Nghiên cứu động lực biến đổi bờ biển và đề xuất giải pháp sử dụng hợp lý tài nguyên vùng ven biển miền Bắc và miền Trung Việt Nam
Bờ biển miền Bắc, miền Trung trải dài hơn 2432 km từ TP. Móng Cái (Quảng Ninh) đến hết đến huyện Hàm Tân (Bình Thuận) với 27 cửa sông lớn đổ ra biển. Dọc theo bờ biển là dải cồn cát kéo dài xen kẹp giữa các cửa sông, bờ biển núi đá. Dải bờ biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận là nơi thu hút rất nhiều các hoạt động phát triển du lịch, kinh tế - xã hội mang tính chiến lược và được xếp vào các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc và miền Trung.
Trong những năm qua hiện tượng biến động bờ biển, cửa sông thường xuyên xảy ra với cường độ và tốc độ khác nhau. Hiện tượng bồi lấp, dịch chuyển các cửa biển tại những thời điểm không mong muốn đã và đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng thoát lũ trên lưu vực, gây ngập lụt vùng hạ lưu và duyên hải, ảnh hưởng tới môi trường biển và hệ sinh thái, làm cản trở giao thông thủy, phát triển nghề cá và nuôi trồng thủy sản trong vùng. Những năm gần đây do chịu tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng, tình hình bão và áp thấp nhiệt đới diễn biến bất thường, ảnh hưởng của khai thác thượng nguồn đã làm dải bờ biển Việt Nam nói chung và dải bờ biển miền Bắc và miền Trung thường xuyên bị biến động mạnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế, xã hội vùng ven biển.
Trước thực trạng này đã có rất nhiều giải pháp chống biến động bờ biển được đưa ra chủ yếu là sửa chữa, nâng cấp các công trình kè bảo vệ bờ đã được xây dựng trước đó; đề xuất đầu tư xây dựng công trình cứng cho các khu vực bị xói lở nghiêm trọng và một số dự án nạo vét chống bồi lấp cửa sông đã và đang được thực hiện. Tuy nhiên, các giải pháp đưa ra chỉ mang tính chất tạm thời, tốn kém, giải quyết vấn đề trước mắt nhưng về lâu dài cần phải có nghiên cứu, đánh giá một cách định lượng, khoa học trên cơ sở xác định rõ nguyên nhân, dự báo quy luật bồi - xói và đề xuất các giải pháp nhằm ổn định bờ biển, cửa sông khu vực nghiên cứu trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Với những lý do nêu trên, nhóm nghiên cứu tại Viện Địa lý Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam do TS. Nguyễn Thanh Hoàn dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu động lực biến đổi bờ biển và đề xuất giải pháp sử dụng hợp lý tài nguyên vùng ven biển miền Bắc và miền Trung Việt Nam” từ năm 2017 đến năm 2021.
Vấn đề biến đổi bờ biển và vấn đề khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên vùng ven biển miền Bắc và miền Trung, Việt Nam được triển khai nghiên cứu một cách bài bản, khoa học, đã sử dụng đồng thời nhiều công cụ, phần mềm hiện đại hỗ trợ và bổ sung cho nhau như bộ phần mềm SWAT, MIKE, DEFLT3D... Các mô hình tính toán đã được thiết lập và kiểm chứng qua các số liệu đo đạc và thu thập gồm các số liệu địa hình, ảnh viễn thám, thủy văn, 46 hải văn,... Nhóm nghiên cứu đề xuất định hướng các giải pháp ổn định bờ biển, khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên ven biển, quản lý tổng hợp đới bờ; đặc biệt các tác giả đã đề xuất giải pháp công trình bảo vệ bờ biển Hải Hậu và công trình chỉnh trị cửa sông Nhật Lệ. Các giải pháp được tính toán và phân tích, đánh giá khá chi tiết bằng các mô hình toán nên chúng có cơ sở khoa học chắc chắn, tin cậy, có thể được xem xét để tham khảo khi triển khai dự án đầu tư công trình phòng chống, khắc phục, giảm thiểu xói lở bờ biển, ổn định cửa sông. Cụ thể như sau:
