Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng: Những định hướng mới
Hiện nay, năng lực, tổ chức, hoạt động về tiêu chuẩn đo lường chất lượng vẫn còn tồn tại một số hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn trong giai đoạn phát triển và hội nhập của đất nước. Do đó, lĩnh vực này đang đứng trước những đòi hỏi phải có định hướng mới trong thời gian tới.
Một nhà máy sản xuất mỳ ở Việt Nam. Ảnh: INT
Còn nhiều hạn chế
Cho đến nay, hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng ở Việt Nam đã trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển. Đây là một trong số ít ngành đã xây dựng được đủ ba luật chuyên ngành là Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật, Luật Chất lượng Sản phẩm hàng hóa và Luật Đo lường, bao quát cả ba lĩnh vực hoạt động chủ yếu và quan trọng của ngành mình - theo nhận xét của Thứ trưởng Lê Xuân Định.
Hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật cũng đã và đang được hoàn thiện, là cơ sở cho việc quản lý thống nhất của Nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo đo lường, quản lý chất lượng và các hoạt động liên quan khác. “Đội ngũ công chức, viên chức, người lao động hoạt động trong lĩnh vực TCĐLCL đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, có trình độ kiến thức và kỹ năng được cập nhật và thường xuyên nâng cao”, Thứ trưởng đánh giá. Bên cạnh đó, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia cũng đang có hơn 13.000 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), bao trùm hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, có số lượng đứng top đầu ASEAN và có tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt hơn 60%.
Tuy nhiên, khi những hiệp định thế hệ mới mà Việt Nam tham gia liên tục gia tăng số lượng, đồng thời nhu cầu đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực then chốt và trực tiếp góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa đât nước trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, những điểm còn hạn chế trong công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng dường như cũng bộc lộ rõ ràng hơn.
Từ góc nhìn của người làm công tác quản lý, Thứ trưởng thẳng thắn đánh giá: hiện nay, nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền về công tác TCĐLCL còn chưa đầy đủ, thiếu thống nhất. Công tác đầu tư và phát triển của các tổ chức kỹ thuật về TCĐLCL còn thiếu quy hoạch, thiếu định hướng, chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, hoạt động TCĐLCL cũng chưa được coi là công cụ thiết yếu trong quá trình nghiên cứu làm chủ công nghệ cao, công nghệ mới, trong quá trình sản xuất, sử dụng trang thiết bị thuộc công nghiệp quốc phòng, an ninh. Công tác thanh, kiểm tra, giám sát, xử lý sai phạm và hoạt động phối hợp của các bộ, ngành, địa phương trong công tác TCĐLCL cũng còn chưa thống nhất.
Chia sẻ thêm về những khó khăn, hạn chế trong ngành, ông Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng, phụ trách Tổng cục TCĐLCL cho biết, hiện nay tư duy về quản lý chất lượng tại một số bộ ngành địa phương vẫn chưa thực sự dựa trên nền tảng về tiêu chuẩn đo lường. “Chúng ta vẫn quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa thuộc phạm vi ngành lĩnh vực dựa trên những quy định đặc thù, không theo thông lệ quốc tế. Chính cách thức quản lý này tác động đến việc đầu tư của các bộ, ngành, và nó tác động lại đến hoạt động xã hội hóa [hoạt động TCĐLCL] của chúng ta”, ông cho biết. Trong giai đoạn 10 năm vừa rồi, Việt Nam đã đẩy mạnh xã hội hóa, tuy nhiên công tác này lại “chưa đồng đều, một số ngành, lĩnh vực, thị trường rất quan tâm nhưng khi làm nhiều lại dẫn đến sự cạnh tranh ko lành mạnh. Trong khi một số lĩnh vực gần sự quan tâm của xã hội nhưng xã hội lại chưa tập trung vào đó”.
Ông Trần Quốc Dũng - Giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp cũng cho hay, hiện nay nước ta đang có 1.582 tổ chức đánh giá sự phù hợp (ĐGSPH) được các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và Tổng cục TCĐLCL cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động ĐGSPH, cũng như có 564 tổ chức đăng ký dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đăng ký và 385 tổ chức được chỉ định. Tuy nhiên, chất lượng các tổ chức này không đồng đều, dịch vụ ĐGSPH có biểu hiện bị “thương mại hóa”, “tổ chức ĐGSPH hoạt động vì doanh thu, lợi nhuận nên có xu hướng ưu tiên đầu tư những lĩnh vực có doanh thu, lợi nhuận tốt dẫn tới có nhiều lĩnh vực đầu tư dàn trải, có những lĩnh vực không được đầu tư. Khi có vấn đề xảy ra thì không có cơ quan trọng tài”, ông cho biết. Bên cạnh đó, cơ chế tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập cũng khó thu hút được nhân lực trình độ cao.
