhận, hoạt động cảng biển đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của các quốc gia có biển nói chung và của Việt Nam nói riêng. Hệ thống cảng biển của Việt Nam hiện có 272 bến cảng với tổng công suất 550 triệu tấn/năm, trong đó các cảng của 02 khu vực Hải Phòng và Quảng Ninh có vai trò quan trọng trong việc luân chuyển hàng hóa qua miền bắc Việt Nam. Trong giai đoạn từ năm 2010 trở lại đây, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển khu vực Hải Phòng và Quảng Ninh có sự tăng trưởng mạnh với tốc độ tăng bình quân đạt 10,3%/năm. Theo quy hoạch, nhóm cảng biển phía Bắc được xác định là nhóm I (gồm các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình). Trong đó phải tập trung nguồn lực phát triển cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng và Quảng Ninh để đảm bảo đến năm 2020 thông quan 180 triệu tấn tàu biển, 120 triệu tấn container, 280 ngàn lượt khách du lịch và đến năm 2030 thông quan 350 triệu tấn tàu biển, 250 triệu tấn container, 850 ngàn lượt khách du lịch. Để đạt được những chỉ tiêu đó đòi hỏi không chỉ đầu tư tài chính vật chất lớn mà còn đòi hỏi đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và áp dụng những thành tựu kỹ thuật công nghệ tiên tiến trong xây dựng, quản lý, khai thác, để các cảng biển nhóm I trở thành động lực, đòn bẩy của kinh tế biển phía Bắc, góp phần nâng cao năng lực khai thác hệ thống cảng biển của cả nước.
Xuất phát từ những lý do nêu trên, TS. Trần Long Giang cùng các cộng sự tại Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Hàng hải - Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học - công nghệ, quản lý để nâng cao năng lực và phát triển bền vững các cụm cảng Hải Phòng và Quảng Ninh”, nhằm xác lập được cơ sở lý luận về các yếu tố ảnh hưởng đến nâng cao năng lực và phát triển bền vững (PTBV) cảng biển; đánh giá được thực trạng và dự báo yêu cầu nâng cao năng lực, PTBV các cụm cảng Hải Phòng và Quảng Ninh; đề xuất các giải pháp khoa học - công nghệ (KHCN) tiên tiến phục vụ công tác xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ môi trường các cụm cảng Hải Phòng và Quảng Ninh.
Từ những kết quả nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học - công nghệ, quản lý để nâng cao năng lực và phát triển bền vững các cụm cảng Hải Phòng và Quảng Ninh, đề tài rút ra những kết luận như sau:
1. Việc ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng lực và phát triển bền vững cụm cảng Hải Phòng và Quảng Ninh là vấn đề thời sự cấp bách, có ý nghĩa thiết thực về nhiều mặt cho các địa phương giáp biển. Dựa vào việc phân tích có hệ thống các công trình nghiên cứu về cơ sở lý luận và đúc rút kinh nghiệm từ các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học về lĩnh vực kinh tế biển và dự án nâng cao năng lực các cảng biển Chân Mây, cảng Quy Nhơn, Cảng Cát lái… Đề tài đã ra các mô hình trong quản lý, khai thác cảng, nâng cấp hạ tầng cảng, tái sử dụng vật chất nạo vét trong công tác duy tu các tuyến luồng hàng hải để thi công nền móng bãi chứa hàng hóa của cảng…
2. Đề tài đã hệ thống hóa các kết quả nghiên cứu, điều tra bổ sung và đánh giá tổng hợp các điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng khu vực nghiên cứu và lượng hàng thông qua các cảng khu vực Hải phòng và Quảng Ninh. Về tổng thể cả Thành phố Hải Phòng và Tỉnh Quảng Ninh hiện đang sở hữu khá nhiều ưu thế nổi trội để phát triển cảng biển. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng khu vực Hải Phòng và Quảng Ninh ngày càng tăng nhanh. Trong khi đó tình trạng tắc nghẽn hàng hóa tại các cảng tập trung ở một số cảng chính vẫn chưa được giải quyết triệt để chủ yếu do hạ tầng cảng và chưa có sự liên kết giữa các cảng biển.
