Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Chuyển đổi số

Ngày đăng: 05-01-2022

Định hướng phát triển kinh tế số, khoa học và đổi mới sáng tạo

Tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận và đánh giá cao việc Chính phủ đã tiếp thu tối đa ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện các nội dung trình trong gói chính sách tài khóa, tiền tệ. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, gói chính sách tài khóa, tiền tệ lần này là gói chính sách bổ sung ngoài khung khổ các kế hoạch trung hạn 5 năm mà Quốc hội đã quyết định và ngoài các chính sách đã quyết định trong năm 2020-2021. Do đó, đòi hỏi quyết định một cách thận trọng.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh các chính sách nếu không được quyết định đúng và trúng, để xảy ra lãng phí là có lỗi với Nhân dân, bởi suy cho cùng nguồn lực thực hiện đều từ tiền thuế của Nhân dân. Theo Chủ tịch Quốc hội, về cơ bản các chính sách phù hợp theo đúng định hướng, kết hợp tài khóa tiền tệ, tác động cả phía cung và phía cầu với quy mô đủ lớn. Quy mô gói này theo giá trị danh nghĩa công bố khoảng 5,25% GDP và tính theo giá trị thực sẽ khoảng 4,28%, cộng với 4% của năm trước thì tổng mức chi cho phục hồi phát triển kinh tế hơn 8,28% GDP.

“Đây là mức cao hơn trung bình của các nước xếp hạng thứ 2 và gần gấp đôi mức bình quân của các nước có cùng trình độ phát triển như Việt Nam. Như vậy quy mô gói chính sách đủ lớn, thời gian đủ dài, đưa vốn vào những lĩnh vực có thể giải ngân được ngay tạo hiệu qua cho nền kinh tế. Cùng với đó, các quan điểm nguyên tắc thiết kế chính sách cơ bản đảm bảo”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, nội dung chính sách liên quan đến chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ chưa nổi bật, phần chi từ ngân sách để thúc đẩy các lĩnh vực này trong dự thảo Nghị quyết chưa rõ nét. Trong khi định hướng về lâu dài là phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, mô hình kinh tế mới, kinh tế xanh, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội nhất trí với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế là phải rà soát ngay các vướng mắc trong việc thực hiện quy định về Quỹ Phát triển khoa học công nghệ. “Nếu vướng mắc về pháp lý, kể cả vướng luật thì phải tháo gỡ ngay để cho phép sử dụng được nguồn lực rất lớn đang nằm tại Quỹ này, cho phép doanh nghiệp có thể đầu tư cho đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh: Yêu cầu phải giữ nguyên tắc, bảo đảm tính thống nhất, minh bạch của hệ thống pháp luật, trong đó, những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Thủ tướng Chính phủ chủ động quyết định, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về quyết định của mình; vấn đề nào đặc thù thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì mới trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Các chính sách đặc thù cũng phải chỉ rõ địa chỉ cụ thể, quy trình thủ tục rõ ràng mới triển khai trong thực tế được chứ không thể nói chung chung. Tinh thần là Quốc hội ủng hộ cao nhất để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện. Các cơ chế chính sách thí điểm phải rõ địa chỉ để kiểm soát, cái gì cần sửa luật thì báo cáo Quốc hội để sửa luật. Nếu có ủy quyền, phân cấp thì chỉ ủy quyền, phân cấp một cấp, đi liền với đó là trách nhiệm”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Ở khía cạnh khác, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá, việc Quốc hội họp phiên đột xuất để bàn chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội rất đúng, rất trúng và kịp thời.

Cụ thể trong bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu rõ làm sao để chương trình này nó có sức lan tỏa lớn, tạo sức bật và giải quyết các bước đột phá làm nền tảng cho phát triển kinh tế.

Bộ trưởng cho rằng, vấn đề Quốc hội đang thảo luận cũng đặt trong tổng thể các chính sách phát triển khác, đó là vấn đề an sinh xã hội của chương trình phục hồi kinh tế xã hội.

Trong thời gian vừa qua Thường vụ Quốc hội, Quốc hội trên cơ sở Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19, quyết định cho Chính phủ được triển khai 2 chính sách hỗ trợ người lao động vào người sử dụng lao động.

Đó là Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 (Nghị quyết 68) về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19 và Nghị quyết 116/NQ-CP (Nghị quyết 116) được ban hành ngày 24/9/2021 với mục đích góp phần hỗ trợ người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và thiếu hụt lao động.

Cho đến nay cả hai quỹ này chúng ta đã hỗ trợ nào 71.000 tỷ đồng và số lượng người lao động và sử dụng lao động là 42 triệu lượt người. Riêng gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng từ Nghị quyết 68 thì thời điểm này đã là 31.000 tỷ đồng, vượt mức quy định. Đối với gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng từ Nghị quyết 116 về bảo hiểm thất nghiệp đến nay đã thực hiện trên 37.900 tỷ đồng, còn thiếu khoảng 1.700 tỷ đồng. Như vậy có thể thấy 2 chính sách trên đến giờ này đã giải ngân 100%, đây là được coi là một thành công”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ.

Cho ý kiến về gói hỗ trợ trong công tác phòng chống dịch, đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, về chi trực tiếp NSNN cho phát triển, hỗ trợ phòng chống dịch là nội dung lớn, cần rà soát từng đối tượng, kể cả đối tượng phòng chống dịch. Bởi công tác phòng chồng dịch vừa qua xảy ra nhiều vấn đề vượt quá hành lang pháp lý mà bắt buộc các cơ quan chức năng buộc phải xử lý. Vì vậy, gói hỗ trợ ưu tiên cho lĩnh vực phòng chống dịch, an sinh xã hội, đặc biệt là y tế cần tính toán đầu tư rõ ràng.

Quan tâm nhóm nhiệm vụ giải pháp, cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, Đại biểu Lê Hoàng Anh (tỉnh Gia Lai) phân tích, với nhóm giải pháp này không chỉ phục vụ cho gói tài chính tiền tệ để phục hồi phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023, mà có ảnh hưởng sâu rộng hơn giai đoạn tiếp theo từ sau năm 2024, vì vậy cần quan tâm đến giải pháp này. Đại biểu cũng đề nghị cần quan tâm đến việc hoàn thiện thể chế, sửa đổi bổ sung 1 số bộ Luật để tạo nguồn thu trong đó có các Luật về thuế, kể cả thuế tiêu thụ đặc biệt, quản lý thuế để xử lý không chỉ ngắn hạn mà dài hạn trong 5 năm tới.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ: các quan điểm, định hướng lớn cần quán triệt để đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, gắn kết chặt chẽ với mục tiêu các kế hoạch 5 năm, hằng năm và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025…/.

https://dangcongsan.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 5
Hôm nay: 3107
Tổng lượt truy cập: 3.953.126
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!