Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Ngày đăng: 23-03-2021

Xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc - nhìn từ Văn kiện Đại hội XIII

Quan điểm của Đại hội XIII về xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc vừa kế thừa, vừa bổ sung, phát triển những quan điểm mà Đảng ta đã xây dựng trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, thể hiện tập trung ở những nội dung chủ yếu sau:

 Một là, tiếp tục khẳng định tầm quan trọng chiến lược của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Đảng ta đánh giá “toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng”, đồng thời khẳng định: “Nguyên nhân quan trọng nhất là sự đoàn kết, thống nhất, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, có hiệu quả, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp uỷ đảng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII”(1). Riêng trong năm 2020, đất nước ta đã trở thành điểm sáng trong bức tranh toàn cầu khi vừa kiểm soát tốt đại dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Có được kết quả đó là “Do phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, sự tham gia đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân”(2). Từ thực tiễn công cuộc đổi mới, trực tiếp là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Đảng ta đã rút ra bài học phải “phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của đất nước; khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”(3).

Nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc, Đại hội XIII đã tiếp tục khẳng định đây là một quan điểm, chủ trương lớn cần được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nỗ lực củng cố, tăng cường trong chặng đường tiếp theo của cách mạng nước ta. Quan điểm chỉ đạo của Đại hội XIII xác định: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(4).

Hai là, xác định rõ mục tiêu của chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc.

Là một bộ phận trong đường lối chiến lược của Đảng, chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc luôn bám sát và phục vụ mục tiêu chiến lược của Đảng. Tại Đại hội XIII, Đảng ta đã xác định mục tiêu của cách mạng nước ta là “Phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(5). Mục tiêu đó cũng chính là đích đến, là điểm hội tụ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sự đồng nhất giữa mục tiêu cách mạng của Đảng với mục tiêu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cho thấy, Đảng luôn thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời luôn tin tưởng vào ý chí cách mạng của nhân dân, vào sức mạnh của nhân dân, vào sự hòa quyện giữa ý Đảng với lòng dân.

Ba là, xác lập rõ các thành tố của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Quan điểm của Đại hội XIII thể hiện rõ, khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở Việt Nam hiện nay được cấu thành bởi mọi người dân Việt Nam trong tất cả các dân tộc, tôn giáo, các giai cấp, tầng lớp, bộ phận xã hội khác nhau. Mỗi giai cấp, tầng lớp, mỗi bộ phận xã hội đều đóng góp một vai trò nhất định trong việc tạo nên sức mạnh chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đều được Đảng ta trân trọng và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục phát triển quan điểm của Đại hội XII, Đại hội XIII khẳng định tầm quan trọng không thể thay thế của tất cả các giai cấp, tầng lớp xã hội nhưng không xác định vai trò “nền tảng” của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đối với bất kỳ giai cấp, tầng lớp nào. Điều đó không làm giảm đi sự vững chắc, sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không ảnh hưởng đến định hướng, mục tiêu của việc xây dựng khối đại đoàn kết, mà ngược lại còn làm cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc càng thêm bền chắc, không ngừng mở rộng và phát huy được tối đa sức mạnh.

Bốn là, đề ra các chủ trương và giải pháp chủ yếu để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bao gồm:

1) Thực hiện tốt chính sách xã hội, tạo điều kiện cho mọi giai cấp, tầng lớp xã hội phát triển vững mạnh. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc chỉ thực sự vững mạnh khi mỗi thành tố cấu thành nên nó cũng không ngừng được củng cố, phát triển ngày càng lớn mạnh. Đảng chủ trương phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động. Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hoá, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi. Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên, tạo mọi điều kiện để thế hệ trẻ phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hoà cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹNâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Phát huy tính tích cực chính trị - xã hội của cựu chiến binh, cán bộ công an hưu trí trong xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình. Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời đẹp đạo, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hỗ trợ để người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế và đời sống, hội nhập xã hội nước sở tại.

2) Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa gắn với phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Ở nước ta, đại đoàn kết toàn dân tộc phải được xây dựng trên nền tảng dân chủ, bảo đảm và phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân đối với mọi hoạt động của đời sống xã hội. Dân chủ là điều kiện, tiền đề của đại đoàn kết. Do đó, để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát huy dân chủ. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định, trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, để xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc thì cần phải “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội”(6).

Cùng với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, việc tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí cũng được Đảng ta xác định là cơ sở để tạo sự đồng thuận xã hội, sự đồng thuận giữa nhà nước và nhân dân, qua đó tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định sẽ “đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn”, đồng thời “gắn phòng, chống tham nhũng, lãng phí với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(7).

3) Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trước hết, việc xây dựng và phát huy vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc luôn giữ được định hướng chính trị. Sự lãnh đạo của Đảng là “ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Để phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng, Đại hội XIII xác định cần phải “chú trọng đặc biệt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; thường xuyên củng cố, tăng cường đoàn kết trong Đảng và hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm các nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ”(8).

Sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng là điều kiện tiên quyết để Đảng thực sự xứng đáng là hạt nhân đoàn kết của toàn xã hội.

Vai trò quản lý của Nhà nước đối với việc xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là đặc biệt quan trọng. Đảng ta chỉ rõ: “Đảng và Nhà nước ban hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân. Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(9). Do đó, cần thường xuyên quan tâm xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước.

Đối với Mặt trận Tổ quốc, Đảng ta khẳng định: “Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thực hành dân chủ, xây dựng đồng thuận xã hội”(10).

4) Giải quyết tốt các mối quan hệ, thu hẹp những khác biệt giữa các bộ phận xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây vừa là quan điểm chỉ đạo, vừa là chủ trương và giải pháp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở Việt Nam trong tình hình mới. Ở nước ta hiện nay, các mối quan hệ cần tập trung giải quyết để củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là mối quan hệ dân tộc, tôn giáo, mối quan hệ với người Việt Nam ở nước ngoài. Trong quan hệ dân tộc, Đảng xác định rõ luôn “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển” đồng thời “chống kỳ thị dân tộc, dân tộc cực đoan, dân tộc hẹp hòi; nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(11). Trong quan hệ tôn giáo, Đảng nhấn mạnh phải “vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời đẹp đạo, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(12). Đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Đảng ta khẳng định đây là một bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phải “Làm tốt công tác thông tin tình hình trong nước, giúp đồng bào hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc, có đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(13). Việc giải quyết tốt các mối quan hệ này không chỉ trực tiếp góp phần củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mà còn là cơ sở để đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta.

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra những quan điểm, chủ trương toàn diện về xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Văn kiện Đại hội đã thực sự đưa quan điểm của Đảng về vấn đề đặc biệt quan trọng này lên một tầm phát triển mới, ngày càng hoàn thiện hơn. Đây chính là cơ sở để khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta không ngừng được củng cố, trở thành cội nguồn sức mạnh để đất nước ta vươn lên phát triển mạnh mẽ, hoàn thành những mục tiêu mà Đảng ta đã xác định trên con đường phát triển tiếp theo của cách mạng nước ta./.

Đại úy LÃ TRỌNG ĐẠI

Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng

(1) (2) (3) (4) (5) (6) (7) (8) (9) (10) (11) (12) (13) Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 

http://tuyengiao.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 10
Hôm nay: 85
Tổng lượt truy cập: 3.599.904
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!