Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 03-10-2024

Nghiên cứu đề xuất giải pháp quản lý sử dụng đất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu phục vụ mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp vùng Bắc Trung Bộ

Vùng Bắc Trung Bộ có vị trí quan trọng của quốc gia về phát triển kinh tế, đặc biệt là sản xuất nông lâm ngư nghiệp. Với 22% dân số cả nước, vùng này đã đóng góp 52.310 tỷ đồng chiếm 22% GDP, trong đó có tới 19,4% giá trị gia tăng nông nghiệp và 28,8% giá trị gia tăng dịch vụ của cả nước. Diện tích đất ở Bắc Trung Bộ được sử dụng cho sản xuất nông nghiệp đã góp phần không nhỏ vào việc xuất khẩu lúa gạo, thủy sản và rau quả cho Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự thay đổi trong sử dụng đất đã tác động lớn đến vấn đề quản lý, quy hoạch và sản xuất nông nghiệp vùng Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, để đánh giá và quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, có giá trị kinh tế cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và ổn định sinh kế cho người dân chưa được nghiên cứu có tính hệ thống ở vùng Bắc Trung Bộ. Vì vậy để có được các giải pháp quản lý sử dụng hợp lý đất nông nghiệp và hiệu quả nguồn tài nguyên đất thuộc các huyện ven biển của vùng Bắc Trung Bộ và có cơ sở sử dụng đất hợp lý đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sản xuất, phục vụ hiệu quả cho việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp nông thôn thì việc tiến hành đề tài: “Nghiên cứu đề xuất giải pháp quản lý sử dụng đất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu phục vụ mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp vùng Bắc Trung Bộ” là cấp thiết, đã được PGS.TS. Trần Trọng Phương cùng nhóm nghiên cứu tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện với mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và chuyển đổi đất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, phục vụ mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2035.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

Vùng Bắc Trung Bộ (đặc biệt các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh) nằm kề bên vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Với địa hình đa dạng, gồm cả đồng bằng trung du và miền núi, hải đảo. Vì vậy, có thể hình thành cơ cấu kinh tế đa dạng phong phú, phát triển nông nghiệp với nhiều loại hình sử dụng đất. Hiện nay, vùng Bắc Trung Bộ nói chung và 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nói riêng hiện đang đối mặt với không ít thách thức về phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững như: tình trạng ruộng đất bị chia nhỏ, manh mún, chưa phù hợp với yêu cầu của việc sản xuất hàng hoá lớn, tập trung và ngày đang có xu hướng giảm sút, đặc biệt ở các tỉnh có sự phát triển về công nghiệp, dịch vụ, du lịch; quá trình cơ giới hoá nông nghiệp và việc áp dụng các quy trình kỹ thuật sản xuất tiên tiến còn diễn ra chậm... Hầu hết các khâu sản xuất đều làm thủ công, dẫn đến năng suất lao động nông nghiệp thấp; Thị trường nông sản chưa ổn định, giá cả thay đổi theo chiều hướng bất lợi đối với nông dân; sức cạnh tranh kém, thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, tình trạng giảm sút đa dạng gen ở giống cây trồng, vật nuôi do trào lưu thay thế giống truyền thống bằng giống mới làm cho việc phòng chống sâu bệnh khó khăn hơn. Việc sử dụng phân hoá học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và các chất kích thích sinh trưởng một cách tuỳ tiện đã có dấu hiệu vượt quá giới hạn cho phép của môi trường sinh thái, dẫn đến thoái hoá đất, ô nhiễm nguồn nước và gây hại cho sức khoẻ con người.

Sau 20 năm khai thác và sử dụng tài nguyên đất cùng với tiến trình thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, vùng Bắc Trung Bộ (đặc biệt với 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh) có biến dộng iv lớn về sử dụng đất do tốc độ đô thị hóa và công nghiệp nhanh, chuyển dịch cơ cấu đất sản xuất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp cùng với quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế mạnh mẽ theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản. Bên cạnh đó, tác động của thiên tai như hạn hán, ngập lụt, nhiễm mặn, phèn.... cũng đã tác động đến biến động sử dụng đất. Về thực trạng sử dụng đất đai và thực hiện quy hoạch kế hoạch sử dụng đất chưa sát với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và khả năng thực hiện. Vẫn còn tình trạng chồng lấn quy hoạch giữa các ngành (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch giao thông…) nên khi thực hiện gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất (QHSDĐ) ở một số nơi vẫn chưa nghiêm dẫn đến các trường hợp vi phạm vẫn còn diễn ra như lấn chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, lãng phí, vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Cùng với xu thế gia tăng tính cực đoan của khí hậu thời tiết và BĐKH, nước biển dâng (NBD) có tác động lớn đến sử dụng đất và chất lượng đất tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Tài nguyên đất vốn hữu hạn của vùng Bắc Trung Bộ đã, đang và tiếp tục sẽ chịu tác động sâu sắc của các hoạt động phát triển kinh tế xã hội. Tác động của các quá trình tự nhiên và con người diễn ra đan xen và tác động lên tài nguyên đất trong mối quan hệ chặt chẽ trong một hoàn cảnh vật lý nhất định. Nếu xét trên diện rộng và theo những tính chất chung nhất thì vai trò của khí hậu nhiệt đới gió mùa là nền tảng tác động từ từ, còn tác động của con người với cường độ và quy mô lớn sẽ tức thời và rõ rệt hơn. Dưới tác động từ các áp lực gia tăng dân số và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) cùng với tác động của BĐKH và NBD làm gia tăng quá trình suy thoái đất và thoái hóa hóa học do thâm canh sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp và canh tác cây hàng năm thiếu các biện pháp bảo vệ đất dẫn đến suy giảm mạnh các chất dinh dưỡng và độ phì nhiêu của đất, làm giảm khả năng sản xuất của đất.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20223/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 50
Hôm nay: 531
Tổng lượt truy cập: 3.491.331
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!