Số hóa để hình thành không gian văn hóa mở
Những bước số hóa đầu tiên
“Đã mấy tháng nay Văn Miếu - Quốc Tử Giám không có bóng dáng của vị khách nào ghé thăm. Các hướng dẫn viên không còn có được niềm vui là được đón chào khách tham quan. Nền gạch và đường đi nơi đây đã mốc rêu xanh”, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu mô tả về di tích trong những ngày đóng cửa vì dịch bệnh tại tọa đàm trực tuyến “Đánh thức tiềm năng văn hóa Việt” vừa qua.
Hình ảnh ấy hẳn là bức tranh chung của những di tích khác ở Hà Nội giữa thời đại dịch. Bức tranh ấy lại càng xám xịt hơn khi các nhân viên Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ phải đối diện với các mối lo về sức khỏe, mà còn bị cắt giảm lương vì không còn nguồn thu từ khách tham quan. “Nhưng cũng chính trong quãng thời gian này, chúng tôi cũng có thời gian ngồi với nhau để ngẫm lại về những gì mà mình chưa làm được, nghiên cứu thêm về những giá trị của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, từ đó đưa ra những hoạt động, sản phẩm giúp cải thiện trải nghiệm của khách tham quan”, TS. Lê Xuân Kiêu nhắc lại quyết định của ban quản lý di tích vào thời điểm đại dịch đang bùng phát căng thẳng.
Một trong những vấn đề mà ban quản lý di tích đã quyết định ưu tiên làm ngay là số hóa di sản của mình. “Ứng dụng khoa học công nghệ, số hóa di sản là xu thế tất yếu, đó là một trong năm nội dung định hướng mà ban quản lý đã xác định từ năm 2016”, TS. Lê Xuân Kiêu giải thích cho lựa chọn của Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Trong bối cảnh COVID-19, ban quản lý có thời gian để tập trung đẩy mạnh tiến trình này một cách hiệu quả. Cụ thể, Trung tâm lo chuẩn bị nội dung, còn hệ thống kỹ thuật được huy động từ nguồn xã hội hóa. Nhờ đó, đầu năm nay, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đưa vào ứng dụng công nghệ QR code trên 40 hiện vật, cây xanh và các hạng mục công trình trong khuôn viên di tích. Theo đó, du khách chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, đặt trước bảng chỉ dẫn đã cài mã QR code, hệ thống sẽ tự động đăng nhập và chuyển tới điện thoại của du khách thông tin cơ bản về hiện vật đó.
Việc số hóa này sẽ giúp Văn Miếu - Quốc Tử Giám ‘mở khóa’ các tư liệu của mình đến gần hơn với khách tham quan. Tuy nhiên, TS. Lê Xuân Kiêu thừa nhận, hiện tại Trung tâm chỉ có thể làm đến bước số hóa những hiện vật và để mã QR code, “trong điều kiện của mình, chúng tôi chưa thể có sản phẩm 3D, công nghệ thực tế ảo hay tổ chức triển lãm online” dù “nhu cầu quảng bá về di tích trên Internet lúc này rất lớn”.
Trong thời gian tới, ban quản lý cần có được sự hỗ trợ từ Nhà nước, cũng như một cơ chế đầu tư các sản phẩm cho quảng bá trên Internet, và đặc biệt là “cần thêm nhiều nghiên cứu để xây dựng sản phẩm có nội dung, hình thức tốt, đáp ứng nhu cầu của công chúng”, TS. Kiêu gợi mở về hướng đi tương lai.
Tạo không gian thảo luận và sáng tạo văn hóa
Dù diễn ra trong giai đoạn dịch bệnh, nhưng việc số hóa các hiện vật bên trong không gian di tích không phải là một cách ứng phó tạm thời trong bối cảnh đại dịch, mà là điều mà ban quản lý di tích cũng như các nhà khoa học, các chuyên gia về di sản đã ấp ủ từ lâu. Theo ông Trương Quốc Toàn, trợ lý giám đốc tại Cơ quan hỗ trợ hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX-Vietnam), một trong những cố vấn của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, “hiện nay mọi người chỉ nhìn nhận 82 tấm bia tiến sĩ là 82 tấm bia đặt trên những con rùa đá”, việc số hóa các tấm bia sẽ là bước khởi đầu “để những tấm bia đó lên tiếng kể lên câu chuyện về cuộc đời của hơn 1.300 vị tiến sĩ ghi danh trên đó”.
Tuy nhiên, nếu đặt các hoạt động số hóa của Văn Miếu - Quốc Tử Giám bên cạnh các cơ sở văn hóa như Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và IV… - những nơi đã đã lần lượt tổ chức các triển lãm trực tuyến ảo 360 độ, triển lãm 3D để người dân dù ở nhà vẫn có thể ngắm nhìn các hiện vật, tác phẩm nghệ thuật - thì quá trình ứng dụng công nghệ của Văn Miếu - Quốc Tử Giám dường như có phần ‘rụt rè’ hơn.
Bên cạnh lý do về thiếu thốn nguồn lực, những bước tiến chậm của Văn Miếu còn bắt nguồn từ sự thận trọng của một di tích vốn gắn liền với hình ảnh truyền thống, chuẩn mực. “Tôi có một trải nghiệm vào cuối năm 2016, khi Trung tâm quyết định quét vôi tường ở các hạng mục được xây mới và cần bảo trì, bảo dưỡng; rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra, nhiều người chỉ trích chúng tôi đã biến Văn Miếu trở thành một di tích ‘0 ngày tuổi’”, TS. Lê Xuân Kiêu thuật lại câu chuyện mà theo ông, dù đã cân nhắc rất kĩ, ban quản lý vẫn phải đối diện với nhiều tranh cãi về quyết định của mình.