- Về định hướng đề xuất các giải pháp KHCN phòng chống xói lở bờ biển, ổn định cửa sông và khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận cửa sông dải ven biển từ Quảng Ninh đến đến Bình Thuận, các tác giả đã đề xuất mang tính định hướng các giải pháp KHCN nhằm ổn định cửa sông, bảo vệ bờ biển. Các định hướng chủ đạo được đề xuất áp dụng như các giải pháp phi công trình, giải pháp mềm, giải pháp cứng cho việc bảo vệ bờ biển ở từng khu vực cụ thể đang bị xói lở. Tương tự, các giải pháp ổn định cửa sông cũng được đề xuất dựa trên hiện trạng, quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH của từng cửa sông và đưa ra các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để phục vụ cho việc chỉnh trị các cửa sông từ Quảng Ninh đến Bình Thuận. Ngoài ra, nhiệm vụ đã tham khảo có bổ sung từ một số công trình nghiên cứu trước đây đề đề xuất định hướng giải pháp KHCN phòng chống, khắc phục, giảm thiểu xói lở bờ biển, ổn định cửa sông ở khu vực nghiên cứu cho một số bờ biển, cửa sông điển hình bị xói lở, bồi lấp diễn ra mạnh ở khu vực Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ, cụ thể: bảo vệ bờ biển, ổn định cửa sông cho 14 đoạn bờ biển, 6 cửa sông chính thuộc các tỉnh từ Quảng Bình cho đến Thừa Thiên Huế; cho 29 đoạn bờ biển và 14 cửa sông thuộc các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên.
- Về đề xuất giải pháp bảo vệ bờ biển, ổn định cửa sông và cho 02 khu vực trọng điểm: Hải Hậu, Nam Định và cửa Nhật Lệ, Quảng Bình:
- Đối với bờ biển Hải Hậu, tỉnh Nam Định: Trên cơ sở biến động bờ biển và xác định được nguyên nhân gây ra sạt lở bờ và hư hỏng công trình đê kè biển Hải Hậu, nhóm nghiên cứu đề xuất giải pháp bảo vệ đoạn bờ biển Cồn Tròn - xã Hải Thịnh đang xảy ra hư hỏng đê kè biển với chiều dài 1.400 m là bố trí 07 hệ thống kè mỏ hàn chữ T vuông góc với bờ biển để phá sóng trực diện và dòng ven (giảm áp lực sóng lên tuyến kè - gây bồi). Thông số kỹ thuật của mỗi kè mỏ hàn chữ T là: Khoảng cách từ bờ đến đê (100 m), chiều dài đê chắn sóng (150 m) và khoảng cách giữa các đê chắn sóng (50 m).
- Đối với cửa sông Nhật Lệ, tỉnh Quảng Bình: đề tài đã định hướng quy hoạch tổng thể hệ thống công trình phòng chống xói lở bờ biển, bồi lấp cửa sông Nhật Lệ có xét đến việc kết hợp các công trình khai thác (hệ thống công trình bảo vệ bờ, ổn định cửa sông, khu neo đậu tàu thuyền trú bão...). Trong đó, đề xuất quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thuộc thôn Cửa Phú, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới với quy mô 270 chiếc tầu cá các loại có công suất từ 90 ÷ 300 CV.
Điểm nổi bật là nhóm nghiên cứu đã xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu trên nền WEB-GIS về biến động bờ biển và sử dụng hợp lý tài nguyên vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận, với đầy đủ các lớp thông tin: các bản đồ nền và bản đồ chuyên đề, các dữ liệu điều tra khảo sát chi tiết tại 2 khu vực trọng điểm, các báo cáo khoa học... Tất cả các dữ liệu được lưu trong phần mềm này, giúp người sử dụng thuận tiện cho việc phân tích, trích xuất, lưu trữ để thực hiện nhiệm vụ một cách nhanh và hiệu quả. Ngoài ra, phần mềm này giúp cho người sử dụng dễ dàng truy cập, khai thác, tìm kiếm và cập nhật thông tin, dữ liệu phục vụ cho việc theo dõi quá trình xạt lở - bồi tụ, bồi lấp cửa sông từ Quảng Ninh đến Bình Thuận, đặc biệt là 2 khu vực trọng điểm là khu vực ven biển Hải Hậu, tỉnh Nam Định và cửa Nhật Lệ, tỉnh Quảng Bình một cách liên tục.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20247/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.