Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 17-07-2024

Giải pháp phát triển cơ giới hóa sản xuất và công nghiệp chế biến một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực ở đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong 6 vùng kinh tế lớn của Việt Nam, là vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo lớn nhất của cả nước. Tuy nhiên, nông nghiệp ĐBSCL năng suất, chất lượng nông sản còn hạn chế, dẫn đến giá trị gia tăng và hiệu quả nông nghiệp thấp; khâu tổ chức sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật (KHKT) còn manh mún, nhỏ lẻ. Nông nghiệp ĐBSCL cần tránh phát triển theo chiều rộng, mang tính tự phát, phá vỡ các quy hoạch, khai thác tài nguyên đất, nước thiếu kiểm soát, tác động xấu cho phát triển bền vững.

 

Cơ giới hóa nông nghiệp là nội dung quan trọng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và quá trình hội nhập kinh tế thế giới. Cơ giới hóa nông nghiệp phải được tiến hành đồng bộ phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất của từng vùng; trước hết là các vùng sản xuất hàng hóa, tập trung, các khâu sản xuất nặng nhọc, các khâu tổn thất sau thu hoạch lớn. Chú trọng phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn, phát huy vai trò của các doanh nghiệp làm nòng cốt, liên kết, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất hàng hóa. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chế tạo trong nước một cách thiết thực, hiệu quả. Kết hợp nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến đáp ứng kịp thời yêu cầu của sản xuất; Phát huy nội lực của toàn xã hội trong đầu tư vào cơ giới hóa nông nghiệp. Từ thực tế trên, PGS. TS. Kha Chấn Tuyền và nhóm nghiên cứu tại trường Đại Học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thực trạng và giải pháp phát triển cơ giới hóa sản xuất và công nghiệp chế biến một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực ở đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu” từ năm 2020 đến năm 2021.

Mục tiêu của đề tài là đánh giá thực trạng về ứng dụng cơ giới hóa sản xuất và thực trạng công nghiệp chế biến một số số sản phẩm chủ lực (lúa gạo, cây có múi, vịt, lợn, cá da trơn, tôm…) ở ĐBSCL; đánh giá được những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của việc ứng dụng cơ giới hóa sản xuất và công nghệ chế biến một số nông sản chủ lực ở ĐBSCL; và đánh giá tính phù hợp, hiệu quả của công nghệ cơ giới hóa và chế biến trong sản xuất và chế biến nông sản trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Dưới đây là một số kết quả nổi bật của đề tài nghiên cứu:

1. Đánh giá thực trạng về ứng cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến một số sản phẩm chủ lực ở ĐBSCL

Trong sản xuất lúa, mặc dù sự áp dụng máy móc hỗ trợ sản xuất đã phổ biến và xuất hiện ở nhiều khâu hoạt động, nhưng căn cứ vào kết quả phân tích về chất lượng, mức độ, và sự tăng trưởng thì cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở ĐBSCL vẫn ở mức thấp và hiện tại chủ yếu chỉ tạm đạt yêu cầu khâu làm đất với máy móc chỉ đáp ứng cho sản xuất nhỏ.

Trong sản xuất cây có múi, đề tài đã phân tích được tình hình thực tế của việc áp dụng CGH trong sản xuất cây có múi tại ĐBSCL, với hai loại sản phẩm đại diện cho là chanh và bưởi.

Trong chăn nuôi lợn, các hệ thống được cơ giới hóa trong chăn nuôi lợn có tính ứng dụng cao, nâng cao năng suất lao động, không lãng phí nguyên liệu, nguồn nhân lực. Đặc biệt các hộ chăn nuôi đã hạn chế được rất lớn vấn đề rủi ro do dịch bệnh. Bên cạnh những hoạt động trên, cơ giới hóa còn quản lý theo dõi được quá trình sử dụng thức ăn, sinh sản, sức khỏe vật nuôi.

Trong chăn nuôi vịt, thực trạng áp dụng máy móc, thiết bị đã và đang xuất hiện ở một số khâu trong nuôi vịt đó là cho ăn, cho uống, vệ sinh, xử lý chất thải, chăm sóc, và vận chuyển. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ áp dụng CGH nhìn chung là rất thấp, tình hình này tồn tại là do một số lượng lớn nông dân chăn vịt dưới hình thức chạy đồng, vì vậy hoàn toàn không phù hợp để mua sắm máy móc hỗ trợ họ sản xuất.

Trong nuôi tôm, phần lớn các khâu sản xuất trong quá trình nuôi tôm đều có áp dụng CGH vào trong sản xuất nhưng chưa đồng bộ. Tốc độ tăng trưởng về số về số lượng máy móc thiết bị bình quân mỗi hộ giai đoạn 2016-2029 chưa cao. Nhiều loại máy móc thiết bị không có sự tăng trưởng về số lượng qua các năm.

