Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Công nghệ - Sản phẩm

Ngày đăng: 25-03-2024

Chiết xuất cao định chuẩn từ củ ngải bún: Hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày

Các nhà khoa học đã phát hiện ra trong củ ngải bún chứa nhiều hợp chất pinostropin. Hợp chất này vừa có tác dụng diệt vi khuẩn Helicobacter pylori (HP), vừa có tác dụng ức chế enzyme urease do vi khuẩn HP tiết ra, giúp tiêu diệt môi trường sống của HP, từ đó giảm thiểu tình trạng viêm loét dạ dày.

Cây ngải bún (Boesenbergia pandurata Roxb. Schltr) chứa nhiều tinh dầu, các polyphenol, chalcone, có hoạt tính sinh học kháng virus, kháng khuẩn, chống oxy hóa, chống nọc độc, chống ung thư vú và ung thư máu,… Ảnh: Báo Đắk Nông


Đối với người miền Tây, đặc biệt là ở những tỉnh như An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, cây ngải bún không phải là một loài thực vật xa lạ. Phần củ của cây là loại gia vị đặc sản không thể thiếu trong món bún cá, bún ốc,... Củ ngải bún có mùi thơm, dùng để khử mùi tanh của cá và tạo vị đặc trưng cho phần nước lèo.

Song với GS. Nguyễn Thị Thanh Mai (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM) - người luôn tìm kiếm những hợp chất có cấu trúc mới với các tác dụng sinh học khác nhau từ dược liệu, cây ngải bún còn nhiều tác dụng hữu hiệu hơn thế. Cây ngải bún (Boesenbergia pandurata Roxb. Schltr) chứa nhiều tinh dầu, các polyphenol, chalcone, có hoạt tính sinh học kháng virus, kháng khuẩn, chống oxy hóa, chống nọc độc, chống ung thư vú và ung thư máu,… Ngoài được dùng làm gia vị trong nấu ăn, củ ngải bún còn được dùng trong đông y để trị bệnh đau bụng, hen suyễn, tiêu chảy, khó tiêu, ngứa, sốt, loét, khô miệng, khó chịu dạ dày, kiết lỵ,..

GS. Thanh Mai cho biết trong bài giảng với chủ đề “Dược liệu có nguồn gốc thiên nhiên - cơ hội tại Việt Nam từ góc nhìn của một nhà khoa học nữ” tại sự kiện do Quỹ đổi mới sáng tạo VINIF tổ chức tại phía Nam, “trong một lần tình cờ, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng củ ngải bún trồng ở An Giang chứa nhiều hợp chất pinostropin”. Hợp chất này vừa có tác dụng diệt vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) - nguyên nhân quan trọng nhất gây viêm loét dạ dày, vừa có tác dụng ức chế enzyme urease do vi khuẩn HP tiết ra, giúp tiêu diệt môi trường sống của HP, giảm thiểu nhiễm trùng dạ dày. Ngoài ra, hợp chất có khả năng bảo vệ dạ dày trước các vết loét gây ra bởi ethanol bằng cách tăng thành niêm mạc dạ dày, làm giảm diện tích vết loét dạ dày, ức chế sự xâm nhập leucocytes của thành dạ dày, giảm tế bào loét dạ dày tăng sinh.


Những tác dụng này vô cùng quan trọng, nhất là khi viêm loét dạ dày là căn bệnh khá thường gặp ở đường tiêu hóa, nó đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người. Đặc biệt, nếu viêm loét dạ dày không được chữa trị kịp thời có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.

Với mong muốn khai thác hiệu quả hợp chất pinostropin trong điều trị viêm loét dạ dày, năm 2019, nhóm tác giả tiếp tục thực hiện đề tài “Xây dựng quy trình chiết xuất cao định chuẩn từ củ ngải bún và đánh giá tác dụng dược lý theo định hướng sử dụng hỗ trợ điều trị bệnh viêm loét dạ dày”. Cao định chuẩn có thể hiểu là là cao chiết dược liệu có thành phần ổn định, xác định và tỉ lệ, hàm lượng của các hoạt chất chính/chất đánh dấu nằm trong một giới hạn nhất định.

Theo đó, củ ngải bún tươi sáu tháng tuổi, trồng ở An Giang, được các nhà khoa học rửa sạch đất, cắt nhỏ, phơi khô trong bốn ngày (8 tiếng/ngày), và xay nhỏ, sàng qua bộ rây có kích thước lỗ 5 mm. Đây là nguyên liệu để các nhà khoa học trích ly lấy cao thô. Từ 1 kg củ ngải bún khô có thể điều chế ra được 200g cao thô EtOH, và thông qua kết tinh nhóm nghiên cứu đã thu được 70,67g cao định chuẩn chứa pinostrobin với hàm lượng từ 30,89%. Sản phẩm cao có màu nâu vàng, dạng sệt đặc quánh, mùi thơm đặc trưng của củ ngải bún. [1]

Đánh giá hoạt tính ức chế enzyme urease và vi khuẩn HP của cao định chuẩn trong phòng thí nghiệm cho thấy, cao có khả năng tiêu diệt không những chủng HP chuẩn 26695 (nhạy với các loại kháng sinh) mà còn cả chủng lâm sàng GD37 (kháng bốn loại kháng sinh); có tác dụng kháng viêm, làm giảm lượng IL-8 (một chemokine - một trong những chất trung gian quan trọng của phản ứng viêm được tiết ra bởi một số loại tế bào) mà không gây chết tế bào biểu mô dạ dày AGS. Đồng thời, cao có tác dụng ức chế enzyme urease nhằm tiêu diệt môi trường sống của HP.