Việc mọi người khăng khăng giữ hình ảnh về một Văn Miếu - Quốc Tử Giám cổ kính là điều khá dễ hiểu, khi “đối với nhiều người, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một không gian tâm linh đơn thuần để sắp đến kỳ thi thì sờ đầu rùa, đầu năm thì đến dâng hương”, TS. Lê Xuân Kiêu giải thích. Thực chất, giá trị của Văn Miếu còn nằm ở nội dung của những tấm bia tiến sĩ, trên đó là lời răn dành cho các kẻ sĩ - người đỗ đạt nên làm thế nào để được lưu danh muôn thuở, làm thế nào để chăm lo cho đất nước, thay vì tu thân tại gia và chăm chăm đến quyền lợi của dòng họ mình. “Chúng tôi không có ý định ‘lột xác’ hay làm mới hoàn toàn Văn Miếu, chúng tôi chỉ đang tìm cách để những giá trị trừu tượng ấy trở nên gần gũi với khách tham quan, đặc biệt là các bạn trẻ, từ đó giúp họ có cách ứng xử phù hợp với di tích - đó là trách nhiệm của chúng tôi.” Và việc số hóa các tấm bia ở vườn bia Văn Miếu là một phần trong nỗ lực đó.
Bên cạnh phần giá trị này của Văn Miếu, phần giá trị về không gian Quốc Tử Giám dường như cũng còn mờ nhạt đối với khách tham quan. “Với Quốc Tử Giám, chúng tôi mong muốn nơi đây sẽ trở thành một không gian mở để mọi người có thể cùng nhau chia sẻ, thảo luận các vấn đề về văn hóa, lịch sử, giáo dục. Quốc Tử Giám là nơi đã đặt nền móng cho nền giáo dục đại học của Việt Nam, và chúng ta cần tiếp nối truyền thống ấy bằng các hoạt động sáng tạo và gợi mở”, TS. Lê Xuân Kiêu đề cập đến mong muốn hiện tại của ban quản lý.
Vào tháng qua, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã phối hợp với Dự án phi lợi nhuận về văn hóa và giáo dục Gavisto Dipiomat ra mắt Dự án không gian văn hóa Quốc Tử Giám, với mục tiêu hình thành một không gian mở, nơi hội tụ những ý tưởng, sáng kiến độc đáo, phát huy hiệu quả giá trị di sản từ những người yêu di tích. Trong thời gian qua, dự án đăng tải các thông tin về lịch sử, truyền thống khoa bảng… một cách dễ hiểu và thú vị theo hình thức infographic lên các trang thông tin của mình. Khi tình hình dịch được kiểm soát, một chuỗi mạn đàm, triển lãm sẽ tiếp tục được tổ chức ngay tại chính không gian Quốc Tử Giám.
Vì sao Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám lại chọn triển khai theo cách này? “Chúng tôi muốn biến những giá trị trừu tượng thành các hoạt động cụ thể và sáng tạo”, TS. Lê Xuân Kiêu liên tục nhấn mạnh điều này. “Những hoạt động đấy sẽ giúp di tích không chỉ là một di tích ‘đóng’ để cầu xin một điều gì đó, mà thực sự sẽ là trung tâm hoạt động văn hóa khoa học”. Nói cách khác, từ nền tảng vững chắc của di sản, trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ trở thành một không gian sáng tạo hòa cùng với hơi thở của nhịp sống đương đại.
Đồng thời, thông qua những hoạt động này, mọi người sẽ hiểu hơn về di sản, những cách hiểu sai lầm như “vái ở bia Hạ Mã” hay “sờ đầu rùa lấy may” sẽ được giảm thiểu đáng kể. “Chúng tôi không làm mới hay thay đổi bất cứ truyền thống nào, chúng tôi chỉ đang tìm những cách thức phù hợp để giúp mọi người hiểu rõ và hiểu đúng về truyền thống ấy”, ông Kiêu cho biết.
Bản thân Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đã từng tổ chức Chương trình “Giáo dục di sản” nhằm tăng hoạt động trải nghiệm cho học sinh các cấp khi đến tham quan di tích. Các em học sinh sẽ được những nghệ nhân, chuyên viên hướng dẫn trò chơi đi tìm linh vật trên các công trình kiến trúc cổ, in tranh mộc bản, in họa tiết bia tiến sĩ... trên giấy dó;... Tiếp nối chương trình này, Dự án không gian văn hóa Quốc Tử Giám sẽ mở rộng vấn đề và đặt ra những thảo luận mở một cách bài bản hơn, đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành không gian khám phá những giá trị mà cha ông để lại, thay vì thụ động tiếp nhận những thông tin khô khan.
“Hiện tại những gì chúng tôi làm được có phần còn ít ỏi”, TS. Lê Xuân Kiêu chia sẻ. “Chúng tôi vẫn còn rất nhiều việc cần làm và cần sự hỗ trợ từ nhiều bên. Điều mà tôi có thể hứa lúc này đó là những dự án nhằm ‘mở’ không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ là những việc làm lâu dài và trở thành một phần đời sống thường ngày của Văn Miếu trong thời gian tới”.
https://khoahocphattrien.vn/