3. Hiện nay sự phát triển thiếu bền vững của cảng biển là tình trạng mất cân đối trong cơ cấu đầu tư các cảng biển, chúng ta có rất nhiều cảng biển trải dài từ Bắc đến Nam, thậm trí có địa phương có rất nhiều cảng biển như Hải Phòng chẳng hạn nhưng đa phần lại là các cảng có quy mô vừa và nhỏ, các cảng biển nước sâu, cảng đầu mối, cảng trung chuyển tầm cỡ khu vực và quốc tế vẫn còn thiếu. Biểu hiện cửa sự thiếu bền vững nữa là các thủ tục quản lý, điều phối, điều tiết toàn bộ hoạt động quản lý, đầu tư kinh doanh khai thác cảng biển do rất nhiều cơ quan tham gia dẫn đến mô hình quản lý rườm rà, chống chéo, hiệu quả không cao; trong khi trình độ công nghệ, phương tiện, trang thiết bị xếp dỡ nâng hạ tại hầu hết các cảng biển lại lạc hậu, năng suất xếp dỡ đạt thấp so với khu vực và thế giới; hệ thống hạ tầng giao thông kết nối cảng biển tại một số địa phương còn bất cập dẫn đến thường xuyên ách tắc vào các dịp cao điểm trong năm. Do đó việc phát triển bền vững cảng biển là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
4. Từ phân tích điểm mạnh, điểm yếu của cụm cảng Hải Phòng, Quảng Ninh để nâng cao năng lực và phát triển bền vững cụm cảng Hải Phòng; cụm cảng Quảng Ninh cần đáp ứng các yêu cầu về huy động vốn đầu tư phát triển cảng biển; sử dụng hiệu quả vốn đầu tư phát triển cảng biển; phát triển đồng bộ giữa cảng biển và luồng vào cảng; tăng cường đầu tư cho hệ thống giao thông kết nối cảng; hiện đại hoá trang thiết bị phục vụ cảng; tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực quản lý khai thác cảng; phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao; đầu tư phát triển cảng biển phải gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường; phát triển các trung tâm logistics trong vùng hấp dẫn của cảng biển để nâng cao giá trị cảng biển
5. Căn cứ vào kết quả khảo sát và thí nghiệm vật chất nạo vét luồng Hàng hải khu vực Hải Phòng và Quảng Nin và dựa vào kinh nghiệm của các nước phát triển trong việc sử dụng các loại phụ gia để gia cố vật chất nao vét, sau đó tái sử dụng làm các vật liệu thi công xây dựng công trình. Căn cứ các tính năng và công dụng của các loại phụ gia hóa học, nhóm nghiên cứu nhận thấy hoàn toàn có đủ cơ sở khoa học và minh chứng thực tế để sử dụng một số phụ gia hóa học cả nhập khẩu như DZ33, RRP, SA40/LS44…cũng như các loại phụ gia sản xuất trong nước như TS, DHD101 để xử lý vật chất nạo vét luồng hàng hải, việc sử dụng vật chất nạo vét sau khi xử lý để làm nền móng công trình bãi chứa hàng hóa là hoàn toàn khả thi, tuy nhiên cần căn cứ vào các yêu cầu kinh tế kỹ thuật cụ thể của từng công trình mà có tỷ lệ cấp phối cho phù hợp. Việc này cần phải tiến hành lấy mẫu vật chất nạo vét và tiến hành thí nghiệm để xác định cấp phối tối ưu sau đó mới áp dụng.
6. Sau quá trình khảo sát, nghiên cứu và phân tích tính chất cơ lý của vật chất nạo vét trong duy tu các tuyến luồng hàng hải, nhóm nghiên cứu nhận thấy vật chất nạo vét luồng hàng hải Hải Phòng, Quảng Ninh chủ yếu là các loại cát, bùn cát, bùn sét lẫn tạp chất hữu cơ không đáng kể;
7. Kết quả kiểm nghiệm mẫu vật chất nạo vét có phát hiện các thành phần kim loại nặng trong tất cả các mẫu phân tích, tuy nhiên đều có nồng độ thấp hơn rất nhiều so với ngưỡng giá trị chất lượng theo quy chuẩn QCVN 43:2017/BTNMT và nồng độ phóng xạ theo quy chuẩn QCVN 6:2010/BKHCN. Như vậy vật chất nạo vét an toàn về thành phần kim loại và phóng xạ.
8. Đề tài đã trình bày nội dung phân tích, lựa chọn một số loại phụ gia dùng để gia cố vật chất nạo vét luồng hàng hải làm nền đường giao thông nông thôn, đồng thời cũng đã lựa chọn cấp phối phù hợp để làm công trình thử nghiệm mô hình bãi chứa hàng hóa 50m2, kết quả thí nghiệm hiện trường cho thấy cường độ chịu nén của vật chất nạo vét luồng Lạch Huyện lấy tại bãi chứa khu vực Nam Đình Vũ, Hải Phòng sau khi được gia cố với 6% xi măng và phụ gia hóa cứng đất đạt cường độ chịu nén trung bình 2,08 MPa, mô đun đàn hồi trung bình 359,71 MPa và cường độ chịu ép chẻ 0,46MPa sau thời gian bảo dưỡng 07 ngày đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật để làm nền các công trình giao thông theo quy định của TCVN 10379: 2014 và TCVN 10380:2014.
9. Cụm cảng Hải Phòng - Quảng Ninh lớn nhất khu vực miền Bắc và đa dạng các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không kết nối với cả nước cùng hệ thống kho bãi đa dạng, các khu công nghiệp phát triển. hàng hóa của các tỉnh, thành phố Miền Bắc tạo nguồn hàng dồi dào cho hoạt động xuất nhập khẩu thông qua cụm cảng biển Hải Phòng-Quảng Ninh. Chính vì vậy cần thiết phải ứng dụng VTĐPT trong vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua cảng Hải Phòng, cảng Quảng Ninh để nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistic.
10. Đề tài đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu của cảng biển khu vực Hải phòng và Quảng Ninh từ năm 2010-2019 để xây dựng mô hình dự báo sản lượng thông qua cảng biển khu vực Hải phòng va Quảng Ninh, mô hình SARIMA dự báo hồi quy tích hợp theo chuỗi thời gian có xét đến xu hướng theo mùa cho năm 2019.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế trong việc tái sử dụng vật chất nạo vét làm vật liệu xây dựng công trình, cần tiếp tục bổ sung nghiên cứu kết hợp các loại phế thải công nghiệp khác như bã thải thạch cao của nhà máy DAP, xỉ than của nhà máy nhiệt điện trong gia cố vật chất nạo vét luồng hàng hải để thi công nền đường và bãi chứa hàng hóa. Triển khai nghiên cứu ảnh hưởng của nồng độ pH và của muối đến cường độ chịu nén và cắt của hỗn hợp vật chất nạo vét được gia cố. Các cơ quan quản lý nhà nước nhanh chóng xây dựng và ban hành TCVN cũng như các định mức kinh tế - kỹ thuật về sử dụng vật chất nạo vét làm bãi chứa hàng hóa cũng như làm nền các công trình xây dựng khác.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19857/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.