Bức tranh về Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2023 và khuyến nghị đối với doanh nghiệp
Với xếp hạng 46/132 về Chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) toàn cầu năm 2023, Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về ĐMST trong thập kỷ qua. Hệ sinh thái ĐMST mở Việt Nam trải qua 1 năm với nhiều mảng sáng tối và để doanh nghiệp có thể tiếp tục tồn tại bền vững, cần ưu tiên thích ứng với xu hướng liên đới từ thế giới, cũng như bảo đảm về tài sản trí tuệ của mình. Đây là nhận định được Báo cáo Hệ sinh thái ĐMST mở Việt Nam 2023 đưa ra.
Một năm không có những con số nổi bật
Năm 2023 tiếp tục là một năm nhiều sóng gió và khó khăn của kinh tế thế giới. Quá nhiều "cơn gió nghịch" đã đẩy kinh tế toàn cầu năm 2023 vào một trong những giai đoạn ảm đạm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2007-2008. Báo cáo Hệ sinh thái ĐMST mở Việt Nam 2023 chỉ ra, tính đến tháng 08/2023, tổng vốn đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp toàn cầu trị giá 187,6 tỷ USD, giảm 46,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trung bình mỗi tháng 23,4 tỷ USD được đầu tư cho startup, sụt giảm rõ rệt so với 37 tỷ USD/tháng của năm 2022.
Tốc độ tăng trưởng kỳ lân cũng đã giảm mạnh, chỉ tăng 8,5% (từ 2022 đến 2023) so với 67% (từ 2021 đến 2022) và 80% (từ 2020 đến 2021). Số lượng kỳ lân mới trung bình hàng tháng của năm 2023 cũng đánh dấu mốc thấp nhất trong vòng hơn 4 năm qua.
Hệ sinh thái khởi nghiệp và ĐMST thế giới không có nhiều con số tăng trưởng nổi bật.
Trong năm 2023, phần mềm và dữ liệu tiếp tục là lĩnh vực được lựa chọn nhiều nhất để các nhà sáng lập thành lập ra các công ty khởi nghiệp mới, chiếm tỷ lệ 31,95%. Các lĩnh vực phổ biến ngay sau lần lượt là Healthtech (12,83%) và Fintech (10,43%). Ngành thương mại điện tử, bán lẻ và công nghệ xã hội và giải trí tỏ ra kém hấp dẫn hơn với startup. Các startup trong 2 lĩnh vực này đã giảm so với năm 2022, từ 9,76% còn 9,47% cho ngành thương mại điện tử và bán lẻ và 10,38% còn 9,74% cho ngành công nghệ xã hội và giải trí.
Năm 2023 cũng đánh dấu sự suy giảm của các hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu, gây ra bởi những sai lầm trong chính sách của những thành phố lớn của từng quốc gia. Ví dụ điển hình nhất là Trung tâm ĐMST San Francisco, đã trở nên tương đối đắt đỏ và thiếu an toàn. London - hệ sinh thái xếp thứ 3 toàn cầu cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng hậu Brexit. Sự phát triển của Bắc Kinh và Thượng Hải trong những năm qua đều bị hạn chế bởi sự cô lập của Trung Quốc khỏi hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu và các chính sách trừng phạt của chính phủ đối với các tập đoàn công nghệ lớn.
Báo cáo Hệ sinh thái ĐMST mở Việt Nam năm 2023 nhận định, công nghệ có quy mô về mặt thị trường tầm nhìn đến 2030 lớn nhất vẫn là Internet vạn vật (IoT), xếp kế tiếp là trí tuệ nhân tạo (AI). Ngoài ra, hydrogen xanh, hay công nghệ xe điện là nhóm có tốc độ tăng trưởng nhanh. Ngoài ra, tài sản vô hình sẽ là nguồn vốn tăng trưởng mới quan trọng mà doanh nghiệp cần chú trọng.
Mảng sáng tối từ hệ sinh thái ĐMST Việt Nam
Báo cáo Hệ sinh thái ĐMST Việt Nam 2023 cho biết, Việt Nam đã có không ít điểm sáng trong bức tranh chủ đạo của hệ sinh thái ĐMST mở. Theo báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Chỉ số ĐMST toàn cầu của Việt Nam tăng 2 bậc so với năm 2022, xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế. Với xếp hạng 46/132 trong Bảng xếp hạng chỉ số ĐMST toàn cầu, Việt Nam đang duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp, xếp sau Ấn Độ. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp sau Singapore (5), Malaysia (36) và Thái Lan (43). Theo WIPO, Việt Nam là một trong 7 quốc gia có thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về ĐMST trong thập kỷ qua và cũng là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp.
Trước bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay, hoạt động đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam tiếp tục chững lại, đánh dấu mức giảm 2 năm liên tiếp kể từ năm 2021. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị các thương vụ giảm 13%, đạt tổng cộng 427 triệu USD. Xu hướng này thể hiện rõ ràng hơn ở mức giảm mạnh 40% trong số lượng thương vụ, chạm mức thấp nhất kể từ năm 2018 với 56 giao dịch được ghi nhận.