Những định hướng mới
Trước thực tế này, Tổng cục TCĐLCL đã đề ra nhiều định hướng quan trọng trong thời gian tới để dần tháo gỡ các vướng mắc. Trong đó, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng về mặt thể chế pháp luật là sửa đổi hai luật chuyên ngành: Luật Tiêu chuẩn - Quy chuẩn Kỹ thuật và Luật Chất lượng Sản phẩm hàng hóa - hai luật đã ra đời cách đây hơn 15 năm. Bà Nguyễn Thị Mai Hương - Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy cho biết, việc sửa hai luật này không chỉ giúp khắc phục một số bất cập trong thực tế mà còn giúp thể chế hóa, nội luật hóa các cam kết quốc tế, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do (EVFTA, CPTPP, RCEP,…) và tạo khuôn khổ pháp lý cụ thể cho hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng của Việt Nam.
Chẳng hạn, với Luật Tiêu chuẩn - Quy chuẩn Kỹ thuật, Tổng cục có nhiều định hướng mới như xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia; thúc đẩy xã hội hóa trong hoạt động xây dựng; hoàn thiện quy định liên quan đến xây dựng, công bố TCVN, QCVN; hiệu quả hoạt động xây dựng, quản lý tiêu chuẩn cơ sở; tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, áp dụng tiêu chuẩn,... Trong đó, định hướng được bà Mai Hương giới thiệu đầu tiên trong định hướng sửa luật là việc thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng và triển khai đầy đủ các cam kết quốc tế về yêu cầu minh bạch hóa, trong đó có chính sách tham gia vào các hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ tổ chức, cá nhân tham gia là thành viên chính thức của các Ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn Quốc tế. “Tổ chức quốc tế chúng ta tham gia lâu nhất là tổ chức ISO - 43 năm, chúng ta cũng đại diện cho 14 tổ chức khác nhưng việc tham gia các ban kỹ thuật quốc tế hầu như không có. Trước đây cũng có 1-2 người tham gia được vào Tổ chức Năng suất châu Á, nhưng nói chung là rất ít”, ông Hà Minh Hiệp cho biết về hạn chế trong việc hợp tác quốc tế. “Trong ba lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng chúng tôi luôn luôn lấy tiêu chuẩn là cái dẫn dắt, tiêu chuẩn phải đi trước. Tiêu chuẩn mà mình không theo kịp được quốc tế thì tất cả những cái sau mình còn thua nữa khi nó gắn với đầu tư, gắn với con người, năng lực kỹ thuật”.
Bên cạnh đó, Tổng cục cũng xác định công tác thanh tra, kiểm tra đóng vai trò rất quan trọng trong thời gian tới; đồng thời việc tăng cường tiềm lực đầu tư năng lực kỹ thuật của công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng cũng là một yếu tố quan trọng. “Hiện nay, yêu cầu thị trường của mỗi quốc gia hầu như cũng chỉ có thế, nhưng nếu như chúng ta không có quy hoạch, không có định hướng phát triển các tổ chức đánh giá sự phù hợp, các tổ chức hoạt động về dịch vụ thì chúng ta đâu đó đã lãng phí các nguồn lực quốc gia. Nguồn lực ở đây là cả nguồn lực nhà nước và nguồn lực doanh nghiệp. Doanh nghiệp đầu tư nhưng không thực hiện được thì cũng là lãng phí nguồn lực quốc gia”, ông Hà Minh Hiệp cho biết.
Cũng cùng chia sẻ về định hướng này, ông Trần Quốc Dũng kiến nghị, cần hình thành và phát triển các tổ chức công nhận quốc gia, tổ chức ĐGSPH quốc gia, tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn quốc gia. Bên cạnh xã hội hóa dịch vụ TCĐLCL, cần có đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, lãng phí và cần có cơ chế tài chính đặc thù để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực mà khu vực tư không muốn đầu tư và để thu hút nhân lực trình độ cao. Các tổ chức dịch vụ TCĐLCL thuộc Tổng cục nên được tổ chức theo hướng chuyên môn hóa cao, tránh chồng chéo về chức năng. Đồng thời, “cần có cơ sở dữ liệu quốc gia về năng lực đo lường, ĐGSPH; cũng như phát triển cơ chế phân tích, dự báo xu hướng thị trường để định hướng phát triển trong các lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, đo lường, đánh giá sự phù hợp”, ông nói.
“Các lĩnh vực dịch vụ của một quốc gia chính là một năng lực cạnh tranh của các quốc gia, khi ta bị triệt tiêu lĩnh vực dịch vụ thì ta bị người khác chi phối. Nếu ta tham gia các hiệp ước thương mại thế hệ mới mà ta để các lĩnh vực như đo lường, kiểm định, chứng nhận bị người khác kiểm soát toàn bộ thì đến một ngày sản phẩm dịch vụ của chúng ta sẽ không nằm trong quyền kiểm soát của chúng ta nữa. Xét về lâu dài, đấy chính là vấn đề về an ninh kinh tế”, Thứ trưởng Lê Xuân Định nhận định. Bởi vậy, “đây không chỉ là một nhiệm vụ đơn thuần là phục vụ để nâng cao năng lực kỹ thuật mà còn là cả vấn đề an ninh, độc lập tự chủ của chúng ta”.
https://khoahocphattrien.vn/