Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 30-09-2024

Nghiên cứu giải pháp phát triển mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA) vùng ven biển đồng bằng sông Hồng

Các thách thức do BĐKH (nước biển dâng, nhiệt độ trung bình tăng, các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra với tần suất ngày càng cao và mức độ nghiêm trọng ngày một lớn v.v.) đòi hỏi ngành nông nghiệp Việt Nam phải có những hành động khẩn trương để tìm ra giải pháp ứng phó hiệu quả, phù hợp với điều kiện tự nhiên và hoạt động sản xuất nông nghiệp của từng vùng, địa phương và quốc gia. Nông nghiệp thông minh với BĐKH (CSA) có 3 trụ cột chính là “giữ vững và ổn định năng suất, tăng cường khả năng chống chịu, giảm phát thải KNK, đảm bảo an ninh lương thực và phát triển” (Fao, 2010) được xem là giải pháp khả thi nhằm ứng phó hiệu quả với BĐKH của ngành nông nghiệp.

 

Những nghiên cứu liên quan đến phát triển CSA không phải là mới nhưng áp dụng thực tế thì lại chưa nhiều (Duong et al. 2016; Simelton et al, 2017). Ở vùng ĐBSH, lĩnh vực này chưa được nghiên cứu một các hệ thống và chưa có sự tập trung theo những tiếp cận tổng hợp trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang có những dấu hiệu tác động rõ ràng đến khu vực này. Vì vậy, nghiên cứu về CSA là hết sức cần thiết để hỗ trợ xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trong lĩnh vực nông nghiệp mà các tỉnh hàng năm đều phải cập nhật theo yêu cầu của ngành.

Đề tài “Nghiên cứu giải pháp phát triển mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đối khí hậu (CSA) vùn ven biển đồng bằng sông Hồng” do PGS.TS. Ngô Thế Ân cùng nhóm nghiên cứu tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện nhằm mục tiêu đưa ra các giải pháp để phát triển bền vững các hệ thống sản xuất nông nghiệp vùng ven biển Đồng bằng sông Hồng trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Hiện trạng hệ thống nông nghiệp vùng ven biển Đồng bằng sông Hồng hiện nay có lúa vẫn là loại cây trồng chiếm ưn thế về diện tích và có vai trò quan trọng hàng đầu đối với sinh kế của nhiều hộ dân. Tuy nhiên, cây màu (các loại rau quả) và nuôi trồng thủy sản mới là những kiểu sử dụng đất mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Vì vậy, xu thế thay đổi sử dụng đất đã diễn ra theo hướng chuyển từ đất canh tác lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản và trồng rau thâm canh. Tốc độ thay đổi sử dụng đất có khác nhau giữa hai huyện điều tra nhưng đều có chung đặc điểm chung là diện tích nuôi trồng thủy sản ven biển tăng lên một cách nhanh chóng trong thời gian từ 2010 đến nay. Dự báo trong tương lai, đến năm 2030, diện tích nuôi trồng thủy sản vẫn tiếp tục tăng lên nhưng có xu thế chuyển dịch vào phía nội đồng nước ngọt. Cây màu và cây lâu năm cũng tăng chút ít về diện tích nhưng xu thế tăng thâm canh sẽ xảy ra trên cả hai huyện.

Trong số những mô hình canh tác đang có tại địa phương thì mô hình thâm canh dưa lai với rau các loại, mô hình trồng ớt xen hoa, mô hình nuôi tôm Thẻ chân trắng trong nước ngọt và nước lợ cho hiệu quả kinh tế cao vượt trột so với các mô hình khác. Đây cũng là những mô hình được người dân gợi ý lựa chọn để phát triển thành mô hình đạt chuẩn CSA. Tuy nhiên, những mô hình này cũng còn một số hạn chế cần được cải 24 thiện như hiệu quả giảm thiểu tác động môi trường và khả năng lưu thông ổn định trong chuỗi giá trị hàng hóa. Những hạn chế này chính là những can thiệp cần có từ bên ngoài để cho mô hình trở nên “thông minh” hơn với khí hậu.

Nghiên cứu thử nghiệm với những can thiệp tối thiểu về biện pháp canh tác và nuôi trồng (sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm probiotics thân thiện môi trường và tập huấn kỹ năng liên kết thị trường) được triển khai với 4 mô hình (dưa Kim hoàng hậu, Hoa - ớt, nuôi ghép cá Diêu hồng – tôm Thẻ chân trắng trong nước ngọt, và thâm canh tôm Thẻ chân trắng trong nước lợ). Kết quả đã chứng minh cả 4 mô hình này đều tạo được hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn đối chứng trong khi môi trường nước và đất canh tác không bị ô nhiễm. Như vậy, 4 mô hình này đáp ứng được cả ba trụ cột mà một CSA phải có về kinh tế tính, thích ứng và thân thiện với môi trường. Người dân tham gia thử nghiệm đã đánh giá những mô hình này có tiềm năng mở rộng trong khu vực.

Những giải pháp để mở rộng mô hình CSA bao gồm cả kỹ thuật và chính sách. Giải pháp kỹ thuật cho trồng trọt được người dân ưu tiên là tưới tiêu, chọn giống, bón phân, che phủ đất. Giải pháp kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản được ưu tiên là thả giống, thu hoạch, quản lý ao nuôi, làm mái che v.v. Người dân hiện nay đặt quan tâm nhiều hơn tới các giải pháp kỹ thuật. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự thành công của mô hình phụ thuộc rất nhiều vào thị trường tiêu thụ. Vì vậy, những can thiệp hỗ trợ trong kết nối thị trường, tạo dựng, củng cố chuỗi giá trị ổn định và chính sách đầu tư của địa phương cũng cần thiết phải tích hợp đồng bộ trong kế hoạch mở rộng mô hình.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20214/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 6
Hôm nay: 365
Tổng lượt truy cập: 3.523.954
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!