Thúc đẩy áp dụng tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật đối với chất lượng sản phẩm hàn ISO 3834 cho các doanh nghiệp cơ khí chế tạo năm 2018
Ngành cơ khí ở nước ta đóng vai trò rất quan trọng, là nền tảng và động lực cho các ngành khác phát triển. Ngành cơ khí có nhiệm vụ cung cấp toàn bộ trang thiết bị cho các ngành xi măng, vật liệu xây dựng, thiết bị y tế, chế tạo thiết bị điện, đóng tàu và trang thiết bị an ninh quốc phòng… Ngành cơ khí được coi là một ngành then chốt trong sự nghiệp hiện đại hóa và công nghiệp hóa đất nước. Để có thể đứng vững và phát triển trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay, một yêu cầu cấp bách là phải nâng cao được năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cơ khí. Tuy nhiên, ngành cơ khí đang gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ nhập siêu vẫn cao hơn xuất khẩu; chất lượng sản phẩm cơ khí còn nhiều hạn chế; doanh nghiệp chưa làm chủ được công tác thiết kế đối với các dự án lớn; năng lực, quản trị doanh nghiệp và sự phối hợp, liên kết còn kém hiệu quả…
Nhằm hỗ trợ nhân rộng áp dụng tiêu chuẩn ISO 3834 cho các doanh nghiệp cơ khí chế tạo, tạo bước chuyển biến về nhận thức, phương pháp quản lý, giúp các doanh nghiệp cơ khí chế tạo nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp cũng như nâng cao hiệu quả, năng suất chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất cơ khí, tạo vị thế trong và ngoài nước, nhóm đề tài Trung tâm Đào tạo và Chuyển giao công nghệ Việt - Đức (Nay là Trung tâm chuyển giao công nghệ Việt - Đức) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng do ThS. Đỗ Hải Tĩnh làm chủ nhiệm đã đề xuất thực hiện nhiệm vụ: “Thúc đẩy áp dụng tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật đối với chất lượng sản phẩm hàn ISO 3834 cho các doanh nghiệp cơ khí chế tạo năm 2018”.
Sau một thời gian triển khai, nhóm đề tài đã hoàn thành toàn bộ khối lượng, nội dung công việc theo Hợp đồng, đạt chất lượng dự kiến. Từ thực tiễn triển khai tại các doanh nghiệp tham gia mô hình điểm và thông qua các phiếu thăm dò, đánh giá khách quan của chính các doanh nghiệp, đề tài đã đúc rút ra những tổng kết sơ bộ như sau:
- Việc thực hiện đề tài:
Thúc đẩy áp dụng tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật đối với chất lượng sản phẩm hàn ISO 3834 cho các doanh nghiệp cơ khí chế tạo là cần thiết và phù hợp với thực trạng của các doanh nghiệp cơ khí chế tạo tại Việt Nam, giúp các doanh nghiệp cơ khí chế tạo đáp ứng được tổng thể các yêu cầu về quản lý chất lượng sản phẩm một cách hiệu quả nhất và là tiền đề nhân rộng nhiệm vụ cho các doanh nghiệp cơ khí khác trong cả nước.
- Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn
ISO 3834 giúp doanh nghiệp cơ khí chế tạo đáp ứng các yêu cầu của chủ đầu tư, các nhà thầu nước ngoài, giúp doanh nghiệp có cơ sở nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và đảm bảo an toàn của sản phẩm cũng như nâng cao khả năng xuất khẩu các sản phẩm cơ khí. Qua dự án, các doanh nghiệp đã thu được những kết quả cải tiến cụ thể đo lường được trong việc sử dụng hiệu quả nguồn lực, rút ngắn thời gian sản xuất, giảm lãng phí, tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm hàng tồn kho và sai lỗi, giúp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, công trình đây cũng chính là một trong những động lực quan trọng để nâng cao uy tín cũng như khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Từ các kết quả thu được, đề tài có những kiến nghị cụ thể sau đây:
- Đối với các Cơ quan quản lý nhà nước: Tiếp tục đa dạng các hình thức tuyên truyền, quảng bá về chương trình 712 và hoạt động nâng cao năng suất chất lượng trên toàn quốc; Có thêm các chính sách hỗ trợ cho những doanh nghiệp tham gia dự án để các doanh nghiệp có thể tiếp tục duy trì áp dụng và cải tiến HTQL chất lượng tích hợp. Có như thế mới nâng cao hiệu quả kinh tế và xã hội của dự án. - Cần xây dựng các tổ chức chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng hàn theo Tiêu chuẩn ISO 3834, tổ chức chứng nhận nhân sự hàn, quy trình hàn và chứng nhận nhân sự kiểm tra không phá hủy được thừa nhận quốc tế tại Việt Nam nhằm giảm chi phí đánh giá chứng nhận cho doanh nghiệp trong nước; Cần tiến hành đưa ISO 3834 thành QCVN để thành quy chuẩn nghành áp dụng rộng rãi cho các doanh nghiệp cơ khí chế tạo, đặc biệt là các doanh nghiệp cơ khí sử dụng hàn nóng chảy.
- Đối với cơ quan chủ trì và phối hợp: Tiếp tục cập nhật và hoàn thiện các tài liệu đào tạo, phương pháp hướng dẫn áp dụng tại doanh nghiệp để phù hợp với quy mô và hình thức sản xuất của doanh nghiệp; Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao trình độ cán bộ trong Trung tâm; Rút ra các bài học kinh nghiệm từ việc triển khai Nhiệm vụ này để phối hợp, triển khai thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ tương tự.
- Đối với doanh nghiệp: Tiếp tục duy trì hiệu lực của HTQL đã được xây dựng được xác nhận qua các buổi đánh giá nội bộ và được điều chỉnh sau đánh giá, thường xuyên cải tiến hiệu lực của HTQL. Đặc biệt lưu ý khi có những thay đổi lớn như mở rộng lĩnh vực hoạt động, triển khai công nghệ mới, chuyển địa điểm hoạt động hoặc có sự thay đổi lớn về nhân sự thì cần cập nhật lại hệ thống tài liệu, đào tạo bổ sung để đảm bảo hệ thống không bị ảnh hưởng.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18004/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/