Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 29-10-2024

Nghiên cứu, xây dựng các mô hình kinh tế chia sẻ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững

Tài nguyên kinh tế, bao gồm sức lao động, cơ sở hạ tầng và hàng hóa, đều có giá trị sử dụng giới hạn theo thời gian. Các loại tài nguyên này, dù là tài sản cá nhân, doanh nghiệp hay nhà nước, đều bị biến đổi và mất giá trị do quy luật tự nhiên và tiến bộ công nghệ. Ví dụ, một chiếc điện thoại dù không sử dụng cũng sẽ bị thay thế bởi các sản phẩm mới hơn. Khai thác tối đa giá trị của tài nguyên trong giai đoạn nhất định là điều cần thiết để phát triển kinh tế bền vững.

Trong bối cảnh hạn chế về nguồn tài nguyên, khái niệm "chia sẻ quyền sở hữu" đã xuất hiện. Các gia đình trước đây đã sử dụng chung giếng nước, nhà vệ sinh hoặc khu vực giải trí. Mô hình chia sẻ tài nguyên đã phát triển hơn với sự hỗ trợ của Internet, hình thành nên khái niệm "kinh tế chia sẻ." Đây là hệ thống mà trong đó tài sản hoặc dịch vụ được dùng chung giữa các cá nhân, thường thông qua nền tảng trực tuyến, với hoặc không có khoản phí.

Kinh tế chia sẻ giúp sử dụng hiệu quả các tài nguyên chưa được sử dụng hết, giảm chi phí và tăng cường tối đa giá trị nguồn lực. Nó cũng có tác động tích cực đến môi trường bằng cách giảm sản xuất và tiêu dùng quá mức. Mô hình này mang lại nhiều lợi ích kinh tế và xã hội, đồng thời hỗ trợ sự phát triển bền vững. Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu của kinh tế chia sẻ, nhưng xu hướng này có tiềm năng lớn để phát triển trong tương lai, góp phần vào chuỗi liên kết và hệ sinh thái doanh nghiệp bền vững.

Như vậy, với tình hình nghiên cứu trên thế giới và tại Việt Nam đã phân tích nêu trên, chúng ta có thể thấy còn một số điểm cần phải nghiên cứu làm rõ nhằm phát huy tối đa lợi ích của mô hình kinh tế chia sẻ đã và đang áp dụng trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tiêu dùng sản phẩm của nền kinh tế, từ đó có các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy và phát triển. Xuất phát từ thực tiễn đó, ThS. Lê Thị Thu Thanh cùng nhóm nghiên cứu tại Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững cũng thực hiện nghiên cứu “Nghiên cứu, xây dựng các mô hình kinh tế chia sẻ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững” với mục tiêu: Nghiên cứu, khảo sát, đánh giá hiện trạng các hoạt động hợp tác, chia sẻ trong sản xuất, thương mại, dịch vụ và tiêu dùng sản phẩm một số ngành hàng thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương; . Nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các mô hình kinh tế chia sẻ trong các ngành, lĩnh vực có tiềm năng; Nghiên cứu, đánh giá nhu cầu và tiềm năng hợp tác phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ hướng tới mục tiêu thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

Đề tài đã nghiên cứu, tổng hợp các khái niệm về mô hình KTCS thực tế đã và đang áp dụng trên thế giới và tại Việt Nam. Trên cơ sở đó cung cấp bức tranh tổng quan về đề tài, tạo cơ sở khoa học để đề tài lựa chọn phương pháp tiếp cận để nghiên cứu một cách khoa học và hiệu quả.

Trên cơ sở điều tra, khảo sát hiện trạng phát triển các mô hình KTCS trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng, Đề tài đã rà soát các mô hình KTCS trong lĩnh vực tiêu dùng, nghiên cứu nhận diện các hoạt động hợp tác, chia sẻ biểu hiện của mô hình KTCS trong lĩnh vực sản xuất đã và đang được áp dụng trong thực tế tại các ngành sản xuất tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, đề tài đã khái quát hóa được 6 loại nguồn lực chủ yếu chưa được sử dụng hoặc không sử dụng hết có thể tham gia vào các mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực sản xuất gồm: i) Mô hình kinh tế chia sẻ năng lực vận chuyển nguyên nhiên liệu; ii) Mô hình kinh tế chia sẻ năng lực khai thác, chế biến nguyên liệu sản xuất; iii) Mô hình kinh tế chia sẻ nguồn lực về khai thác và sử dụng năng lượng; iv) Mô hình kinh tế chia sẻ nguồn lực mặt bằng nhà xưởng; v) Mô hình kinh tế chia sẻ nguồn lực trang thiết bị, dụng cụ, máy móc phục vụ sản xuất; vi) Mô hình kinh tế chia sẻ nguồn lao động và chuyên gia; và 10 mô hình KTCS trong lĩnh vực tiêu dùng đã được hình thành và phát triển gồm: i) Mô hình kinh tế chia sẻ dịch vụ vận tải; ii) Mô hình kinh tế chia sẻ dịch vụ phòng ở; iii) Mô hình kinh tế chia sẻ dịch vụ cung cấp nền tảng kỹ thuật số để mua - bán các sản phẩm, dịch vụ; iv) Mô hình kinh tế chia sẻ năng lực lưu trữ, vận chuyển, phân phối sản phẩm hàng hóa; v) Mô hình kinh tế chia sẻ nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng; vi) Mô hình kinh tế chia sẻ lợi ích từ các hoạt động tiêu dùng bền vững; vii) Mô hình kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu quốc gia của các cơ quan nhà nước; viii) Mô hình kinh tế chia sẻ dạng cho vay ngang hàng; ix) Mô hình chia sẻ thư viện điện tử dùng chung, nguồn học liệu mở, đào tạo từ xa qua mạng; x) Mô hình sử dụng chung các trang thiết bị y tế, chẩn đoán từ xa, chia sẻ trang thiết bị xét nghiệm, phân tích dùng chung.

Trên cơ sở tiếp cận theo mối quan hệ giữa các chủ thể tham gia mô hình KTCS, đề tài đã tổng hợp các mối quan hệ có thể hình thành các mô hình KTCS gồm B2B, B2C, C2C, SC và Hệ sinh thái KTCS tùy theo mức độ hợp tác, chia sẻ các nguồn lực chưa được sử dụng hoặc không sử dụng hết mà xuất hiện các mối quan hệ kinh tế giữa các chủ thể này ở các cấp độ đơn giản (2 chủ thể với nhau) hoặc phức tạp hơn theo chuỗi cung ứng (nội bộ ngành) hoặc hệ sinh thái KTCS (liên kết nhiều ngành, lĩnh vực với nhau). Trên cơ sở đó, đề tài đã lập thành bảng ma trận đánh giá tiềm năng phát triển các mô hình KTCS cho 7 loại nguồn lực lĩnh vực sản xuất và 14 nhóm nguồn lực thuộc lĩnh vực tiêu dùng có thể phát triển thành các mô hình KTCS trong tương lai.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20308/2021) tại Cục Thông tin khoa học và cong nghệ quốc gia.

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 9
Hôm nay: 6084
Tổng lượt truy cập: 3.950.007
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!