Vai trò của dữ liệu số ngày càng được nhìn nhận rõ nét hơn
Dữ liệu số luôn là một thành phần quan trọng và cốt yếu trong xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử. Đặc biệt, trong chuyển đổi số, dữ liệu số ngày càng được nhìn nhận về vai trò rõ nét hơn.
Tại Hội thảo “Khai mở tiềm năng dữ liệu số - Từ tầm nhìn đến thực thi” tổ chức ngày 7/10 do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) chủ trì, ông Nguyễn Trọng Khánh, Trưởng phòng Hạ tầng và dữ liệu số, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT chia sẻ, Việt Nam triển khai phát triển Chính phủ điện tử từ năm 2000. Đến năm 2020, Việt Nam bắt đầu chuyển sang giai đoạn chuyển đổi số, đánh dấu bằng Chương trình chuyển đổi số quốc gia với 3 trụ cột rõ ràng gồm: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Qua 23 năm phát triển với nhiều thay đổi nhưng dữ liệu số luôn là một thành phần quan trọng và cốt yếu được chú trọng xây dựng và phát triển. Đặc biệt, trong chuyển đổi số, dữ liệu số ngày càng được nhìn nhận về vai trò rõ nét hơn. Vì vậy, Việt Nam đã chọn năm 2023 là năm chuyển đổi số quốc gia, trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện về chuyển đổi số.
Là cơ quan được giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, ông Nguyễn Trọng Khánh cũng đã chỉ ra 18 điểm thay đổi đáng chú ý trong tư duy, cách tiếp cận về dữ liệu số khi Việt Nam chuyển từ giai đoạn ứng dụng CNTT, tin học hóa sang chuyển đổi số.
Đó là, chuyển từ dữ liệu là phương tiện sang dữ liệu là nguyên liệu, sản phẩm, hàng hóa; chuyển từ vai trò dữ liệu là để lưu trữ, tìm kiếm sang dữ liệu làm thay đổi cách nghĩ cách làm việc, cách tạo ra giá trị; chuyển trọng tâm từ xây dựng dữ liệu sang khai thác dữ liệu; chuyển từ các cơ sở dữ liệu riêng lẻ sang đám mây dữ liệu; chuyển từ các cơ sở dữ liệu riêng lẻ sang đám mây dữ liệu; chuyển từ xây dựng dữ liệu phục vụ một nhóm nguời, một hệ thống sang xây dữ liệu làm nền tảng, dùng chung…
Cũng tại Hội nghị, cho rằng cần xây dựng chiến lược quốc gia về dữ liệu, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) khẳng định, việc phân loại dữ liệu ở cấp độ chính xác là rất quan trọng đối với an toàn thông tin, tiết kiệm chi phí và hoạt động hiệu quả của các cơ quan chính phủ.
Chính vì vậy, Viện trưởng IPS khuyến nghị cần xây dựng một chiến lược quốc gia về dữ liệu; xác định lại mô hình, vai trò xây dựng khai thác dữ liệu của bộ ngành với địa phương; hoàn thiện chính sách về phân loại dữ liệu; cơ chế khai thác dữ liệu; có danh mục dữ liệu ưu tiên.
Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số cũng đã chia sẻ quan điểm về kiến trúc dữ liệu nền tảng của tổ chức, doanh nghiệp với 6 thách thức lớn, như làm thế nào để mọi cấu phần, cấu trúc, tiến trình và hoạt động vận hành của tổ chức có tính hệ thống, tổng thể, đồng bộ và cộng hưởng; làm thế nào để ra quyết định dựa trên dữ liệu thông qua việc ứng dụng một cách hiệu quả các công nghệ số và dữ liệu số...
https://baochinhphu.vn/