Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Trung Đông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Trung Đông là thị trường đặc thù về điều kiện tự nhiên, khí hậu, có nhiều tiềm năng để Việt Nam xuất khẩu nông sản. Các nước Trung Đông nhập khẩu một số lượng lớn các mặt hàng lương thực thực phẩm, khoảng 40 tỷ USD/năm. Nằm trên con đường giao thương giữa Châu Âu, Châu Á và Châu Phi, khu vực Trung Đông còn là trạm trung chuyển để hàng xuất khẩu của Việt Nam có cơ hội thâm nhập thị trường châu Phi, châu Âu. Trong khi đó, Việt Nam lại có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nông sản chất lượng cao của thị trường này. Tuy nhiên, thời gian qua, quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Đông nói chung và xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường này vẫn chưa đạt được những thành tựu tương xứng. Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) các mặt hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường này cũng tăng từ hơn 200 triệu USD năm 2010 lên đến hơn 400 triệu USD năm 2019, tốc độ tăng bình quân 12,7%/năm. Tuy nhiên, tỷ trọng so với KNXK của Việt Nam và KNNK của thị trường Trung Đông thì KNXK nông sản sang Trung Đông nhưng chưa thực sự ổn định và khá nhỏ.
Các mặt hàng xuất khẩu nông sản chủ lực của Việt Nam như gạo, chè, cà phê... đã có mặt tại thị trường Trung Đông nhưng năng lực cạnh tranh của các mặt hàng này chưa cao so với các đối thủ, chưa tạo được chỗ đứng ổn định. Thị trường Trung Đông với nhu cầu và sức mua cao đối với hàng nông sản nhập khẩu nên Việt Nam đã phải cạnh tranh khá gay gắt với nhiều đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Thái Lan, Srilanka... do: hàng nông sản Việt Nam vào thị trường này muộn hơn, khoảng cách địa lý không thuận tiện, điều kiện thanh toán khó khăn, xuất khẩu phần lớn thông qua nước thứ ba, bao bì, nhãn mác vẫn chủ yếu là tiếng Anh mà chưa dùng nhiều tiếng Ả-rập, các chương trình xúc tiến thương mại, dịch vụ khách hàng còn ít. Ngoài ra, nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được thị hiếu, văn hóa tiêu dùng và tiêu chuẩn nhập khẩu của các quốc gia Trung Đông, như tiêu chuẩn Halal. Nâng cao năng lực cạnh tranh (NLCT) hàng nông sản xuất khẩu là yêu cầu các DN sản xuất và kinh doanh nông sản Việt Nam phải thường xuyên nhạy bén, năng động trong cải tiến kỹ thuật, áp dụng quy trình sản xuất an toàn, tổ chức quản lý có hiệu quả, hướng đến sản xuất và xuất khẩu nông sản hiệu quả cao và bền vững. Ngoài ra, nâng cao NLCT hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường mới không chỉ góp phần giúp các mặt hàng nông sản có cơ hội thâm nhập thị trường mà còn tạo điều kiện cho quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và thị trường mới như các quốc gia Trung Đông đối với các mặt hàng khác, các lĩnh vực đầu tư khác được mở rộng hơn. Mặc dù hiện nay nhiều quốc gia Trung Đông vẫn đang gặp phải nhiều vấn đề về chiến tranh, bất ổn chính trị, xã hội nhưng đây vẫn là thị trường có nhu cầu và sức mua cao đối với hàng nông sản nhập khẩu. Trong khi đó, chính sách nhập khẩu hàng nông sản của các quốc gia Trung Đông khá thông thoáng, chỉ đánh thuế từ 0 - 5%. Vậy nên việc nâng cao NLCT hàng nông sản xuất khẩu sẽ giúp hàng nông sản Việt Nam có thể mở rộng, thâm nhập và có vị thế cạnh tranh cao hơn trên thị trường Trung Đông.
Trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam, hoạt động xuất khẩu đóng vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt là sự đóng góp của cộng đồng DN. Để tăng cường xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN có ý nghĩa sống còn. Trong khi các thị trường truyền thống gặp nhiều khó khăn, việc phát triển các thị trường mới càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Việt Nam đã nhận thức rất rõ Trung Đông nằm trong số những khu vực thị trường tiềm năng mà nước ta cần đẩy mạnh quan hệ thương mại nói chung và hoạt động xuất khẩu nông sản nói riêng. Vì những lý do nêu trên, CN. Nguyễn Thị Mai Linh, cùng các cộng sự tại Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Trung Đông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” là rất cần thiết”.
Đề tài đã làm rõ khái niệm và nội dung của NLCT hàng nông sản xuất khẩu; Xác định các chỉ tiêu đánh giá NLCT hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Đông; Các yếu tố ngoại sinh và nội sinh ảnh hưởng đến NLCT hàng nông sản xuất khẩu; Đồng thời, nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc nâng cao NLCT hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Đông.
Đề tài đi sâu phân tích thực trạng về xuất khẩu và NLCT của một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường Trung Đông giai đoạn 2010- 2019 bao gồm gạo, cà phê, chè và hạt tiêu. Phân tích thực trạng của các yếu tố nội sinh và các yếu tố ngoại sinh tác động đến NLCT hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Trung Đông, từ đó chỉ ra các kết quả, các hạn chế và nguyên nhân của thực trạng NLCT hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Đông trong thời gian qua làm cơ sở thực tiễn cho đề xuất giải pháp.
Trên cơ sở phân tích bối cảnh trong nước và ngoài nước, Đề tài xây dựng các quan điểm, định hướng nâng cao NLCT hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Trung Đông, từ đó tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao NLCT hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Trung Đông giai đoạn 2018 đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Với những kết quả đã được, Ban chủ nhiệm hy vọng đề tài sẽ được sử dụng là tài liệu tham khảo có giá trị cho việc hoạch định chính sách và giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Đông trong thời gian tới. Tuy nhiên, do những hạn chế khách quan và chủ quan, nội dung nghiên cứu của đề tài sẽ không tránh khỏi những thiếu sót. Ban chủ nhiệm đề tài mong muốn tiếp tục nhận được sự góp ý chân thành từ các tổ chức và đồng nghiệp để hoàn thành tốt nhất đề tài.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 20046 /2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.