Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin tức nổi bật

Ngày đăng: 14-11-2022

Hiệu quả việc phân loại rác thải tại nguồn và ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý rác thải hữu cơ thành phân Compost quy mô hộ gia đình

Để xử lý rác thải hữu cơ bảo vệ môi trường sống, trên địa bàn Quảng Trị đã triển khai các mô hình phân loại rác thải tại nguồn và ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý rác thải hữu cơ thành phân Compost quy mô hộ gia đình đem lại những hiệu quả thiết thực. Cùng với sở, ban, ngành như sở Nông nghiệp và PTNT, sở Tài nguyên – Môi trường và các cấp hội, đặc biệt là Hội phụ nữ Quảng Trị, Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin KH&CN đã tiến hành hướng dẫn kỹ thuật, phối hợp tuyên truyền cho người dân về Đề án "Ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị". Qua đó, đã đưa men vi sinh tới hơn một nghìn người ủ rác, thúc đẩy việc người dân hưởng ứng và lan tỏa các mô hình này.

LAN TỎA PHONG TRÀO PHÂN LOẠI RÁC VÀ ỨNG DỤNG CHẾ PHẨM VI SINH XỬ LÍ RÁC THẢI HỮU CƠ TỚI CỘNG ĐỒNG

Trong những tháng trở lại đây, phong trào phân loại rác và “Ủ rác nhà bếp bằng men vi sinh” được các sở ban ngành như Sở Nông nghiệp và PTNT , sở Tài nguyên – Môi trường và các cấp hội, đặc biệt là Hội phụ nữ Quảng Trị tích cực hưởng ứng và lan tỏa. Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin KH&CN đã tiến hành hướng dẫn tỉ mỉ, đồng thời phối hợp tuyên truyền về nội dung Quyết định số 324/QĐ-UBND Quyết định Về việc phê duyệt Đề án "Ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị". Thông qua đó, cung cấp chế phẩm vi sinh đến từng hộ dân ủ rác trên địa bàn tỉnh.

Cấp Chế phẩm vi sinh cho người dân

Đa số mọi người ủ rác đều thành công và tiếp tục lan tỏa thông điệp tới hàng xóm, bạn bè, các hội, nhóm trên nền tảng mạng xã hội. Qua đây, người dân đã có ý thức phân loại rác cao hơn, nhà cửa, sân vườn sạch sẽ, lại có thêm phân bón hữu cơ cho việc trồng cây, rau màu... Đặc biệt, là không còn mùi “đặc trưng” từ các gian bếp tại các khu đô thị như trước đây.

SỰ CẦN THIẾT CỦA PHÂN LOẠI RÁC THẢI

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, trong đó bổ sung thêm quy định về xử phạt cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, có hiệu lực từ 25/8/2022. Phân loại rác thải là việc làm cần thiết, vừa đảm bảo qui định của pháp luật  về bảo vệ môi trường vừa đảm bảo tách rác thải từng loại khác nhau, để có thể dễ dàng vận chuyển, tái chế, qua đó góp phần giảm lượng rác thải cần xử lý, tăng lượng rác thải có thể tái chế. Rác thải là nguồn tài nguyên tái chế để có thể phục vụ cho cuộc sống con người. Vì vậy quy trình phân loại – thu gom – vận chuyển – xử lý cần phải được đầu tư thực hiện. Trong đó mấu chốt vẫn là khâu phân loại rác thải tại nguồn. Giải quyết tốt phân loại rác thì quá trình thu gom cũng như xử lý sẽ được thực hiện triệt để. Đảm bảo nhanh chóng, dễ dàng. Đặc biệt sẽ tiết kiệm rất nhiều trong quá trình vận chuyển và xử lý.

Cán bộ Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin KH&CN Quảng Trị hướng dẫn người dân phân loại rác thải

PHÂN LOẠI RÁC THẢI SINH HOẠT

Rác thải sinh hoạt hiện nay được chia thành 03 loại chính: Rác hữu cơ, Rác tái chế - tái sử dụng và Rác thải còn lại. Trong đó:

Rác hữu cơ:

Là loại rác dễ dàng phân hủy, có khả năng đưa vào sử dụng cùng với các loại chế phẩm vi sinh.  Để sản xuất phân bón hoặc có thể làm thức ăn cho động vật.

Nguồn gốc: là từ các phần bỏ đi của thực phẩm sau khi lấy đi phần sử dụng. Để chế biến thức ăn cho con người, hoặc thực phẩm thừa, hư hỏng không thế sử dụng, các loại lá cây, hoa, cỏ.

Rác tái chế - tái sử dụng:

Có khả năng tái chế thành các sản phẩm có thể sử dụng được nhằm mục đích con người.

Rác tái chế thường là các chất vô cơ như: giấy thải, các loại vỏ hộp chai, lọ, vỏ lon thực phẩm, kim loại. Là các loại rác không thể sử dụng được nữa và cũng không thể tái chế. Mà chỉ còn phương pháp xử lý đó là đốt hoặc chôn lấp.

Nguồn gốc rác vô cơ là các loại vật liệu xây dựng không thể sử dụng được, các loại bao bì, vỏ hộp không thể tái chế. Bên cạnh đó các loại túi ni lông thường được bỏ đi sau quá trình sử dụng như: đựng hộp sữa, thực phẩm, những vật dụng, thiết bị trong nhà.

Rác thải còn lại:

Là các loại rác không thể sử dụng được nữa và cũng không thể tái chế. Thường là các loại rác thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình hoặc chủ nguồn thải như: vật dụng y tế, thiết bị điện tử, pin, ắc quy, bao bì, chai lọ thuốc BVTV... Phương pháp xử lý đối với loại rác này đó là đốt hoặc chôn lấp.

