Xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong kinh tế tuần hoàn
Ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng bộ phận phát triển quan hệ đối tác, Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam cho rằng, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong kinh tế tuần hoàn.
Mô hình kinh tế tuần hoàn chưa hoàn chỉnh
Tại Việt Nam, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định chủ trương phát triển kinh tế tuần hoàn là trọng tâm trong Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội tới năm 2030. Luật Bảo vệ môi trường đã thể chế hóa chủ trương này, dành 1 điều riêng về kinh tế tuần hoàn. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định tiêu chí, lộ trình, trách nhiệm và cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Chính phủ cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn vào cuối năm 2023.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm góp phần phục hồi và phát triển kinh tế nhanh và bền vững, thúc đẩy tăng trưởng xanh, bảo vệ tài nguyên môi trường, chống biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Tuy vậy, tính đến năm 2021, Việt Nam chưa có mô hình kinh tế tuần hoàn một cách hoàn chỉnh và đầy đủ. Hiện nay, khung thể chế cho phát triển tuần hoàn chưa hoàn thiện; nhận thức về kinh tế tuần hoàn và sự cần thiết chuyển đổi sang phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn còn hạn chế; phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạn chế về năng lực công nghệ tái chế, tái sử dụng, chưa nói đến năng lực đóng góp vào phục hồi các nguồn tài nguyên.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chính sách kinh tế môi trường nhận định, hiện nay nhận thức về kinh tế tuần hoàn vẫn là vấn đề mới của doanh nghiệp; còn sự bất cập về cơ chế chính sách giữa các luật, nhất là giữa luật bảo vệ môi trường, luật đất đai, luật xây dựng...; khó khăn từ mô hình kinh tế tuần hoàn cũ; thiếu nguồn vốn đầu tư; đòi hỏi nguồn nhân lực có chuyên môn cao; cần sự đổi mới về quy trình công nghệ, đặc biệt trong sản xuất và thu hồi chất thải rắn; khó khăn ở sản phẩm đầu ra...
Những giải pháp cần thực hiện
Về mặt giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng bộ phận phát triển quan hệ đối tác, Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam cho rằng, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Trước hết, cần đưa ra khái niệm về kinh tế tuần hoàn một cách đơn giản nhất, dễ tiếp cận nhất để mọi người dân, doanh nghiệp cùng tham gia. Đồng thời, xây dựng hệ thống pháp luật trong đó khuyến khích tạo hệ sinh thái cho các mô hình kinh tế tuần hoàn được thực hiện bởi doanh nghiệp, người tiêu dùng... Cũng theo ông Hải, nếu muốn thực hiện kinh tế tuần hoàn cần bắt đầu ngay từ đầu khi thiết kế sản phẩm, thiết kế sinh thái để có thể tuần hoàn được vật liệu, chu trình.
Từ phía Chính phủ và các nhà tài trợ cần có cơ chế hỗ trợ tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; gắn việc chuyển đổi mô hình kinh tế tuần hoàn với cắt giảm phát thải carbon. Điều này sẽ tạo động lực để các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện mô hình chuyển đổi, phát triển kinh tế tuần hoàn. Do đó, cần có chính sách khuyến khích mua sắm công ưu tiên các sản phẩm sử dụng vật liệu tuần hoàn, từ đó hình thành thị trường tiêu thụ.
Việt Nam đang bắt tay phát triển kinh tế tuần hoàn.
Chuyên gia này cũng đề cập việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong kinh tế tuần hoàn. Muốn phát triển kinh tế tuần hoàn, khi xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cần phải tư duy về kinh tế tuần hoàn để lồng ghép. Kinh tế tuần hoàn là vấn đề mới nên hệ thống quy định sẽ phải tiếp tục hoàn thiện dần để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn, nhằm tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, ông Nguyễn Anh Dương cũng chỉ ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện.
Đầu tiên, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn, yêu cầu chủ trương, định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, người dân; Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tuần hoàn riêng hoặc lồng ghép việc thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực hoặc phát triển kinh tế-xã hội địa phương;
Nghiên cứu, lồng ghép phát triển kinh tế tuần hoàn vào chính sách, dự án liên kết vùng, các hoạt động thực hiện Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Tăng cường nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và lộ trình thu thập, sử dụng, phân tích thông tin nhằm hỗ trợ các ứng dụng, giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông toàn diện, hài hòa gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn;
Chủ động trao đổi với các nhà tài trợ nước ngoài, các tổ chức quốc tế để tìm kiếm cơ hội tiếp cận tri thức, kỹ năng và nguồn lực phát triển kinh tế tuần hoàn thông qua các dự án thử nghiệm cụ thể về kinh tế tuần hoàn, dự án về công nghệ, dịch vụ (công nghệ thông tin, môi trường...) thân thiện với kinh tế tuần hoàn. Tăng cường đối thoại công - tư về phát triển kinh tế tuần hoàn, trên cơ sở phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp;
Rà soát, hoàn thiện khung chính sách và pháp lý nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế tuần hoàn. Có cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng đầu tư, phát triển nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế tuần hoàn. Hoàn thiện cơ chế phát triển công nghiệp và dịch vụ môi trường.
https://khcncongthuong.vn/