Ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất thanh long VietGAP ở Bình Thuận
Thanh long được xác định là một trong những cây trồng có lợi thế của Bình Thuận. Sản xuất thanh long đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn của tỉnh. Đề án phát triển bền vững cây thanh long đến năm 2030 vừa được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt, đến năm 2030, tỉnh Bình Thuận sẽ có từ 70 - 75% diện tích cây thanh long trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Theo đó, đến năm 2030, Bình Thuận phấn đấu phát triển ổn định khoảng 25.000 ha cây thanh long với năng suất bình quân đạt 22 tấn/ha, sản lượng đạt 550.000 tấn/năm. Tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt khoảng 70%. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thanh long chính ngạch tăng bình quân khoảng 5%/năm.
Mới đây, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đã tổ chức cuộc họp trực tuyến nhằm triển khai thực hiện Chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh có ứng dụng chuyển đổi số. Ông Ngô Thái Sơn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Việc thực hiện Chương trình sản xuất thanh long bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh có ứng dụng chuyển đổi số nhằm minh bạch hoá quá trình thực hiện, theo dõi được việc thực hành đồng ruộng, trong đó có công khai quy trình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tạo niềm tin cho người tiêu dùng; từ đó, người trồng thanh long có thể tìm kiếm được thị trường xuất khẩu bền vững bằng con đường chính ngạch, không còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, giảm bớt rủi ro và tăng thu nhập cho người dân trồng thanh long.
Trong thời gian tới Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện Chương trình sản xuất thanh long bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh có ứng dụng chuyển đổi số cho các Hợp tác xã, vùng trồng thanh long trọng điểm, vùng sản xuất thanh long lớn nhằm tạo ra sản lượng thanh long nhiều, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và thế giới.