Số lượng giao dịch cũng đã giảm đáng kể ở các thương vụ với quy mô gọi vốn nhỏ và trung bình, với mức giảm đáng kể nhất là 50% trong các thương vụ có giá trị dưới 500.000 USD. Số lượng giao dịch trong phạm vi 10-50 triệu USD giảm không đáng kể, vẫn duy trì ở mức cao hơn so với giai đoạn trước năm 2022. Xu hướng này cho thấy sự có mặt ngày càng nhiều của các công ty công nghệ “trưởng thành” trong hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam
Đầu tư vốn cho hoạt động khoa học - công nghệ và ĐMST của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện. Mức đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) so với GDP của Hệ sinh thái Việt Nam vẫn còn thấp và có xu hướng giảm. Năm 2023, con số được ghi nhận về mức đầu tư R&D so với GDP của Việt Nam là 0,4%, thấp hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á, xếp hạng 66 toàn cầu, giảm 7 bậc so với năm ngoái, xếp hạng thấp hơn cả xếp hạng của năm 2021. Trong khi đó, các nước trong cùng khu vực đã có sự gia tăng về nguồn vốn đầu tư vào hoạt động này và nhanh chóng vươn lên trên bảng xếp hạng năm 2023 như: Thái Lan: 1,3% (tăng 4 hạng), Singapore 2,2% (tăng 3 hạng), Malaysia: 1%. Nhìn vào con số này, chúng ta nhận thấy điểm tương đồng giữa việc đầu tư vào R&D của một quốc gia so với mức độ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của quốc gia đó.
Doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều trở ngại khi ĐMST. 75% doanh nghiệp được khảo sát trong báo cáo khẳng định rằng, việc chưa được nhận thức đầy đủ về vai trò của ĐMST mở dẫn đến động lực hiện thực hóa chưa rõ ràng. Trong bối cảnh hệ sinh thái ĐMST năm 2023, các doanh nghiệp Việt Nam cho thấy sự thay đổi về ưu tiên thực hiện ĐMST mở giữa các lĩnh vực hoạt động, cụ thể: lĩnh vực tiếp thị và bán hàng được 73% số doanh nghiệp khảo sát lên kế hoạch thực hiện ĐMST, ở trong tương lai, tăng 48% so với năm 2022, trong khi đó lĩnh vực R&D vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch ĐMST với 51%.
Doanh nghiệp phải tăng đề kháng để thoát khỏi bẫy tăng trưởng âm
Chia sẻ tại Lễ công bố Báo cáo Hệ sinh thái ĐMST mở Việt Nam 2023 diễn ra ngày 11/01/2024, bà Dương Thanh Tâm - Phó Chủ tịch HĐQT Canifa cho biết, mỗi doanh nghiệp sẽ có cách đón một cơn bão khác nhau, hiện Canifa đã lựa chọn đầu tư vào công nghệ và ĐMST để có thể vượt qua cơn bão hoàn hảo của kinh tế thế giới. Chủ nghĩa kinh nghiệm đã lạc hậu và doanh nghiệp cần trải qua giai đoạn tái khởi động và nâng cao năng lực doanh nghiệp liên tục với công nghệ.
Dựa trên các nội dung của báo cáo, các chuyên gia tại buổi Lễ đã thảo luận về việc liệu có một viễn cảnh nào tươi sáng hơn cho doanh nghiệp trong năm 2024. Theo ông Trần Bằng Việt - một trong các chuyên gia cố vấn của Báo cáo năm nay thì có một số điểm mà lãnh đạo có thể thay đổi cách tiếp cận của mình: 1) Không đợi bão tan, tình hình tốt mới đầu tư mà phải đầu tư ĐMST để tăng sức đề kháng cho doanh nghiệp; 2) Doanh nghiệp nên chuyển đổi tư duy trước chuyển đổi số; 3) Đảm bảo yếu tố “tích hợp” và “phù hợp” thì mới mong tạo ra giá trị, hiệu suất và lợi thế cạnh tranh; 4) Sự thông hiểu trong doanh nghiệp giúp khởi tạo một chu kỳ: Thông hiểu - thông cảm sẽ đem lại các giải pháp hiệu quả thông suốt (giữa các cấp và chức năng trong tổ chức), giúp khách hàng tin tưởng và giúp cho nỗ lực kinh doanh thông thoáng; 5) Muốn ra số (doanh số) thì phải có số (dữ liệu hiểu biết khách hàng); dữ liệu là dầu mỏ mới và là nguyên liệu quan trọng giúp doanh nghiệp ĐMST thông minh dựa trên kết nối các giá trị dữ liệu đã có sẵn.
Từ góc nhìn của một đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ, ông Phạm Quang Chiến - Phó TGĐ Citek chia sẻ, hiện nay, doanh nghiệp cần phải linh hoạt hơn trong việc ứng dụng các mô hình kinh doanh cũng như lộ trình ứng dụng công nghệ. Doanh nghiệp Việt Nam cần biết cách tích hợp, linh hoạt hơn khi ứng dụng công nghệ. Công nghệ lõi sẽ là giải pháp giúp doanh nghiệp giải phóng khỏi các áp lục về việc ĐMST nhỏ lẻ, rời rạc giữa các quy chuẩn.
Để giúp nâng cao năng lực ĐMST của doanh nghiệp, năm nay Báo cáo vẫn tiếp tục đưa ra các mô hình ĐMST trong doanh nghiệp điển hình, cách thức các doanh nghiệp tiêu biểu hiện tại đang thực hiện hoạt động ĐMST mở - mở cửa các vấn đề, thách thức trong doanh nghiệp và sẵn sàng kết nối với giải pháp, tài sản trí tuệ từ bên ngoài phạm vi doanh nghiệp. Năm nay, báo cáo đưa vào hơn 10 đề bài từ các doanh nghiệp và tập đoàn lớn tại Việt Nam, nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp từ thị trường giải pháp công nghệ, startup tại Việt Nam, đa dạng như: chuyển đổi số, thương mại điện tử, ESG...
https://vjst.vn/