Phát triển sản phẩm OCOP trong hợp tác xã
Gạo sạch Triệu Phong được khách hàng tin dùng
Quảng Trị hiện có 311 HTX hoạt động theo Luật HTX 2012 với hơn 95.000 thành viên, trong đó có 295 HTX nông nghiệp. Đa phần các HTX được thành lập theo Luật HTX 2012 trên cơ sở đã có sản phẩm hàng hóa, khoa học công nghệ phát triển, dịch vụ kinh doanh đảm bảo. Các thành viên tích cực tham gia vào hoạt động HTX, vốn góp của thành viên lớn và phù hợp với định hướng phát triển chung của địa phương. Vì vậy một số HTX sau thành lập đã tạo ra sản phẩm hàng hóa có chỗ đứng trên thị trường.
Những năm trở lại đây, nhiều HTX đã xây dựng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP và đã được chứng nhận, góp phần gia tăng giá trị nông sản. Toàn tỉnh hiện có 90 sản phẩm OCOP của 51 chủ thể được công nhận và đánh giá từ 3 - 4 sao, trong đó có 12 HTX là chủ thể sản phẩm. Nhiều sản phẩm OCOP của các HTX đã được phân phối rộng rãi ở thị trường trong và ngoài nước như hồ tiêu đỏ của HTX Hồ tiêu Vĩnh Linh, gạo sạch Triệu Phong của HTX Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong, gạo sạch Hải Lăng của HTX Kim Long, tinh chất dưỡng da cho mẹ của HTX Dược liệu Trường Sơn... Theo thống kê, tổng doanh thu bán sản phẩm của các chủ thể OCOP trong tỉnh đạt hơn 98,7 tỉ đồng/năm.
Đi vào hoạt động hơn hai năm, năm 2021, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hùng Anh ở Khóm 2, thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông có hai sản phẩm là trà thất tiên thảo và trà trinh nữ được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hùng Anh Nguyễn Văn Hùng cho biết, hai sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 22000:2018, được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Bình quân mỗi năm, HTX cung ứng cho thị trường 35 tấn sản phẩm thành phẩm. Các sản phẩm cũng được giới thiệu, bán tại sàn thương mại điện tử lớn trong cả nước như Lazada, Co.opmart, Vinmart, Vỏ Sò (voso.vn), Viettelpost…
“Hiện nay HTX đang quy hoạch vùng nguyên liệu với 25 ha, liên kết với 200 hộ dân để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất. Có thể thấy, các sản phẩm được chứng nhận OCOP chính là điều kiện thuận lợi để khách hàng thêm tin tưởng vào chất lượng sản phẩm, góp phần thúc đẩy việc tiêu thụ trên thị trường, nâng cao giá trị nông sản. Năm 2022, chúng tôi tham gia nâng hạng sao OCOP cho hai sản phẩm trà thất tiên thảo và trà trinh nữ, đồng thời đăng ký dự thi đối với hai sản phẩm trà diệp thảo đan và bột rau sắng”, Giám đốc Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.
Chương trình OCOP được triển khai trong một thời gian ngắn nhưng có thể thấy được hiệu quả tích cực, gia tăng giá trị sản phẩm và lợi nhuận của các chủ thể. Giám đốc HTX Kim Long Nguyễn Hữu Phước cho biết: “Nhờ tham gia Chương trình OCOP mà đến nay việc tiêu thụ sản phẩm của HTX đã có những kết quả tích cực, sản lượng gạo sạch của HTX bán ra trong năm 2021 là hơn 70 tấn với giá cao hơn so với gạo thường cùng loại từ 6.000 - 8.000 đồng/kg, khách hàng đánh giá gạo ngon, nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo, bao bì nhãn mác đẹp. Năm 2022 dự kiến sản lượng thu mua khoảng 60 tấn, chủ yếu là gạo của giống lúa ST 25, chúng tôi đã có thị trường ổn định nên không lo lắng về đầu ra sản phẩm”.
Có thể thấy rằng HTX có nhiều ưu thế để phát triển chương trình như số lượng thành viên đông, tính cộng đồng tốt, nhất là sự hợp tác liên kết trong sản xuất, kinh doanh... phù hợp với mục đích hướng tới của Chương trình OCOP. Tại Kết luận số 168-KL/TU của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về việc tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xác định nhiệm vụ tiếp tục đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả. Xây dựng và nhân rộng mô hình hoạt động hiệu quả của các HTX, các liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy các HTX tham gia Chương trình OCOP.
Việc triển khai chương trình OCOP đã tạo thêm động lực cho các HTX đầu tư phát triển các sản phẩm có lợi thế của mình, từng bước nâng cao chất lượng, quy chuẩn sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn nhiều thị trường khác nhau gắn với việc hình thành và phát triển các hình thức sản xuất nông thôn phù hợp. Đồng thời, việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đã khuyến khích, tạo động lực cho các chủ thể tham gia chương trình khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết và tiêu thụ, mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
Hiệu quả của chương trình đã thấy rõ, các địa phương cũng đã có những chính sách hỗ trợ nhưng đến nay mới chỉ có 12/291 HTX có sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Hầu hết các HTX còn gặp khó khăn về kinh phí đầu tư sản xuất, quy mô sản xuất của HTX còn nhỏ, mang tính thời vụ nên sản phẩm chưa đáp ứng đủ yêu cầu của các đơn hàng lớn.
Mục tiêu thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh năm 2022 là có 4 - 6 HTX nông nghiệp có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Để hoàn thành mục tiêu này, cùng với các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của nhà nước, các HTX cần chủ động phát huy nội lực, liên kết để phát triển sản xuất đồng bộ, quảng bá và xây dựng thành thương hiệu. Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, mã số mã vạch, dán tem truy xuất nguồn gốc... đảm bảo theo quy định.
http://baoquangtri.vn/