Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin tức nổi bật

Ngày đăng: 04-11-2022

Thúc đẩy hợp tác viện, trường và doanh nghiệp trong thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ

Ngày 1/11/2022 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế "Thúc đẩy hợp tác viện, trường và doanh nghiệp trong thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ - Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam".

Quang cảnh Hội thảo

Hội thảo nhằm ghi nhận các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Bộ Chính trị, chiến lược và chương trình phát triển KH&CN của Chính phủ và Chỉ thị của Thủ tướng. Ngày 23/9/2022, trong Hội nghị về thị trường khoa học và công nghệ Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định một trong những quan điểm, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển thị trường KH&CN là phải lấy nghiên cứu khoa học làm nền tảng, nhà khoa học là động lực và doanh nghiệp là trung tâm, phù hợp với bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; huy động tối đa nguồn lực từ khu vực tư nhân và quốc tế, đẩy nhanh tốc độ đổi mới sản phẩm và dịch vụ có độ tích hợp cao về công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhanh chóng gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu và chiếm lĩnh thị trường quốc tế.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) ở nước ta là bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Mặc dù đã bước đầu được hình thành và đạt được những kết quả nhất định, song vận hành còn nhiều rào cản, vướng mắc; quan hệ tương tác, hợp tác giữa các chủ thể, nhất là viện, trường và doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Do vậy, phát triển thị trường KH&CN một cách mạnh mẽ là một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo báo cáo của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, thời gian qua, thị trường KH&CN nước ta đã có bước phát triển và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như nguồn cung hàng hoá đã tăng đáng kể, tốc độ tăng giá trị giao dịch bình quân hằng năm đạt 22%. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế, thị trường KH&CN còn trầm lắng, vận hành còn nhiều rào cản, vướng mắc. Hầu hết các viện, trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý và khai thác kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ của đơn vị. Doanh thu mang lại được từ hoạt động khai thác tài sản trí tuệ còn thấp. Về hợp tác viện, trường và doanh nghiệp chủ yếu được thực hiện trong lĩnh vực đào tạo, cung cấp nhân lực và tư vấn chuyển giao công nghệ. Thành lập doanh nghiệp khởi nguồn (spin–off) tại các trường đại học, viện nghiên cứu chưa có quy định hướng dẫn cụ thể. Việc chưa có hướng dẫn chi tiết, hợp lý sử dụng quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp là điểm nghẽn lớn trong việc khuyến khích doanh nghiệp tham gia thị trường KH&CN nói chung và hoạt động thương mại hoá công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ mới, tiên tiến.

Theo ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, cần tập trung xây dựng và triển khai đề án thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hoá, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh theo hướng: Giao quyền sở hữu, quyền sử dụng và trách nhiệm thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ KH&CN; toàn bộ lợi nhuận thu được từ thương mại hoá được phân chia hợp lý giữa tổ chức chủ trì và các nhà khoa học/tác giả kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; viên chức các đơn vị sự nghiệp được phép góp vốn bằng kết quả nghiên cứu/tài sản trí tuệ và tham gia điều hành doanh nghiệp khởi nguồn.

Ngoài ra, doanh nghiệp được quyền sử dụng kinh phí từ Quỹ Phát triển KH&CN của doanh nghiệp theo thông lệ thương mại; tăng mức phân bổ ngân sách Nhà nước dành cho nhiệm vụ thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, coi đó là khoản tài trợ (không hoàn lại) cho tổ chức/cá nhân chủ trì, không phân biệt công lập hay ngoài công lập; tạo cơ chế đột phá cho việc hình thành và phát triển các doanh nghiệp trong các viện nghiên cứu, trường đại học.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm nào trong thời gian tới để thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập; giải pháp để các viện, trường và doanh nghiệp hợp tác mạnh mẽ cùng nhau trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ.

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Văn Tích, Trưởng Ban Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cần cho phép Đại học Quốc gia tổ chức thí điểm mô hình phát triển thị trường KH&CN, trong đó có phát triển nhân lực KH&CN chất lượng cao, đưa các sản phẩm KH&CN vào cuộc sống thông qua triển khai chương trình KH&CN phục vụ thu hút đầu tư, phát triển kinh tế ven biển. Chương trình có sự tham gia của Nhà nước, doanh nghiệp và đại học, từ đó sẽ hình thành hai kết quả quan trọng, đó là: phát triển sản phẩm có khả năng cạnh tranh để xuất khẩu thông qua chuyển giao công nghệ và cơ chế chính sách đối với doanh nghiệp; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, với các tổ chức mới được hình thành như doanh nghiệp trong trường đại học, nhân lực KH&CN theo lĩnh vực, quỹ đầu tư KH&CN từ doanh nghiệp, môi trường ứng dụng KH&CN…

Nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Australia, Trung Quốc, PGS Donald Scott Kemmis - chuyên gia quốc tế - đưa ra một số khuyến nghị như: Cho phép các trường đại học có toàn quyền sở hữu các tài sản trí tuệ được tạo ra bởi nghiên cứu do Nhà nước tài trợ, quản lý một cách thích hợp việc thương mại hóa các tài sản đó và giữ lại doanh thu từ việc thương mại hóa; nhìn nhận lại cách các trường đại học ở Việt Nam có thể bổ sung tốt nhất cho các chương trình của Chính phủ nhằm phát triển năng lực quản lý và công nghệ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ; lồng ghép sự phát triển hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp vào các chương trình nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị và các lĩnh vực công nghiệp chủ chốt…

Từ góc độ doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị xem xét điều chỉnh các quy định về quản lý tài sản công liên quan đến thương mại hóa tài sản trí tuệ để các viện nghiên cứu, trường đại học có thể dễ dàng định giá tài sản trí tuệ, phục vụ cho thương mại hóa; sửa các quy định về quản lý tài sản công để có mức hỗ trợ hợp lý cho các đơn vị, cá nhân sử dụng tài sản trí tuệ công hình thành trong quá trình nghiên cứu nhằm khuyến khích đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào nền kinh tế; đồng thời xem xét điều kiện để tác giả các nghiên cứu tại các trường đại học, viện nghiên cứu có thể tham gia quản lý, điều hành các doanh nghiệp KH&CN…

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 8
Hôm nay: 1494
Tổng lượt truy cập: 4.028.803
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!