 

GS. Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên và cũng là Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TPHCM, chia sẻ tại sự kiện do VINIF tổ chức. Ảnh: VINIF

GS. Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên và cũng là Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TPHCM, chia sẻ tại sự kiện do VINIF tổ chức. Ảnh: VINIF


“Chúng tôi tiến hành thử nghiệm cao định chuẩn chứa pinostrobin trên chuột để kiểm chứng tác dụng giảm đau của nó. Kết quả cho thấy chế phẩm này nó có tác dụng làm tăng pH của dịch vị và giảm đáng kể số ổ loét, mức độ loét trên chuột”, GS. Thanh Mai phân tích. Cụ thể, ở liều từ 20 - 150 mg/kg, pH dịch vị có xu hướng tăng; số ổ loét, mức độ loét giảm; và viêm loét dạ dày bị ức chế. Liều 40 - 150 mg/kg có tác dụng bảo vệ viêm loét dạ dày gần bằng thuốc Omeprazol (liều 20 mg/kg).

Phát triển các hoạt chất mới

Theo GS. Nguyễn Thị Thanh Mai, việc phát triển các sản phẩm thực phẩm chức năng từ củ ngải bún có tính an toàn cao. Ngoài ra, từ khi trồng ngải bún cho đến khi thu hoạch chỉ mất từ 4-6 tháng, năng suất cao và giá khá rẻ, tương đương gừng, nghệ. Vì vậy, việc nghiên cứu toàn diện về quy trình ly trích cũng như tác dụng bảo vệ dạ dày của cao chiết chứa pinostrobin từ củ ngải bún, là tiền đề để phát triển sản phẩm mới từ nguồn dược liệu sẵn có trong nước này.

Bên cạnh đó, cao chiết từ củ ngải bún không chỉ có tiềm năng trong điều trị viêm loét dạ dày, mà còn cả trong điều trị ung thư tụy. “Chúng tôi đã phát hiện ra tác dụng của củ ngải bún trong việc điều trị ung thư tụy. Hiện tại, chúng tôi đã phân lập được trên 40 hợp chất tinh khiết, trong đó có 21 hợp chất có cấu trúc mới lần đầu tiên được tìm thấy trên thế giới và 36 hợp chất có tác dụng gây độc tế bào ung thư tụy”, GS Mai chia sẻ.

Tuy nhiên, do những hợp chất này khó tan trong nước nên việc hấp thụ qua ruột sẽ khó hơn. Do đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều chế cao chiết ở dạng bột nano từ củ ngải bún.Từ đó họ đã phát triển ra một sản phẩm có tên boesencare hỗ trợ điều trị ung thư đường tiêu hóa, đặc biệt là ung thư tụy. “Hiện tại chúng tôi đang phối hợp với Công ty Seavita để sản xuất thêm một dòng nước uống hỗ trợ điều trị ung thư, trong đó kết hợp chiết xuất từ củ ngải bún và chiết xuất từ rong nâu có chứa nhiều hợp chất fucoidan”, GS. Thanh Mai cho biết. Dự kiến trong khoảng vài tháng tới, dòng sản phẩm này sẽ được đưa ra thị trường.

Nhìn nhận lại quá trình thực hiện nghiên cứu, chị cho rằng “thời gian tôi trình bày thì có thể vài phút, nhưng chúng tôi đã phải mất năm năm mới xong được nghiên cứu”.

Không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu củ ngải bún, nhóm nghiên cứu của GS. Thanh Mai còn tiến hành nghiên cứu trên nhiều dược liệu Việt Nam, đặc biệt là trên các loại cây thuốc ở vùng Bảy Núi tỉnh An Giang. “Việt Nam có rất nhiều ưu điểm để phát triển ngành dược liệu, như có thảm thực vật phong phú với trên 3.000 loài có thể dùng làm dược liệu, có dân số đông, nhu cầu sử dụng dược liệu để điều trị bệnh rất lớn. Tuy nhiên, trên thực tế, ngành dược của nước ta chưa thực sự phát triển, do chúng ta thiếu nguồn nguyên liệu đạt chuẩn, đa số dược liệu quý hiếm chưa quy hoạch được vùng trồng, trên 90% nguyên liệu hóa dược phải nhập khẩu, các nghiên cứu phát triển thuốc còn hạn chế”. Trong thời gian tới, “ngành dược liệu tại Việt Nam cần tập trung vào nghiên cứu phát triển hoạt chất mới (thuốc mới), cải tiến các hoạt chất cũ, đầu tư trang thiết bị phục vụ R&D và quy hoạch vùng trồng dược liệu đạt chuẩn”, chị kết luận.

https://khoahocphattrien.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 6
Hôm nay: 173
Tổng lượt truy cập: 4.023.703
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!