ỨNG DỤNG CHẾ PHẨM VI SINH VẬT ĐỂ XỬ LÝ RÁC THẢI NHÀ BẾP

Ứng dụng chế phẩm vi sinh vật để xử lý rác thải nhà bếp

Hiện nay, lượng rác thải hữu cơ từ các hộ gia đình chiếm đến 80% tổng lượng rác thải bên ngoài môi trường. Đặc biệt, rác thải từ nhà bếp là loại rác thải hữu cơ phát sinh chủ yếu. Nếu chúng ta biết tận dụng nó đặc biệt là sử dụng rác thải hữu cơ để làm phân compost sẽ giúp cho môi trường giảm thiểu được lượng rác thải, hạn chế việc sử dụng phân hóa học, tạo được nguồn phân hữu cơ chủ động.

Phương pháp ủ rác từ mô hình hố ủ di động

1. Chuẩn bị

Nắp đậy hố rác (thùng rác di động, không đáy)

Chai nhựa: 500ml dùng để đựng dung dịch vi sinh đã pha chế. Đục lỗ ở nắp để tiện cho quá trình phun chế phẩm vào hố ủ.

Vi sinh: dùng 2 thìa vi sinh Compo-QTMIC … và 5 thìa đường hoặc mật rỉ đường cho vào tô nước sạch 500ml, hòa tan rồi đổ vào chai nhựa 500ml đã chuẩn bị, lắc đều. Nên dùng nước đun sôi để ấm khoảng 40 - 45oC pha dịch vi sinh.

2. Thực hiện

Bước 1: Tạo hố ủ hoặc thùng ủ (thùng xốp, thùng gỗ, thùng nhựa cũ)

Hố ủ: Đào hố trong vườn, rộng 60x60 cm, sâu 80- 120 cm. Đặt nắp đậy lên miệng hố, chèn gạch hoặc đất quanh miệng hố chống sạt và chống chuột (nếu có).

Làm lớp đệm lót: Chuẩn bị 10-15cm đáy hố bằng lá cây, rau, thức ăn thừa, phun 500-1000ml dịch vi sinh lên để tạo lớp vi sinh đáy.

Đối với hộ gia đình không nhiều đất thì làm thùng ủ rác.
 

Description: https://demo-khcn.quangtri.gov.vn/documents/39955/0/Tri+3.JPG/b09640f5-a4fc-34fb-bc50-71fd5373a039?t=1668392327536

Hình 1: Đào hố và đặt nắp ủ (thùng không đáy)

Bước 2: Xử lý rác hữu

Hàng ngày mang rác hữu cơ (rác thối) ra vườn cho vào hố ủ.

Phun vi sinh trong chai lên bề mặt rác ngay sau khi bỏ rác vào hố (dự kiến 7 ngày dùng hết 1 chai 500ml dịch vi sinh đã pha chế thì xử lý được 10-15kg rác hữu cơ).

Đậy nắp kín tránh ruồi muỗi, chuột bọ

Bước 3: Đổi hố ủ hoặc thay thùng ủ

- Hố ủ đầy, di chuyển nắp ủ sang vị trí hố khác,  lấp đất dày 10-15cm để chôn rác thêm 30 ngày trước khi lấy phân hữu cơ bón vườn.

- Rác trong hố ủ chuyển hoàn toàn thành phân mùn, màu nâu đất, không mùi hôi và giảm thiểu tối đa vi khuẩn Salmonella và E.Coli.

- Nếu không có nhu cầu sử dụng phân bón thì lấp đất lên bề mặt hố và không cần lấy phân ra khỏi hố, tiến hành trồng cây ngay trên hố.

- Đối với sử dụng thùng ủ thì mỗi hộ có 2-3 thùng ủ rác để thay luân phiên

Các lưu ý trong quá trình ủ rác

Vi sinh phải được pha đúng theo hướng dẫn; sau khi đã pha, đào hố đặt chai dịch vi sinh, cố định cạnh thùng ủ để tránh việc quên bỏ vi sinh sau mỗi lần bỏ rác hoặc bị rò rỉ vi sinh ra ngoài qua nắp chai.

Hàng ngày cần ngày kiểm tra hố ủ, kiểm tra tình trạng ruồi, muỗi, mùi để kịp thời xử lý phát sinh. Ví dụ như ruồi muỗi nhiều cần kiểm tra lại nắp đậy, điều chỉnh cho kín, hoặc mùi phát sinh nhiều thì phải tăng cường dịch vi sinh.

Trong quá trình ủ thấy rác khô, cần bổ sung nước, nếu ướt quá phải thêm lá khô hoặc đất bột khô để đạt độ ẩm cần thiết (khoảng 50%) để cho vi sinh vật hoạt động hiệu quả.

Phải luôn giữ thói quen dùng dịch vi sinh sau mỗi lần đưa rác vào hố ủ (35-50 ml cho 1 kg rác)

Tạo thói quen phân loại rác từ chính nhà bếp, rau củ quả, thức ăn thừa… cho riêng vào thùng cuối ngày đem ra hố ủ. Với rác vô cơ như túi nilong, chai lọ được cho vào thùng riêng.

Giun đất tập trung nơi hố ủ nhiều để ăn mùn hữu cơ, khi thu hoạch phân, có thể tận dụng để lấy giun cho gà vịt ăn, tiết kiệm chi phí thức ăn chăn nuôi./.

Lê Ngọc Trí

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 22
Hôm nay: 282
Tổng lượt truy cập: 3.522.659
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!