Trong nuôi cá, tình hình áp dụng máy trong sản xuất cá tra của các hộ trên địa bàn nghiên cứu chủ yếu áp dụng trong khâu chuẩn bị ao (80,2%); khâu chăm sóc ao nuôi (40,1%). Trong đó, Đồng Tháp, Cần Thơ là 2 địa phương có mức độ sử dụng máy móc cao hơn so với An Giang và Bến Tre.

2. Giải pháp kỹ thuật nhằm phát triển cơ giới hóa sản xuất và công nghiệp chế biến một số sản phẩm chủ lực ở ĐBSCL

Về ứng dụng cơ giới hoá nông nghiệp, đề tài đã đánh giá được những tồn tại và khó khăn trong ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp một số sản phẩm chủ lực ở ĐBSCL. Nhìn chung, mức độ áp dụng cơ giới hoá được áp dụng của các khâu trong hoạt động sản xuất nông nghiệp là khác nhau. Ngoài ra, phần lớn nông hộ sản xuất nông thuỷ sản các tỉnh ĐBSCL cũng nhận định có chịu sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

3. Đề tài đã đề xuất được các giải pháp công nghệ cao theo định hướng chuỗi cho sản xuất nông nghiệp cho các sản phẩm chủ lực.

Giải pháp cho sản xuất lúa bao gồm quy hoạch đồng ruộng và giao thông nội đồng, nghiên cứu ứng dụng máy và thiết bị trong nông nghiệp, sử dụng máy gieo, cấy thay cho việc sạ lan, máy tung phân hóa học và phân hữu cơ, triển khai ứng dụng máy bay phun thuốc, liên hợp máy gặt đập liên hợp và vận chuyển, phương pháp và thiết bị bảo quản, và đào tạo nguồn nhân lực.

Giải pháp cho sản xuất cây có múi bao gồm, tưới nhỏ giọt, tưới và bón phân bằng hệ thống thủy canh hở, phun chính xác, thu hoạch bán cơ giới hóa (cho các trang trại vừa và nhỏ) và tồn trữ.

Giải pháp cho chăn nuôi lợn bao gồm: hàng rào và sàn lát gạch, máy cho ăn, thiết bị khử trùng và chống dịch, thiết bị điều hòa môi trường trong nhà, Máy móc xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn. Đồng thời, đề xuất chăn nuôi lợn bền vững bao gồm cải thiện mức đầu ra, cải thiện di truyền, lựa chọn hiệu quả sử dụng thức ăn, nâng cao chất lượng đầu vào, chăn nuôi chính xác, thích ứng với khí hậu thay đổi và ứng dụng công nghệ thông minh (Cảm biến đeo được, phát hiện âm thanh, máy ảnh, trí tuệ nhân tạo, Robot, cảm biến và blockchain).

Do đặc tính đặc thù ở ĐBSCL là chăn nuôi vịt thường thả đồng và nhỏ lẻ, nên cần có chính phủ cần có giải pháp khuyến khích nông dân nuôi tập trung và đạt tiêu chuẩn cao với các thiết bị thông minh. Một vài thiết bị và hệ thống nuôi thông minh giúp hỗ trợ phát triển cớ giới hoá chăn nuôi vịt bao gồm chảo thức ăn đa năng, hệ thống cho ăn, máng uống, hệ thống cho uống, và sử dụng tấm nhựa chuyên dụng lót sàn.

Trong nuôi tôm, đề xuất áp dụng công nghệ vào trong sản xuất: sử dụng hệ thống tự động giám sát bao gồm các thiết bị đo lường nồng độ oxy, đo nhiệt độ, đo độ pH và độ mặn. Ngoài ra, để cơ giới hóa và tự động hóa trong nuôi thủy sản, các khía cạnh cần được quan tâm đầu tiên bao gồm: quản lý chất lượng nước, cho ăn và quản lý việc cho ăn, thu hoạch và bảo quản sản phẩm.

Trong nuôi cá tra, đề tài đã đề xuất các giải pháp như nuôi cá tra giống, khâu nuôi cá tra thương phẩm, bao gồm khâu chuẩn bị và quản lý chăm sóc ao nuôi và vấn đề gây ô nhiễm môi trường, quy hoạch đồng bộ diện tích sản xuất, dự đoán các thông số chất lượng nước thông qua các dự đoán đơn và đa biến, dự đoán sinh khối của cá, và thu hoạch cá.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19962/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 33
Hôm nay: 3660
Tổng lượt truy cập: 3.332.588
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.