Công nghệ số: Động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bến vững
Sáng 10/7/2024, Hội Tin học TPHCM (HCA), Công ty Cổ phần Tổ chức triển lãm quốc tế xây dựng Vietbuild, Alta Media và các đối tác phối hợp tổ chức Diễn đàn Công nghệ quốc tế iTech Expo 2024 nhằm giới thiệu các công nghệ mới, thúc đẩy kết nối kinh tế giao thương, phát triển KHCN và kỹ thuật toàn cầu. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương đã tới dự và phát biểu tại Diễn đàn.
Sự kiện diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 10 đến ngày 12-7, tại Công viên Phần mềm Quang Trung (quận 12, TPHCM).
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng TT&TT Bùi Hoàng Phương cho biết, hiện nay, thế giới và Việt Nam đang chứng kiến những bước tiến vượt bậc của công nghệ số trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trước đây, công nghệ thông tin đã có vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay công nghệ thông tin đã có những thay đổi căn bản trở thành công nghệ số, đi kèm với nó là những công nghệ mới như AI, claude, Big Data, IOT. Với những công nghệ mới này, công nghệ số không chỉ còn là công nghệ thông tin nữa, mà còn là dữ liệu được mở rộng ra nhiều lĩnh vực.
Theo Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương, công nghệ số cùng với dữ liệu số đã len lỏi vào tất cả những lĩnh vực, ngành nghề trong mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, tạo nên những thành tựu to lớn chưa từng có.
Với việc nắm bắt xu thế đó, hiện nay, Việt Nam đã xác định, công nghệ số, chuyển đổi số là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bến vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bộ TT&TT đã tập trung chỉ đạo, định hướng phát triển ngành thông tin truyền thông phổ cập hạ tầng số, sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số, là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động gắn liền với ứng dụng mạnh mẽ trí tuệ nhân tạo và trợ lý ảo”, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương đánh giá.
Hạ tầng số phải đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia
Cũng theo Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương, phát triển hạ tầng số Việt Nam bao gồm, hạ tầng viễn thông, hạ tầng IOT, hạ tầng tính toán, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng cung cấp công nghệ số như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng. Hạ tầng này phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời khẳng định, phát triển kinh tế số quan trọng nhất là các ứng dụng số, ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành và động lực chính cho sự phát triển này là các doanh nghiệp công nghệ số.
Với mục tiêu tạo ra một hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch và hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ số, vừa qua, Bộ TT&TT đã được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số. Dự kiến cuối năm nay, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc Hội để xem xét phê duyệt Luật Công nghiệp công nghệ số, trong đó, có nhiều chính sách ưu đãi khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ số.
Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng được Chính phủ giao triển khai xây dựng trình Chính phủ Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 định hướng đến năm 2050. Đây là một trong những chiến lược dài hơi của Việt Nam. Định hướng của chiến lược là Việt Nam từng bước trở thành quốc gia có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển, trở thành một HUB nhân lực công nghiệp bán dẫn cho toàn cầu, tham gia vào chuỗi công nghiệp bán dẫn toàn cầu có các sản phẩm bán dẫn mang thương hiệu Việt Nam có khả năng cạnh tranh với quốc tế.
Để thực hiện hiện quả những chủ trương, chính sách trên, vai trò của TP.HCM là hết sức quan trọng. TP.HCM là đàu tàu kinh tế của cả nước, trong nhiều năm qua, chỉ số VN-Index của TP.HCM luôn nằm trong tốp đầu của cả nước. Thành phố dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp công nghệ thông tin, doanh thu phần mềm về công nghệ thông tin và đứng thứ hai cả nước về doanh thu công nghiệp phần cứng. Doanh nghiệp công nghệ số tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam tiếp tục là nòng cốt chính tạo ra sự bứt phá cho ngành thông tin và truyền thông, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế số của toàn vùng và cả nước”, Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương đánh giá.
Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương bày tỏ mong muốn, UBND TP.HCM, Sở TT&TT TP.HCM cùng các sở, ban ngành tại Thành phố tiếp tục quan tâm hỗ trợ thúc đẩy cho sự phát triển của lĩnh vực công nghệ số và tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghệ số hoạt động trên địa bàn.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy thông tin Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố dịch vụ-công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á; tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP.
Bà Trần Thị Diệu Thúy cho rằng để đạt được mục tiêu nêu trên, Thành phố Hồ Chí Minh cần có nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số, công nghệ số, yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số và động lực mới là đổi mới sáng tạo số.
Diễn đàn Công nghệ Quốc tế iTech Expo 2024 sẽ là một điểm nhấn, cầu nối giao thương, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế số của Thành phố.
Diễn đàn iTech Expo 2024 có khu vực triển lãm quy mô 10.000m2, với hơn 350 gian hàng trưng bày công nghệ mới, thông minh, mang tính ứng dụng cao của các doanh nghiệp như Intel, ASUS, Zoho, QTSC, VNPT, Viettel, Mobifone, CMC Telecom, Galaxy Holdings, Đại Nam...
Sự kiện thu hút sự tham gia của các tổ chức, hiệp hội trong nước, nhà cung cấp từ hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Cộng hòa Séc, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Australia, Nga...
Trong khuôn khổ Diễn đàn diễn ra 9 phiên hội thảo chuyên ngành đón đầu xu hướng với sự tham gia chia sẻ của hơn 50 chuyên gia đầu ngành, đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ trong nước và quốc tế.
Các đại biểu chia sẻ việc khai thác tiềm năng và phân tích chuyên sâu về đo lường tác động kinh tế số; công nghệ mới nổi, cơ hội mới cho các tổ chức, doanh nghiệp; chính quyền số và an toàn thông tin; công nghệ trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật./.