Hội nghị Khởi động nhiệm vụ: Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê “Khe Sanh” của tỉnh Quảng Trị.
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Viện Thổ nhưỡng Nông hoá, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; đại diện lãnh đạo Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế, Cục Sở hữu trí tuệ.
Về phía Quảng Trị có đại diện lãnh đạo các Sở: KH&CN, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương; Sở Thông tin và Truyền thông; đại diện lãnh đạo UBND huyện Hướng Hóa; Hội Cà phê Khe Sanh huyện Hướng Hóa và các thành viên của Hội; đại điện Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh cà phê tại Hướng Hoá.
Cà phê có mặt ở vùng đất Hướng Hóa vào đầu thế kỷ XX, trong các đồn điền của người Pháp chủ yếu trồng cà phê mít. Năm 1978, Nông trường Cà phê Khe Sanh trồng thử nghiệm nhiều giống cà phê. Qua quá trình chọn lọc tự nhiên, giống cà phê chè Catimor có đặc tính nổi trội về khả năng thích nghi với môi trường, chống chịu bệnh gỉ sắt, cho năng suất cao và tương đối ổn định, chất lượng tốt. Từ đó đến nay, giống cà phê chè Catimor được tiếp tục mở rộng, hiện đạt 4.421 ha, trở thành giống cà phê cho sản phẩm nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn cả trên thế giới với thương hiệu cà phê “Khe Sanh”. Cùng với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã đưa sản lượng cà phê tăng trưởng hằng năm, năm cao nhất đạt 6.865 tấn .Theo nghiên cứu của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Khe Sanh có địa hình cao, nằm trong vùng khí hậu chuyển tiếp, với nền nhiệt bình quân trong năm tương đối ôn hòa, không quá nóng và lạnh. Cùng quỹ đất bazan lớn, màu mỡ phù hợp với điều kiện sinh thái cây cà phê chè. Sản phẩm cà phê Khe Sanh đã trở thành đặc sản của tỉnh và mới đây Quảng Trị là 1 trong 8 tỉnh được Bộ Nông nghiệp và PTNT chọn để phát triển cà phê đặc sản theo Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Sản phẩm cà phê chè Khe Sanh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể “Khe Sanh”.
Từ những lợi thế của cà phê vùng này, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Khe Sanh của tỉnh Quảng Trị là cần thiết. Cà phê Khe Sanh có chất lượng đặc trưng riêng biệt, có mối liên hệ với điều kiện sinh thái của khu vực sản xuất. Đây chính là cơ sở khoa học để xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cà phê Khe Sanh. Để giúp người sản xuất, kinh doanh sản phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao, đồng thời tăng khả năng nhận biết bảo vệ danh tiếng cho sản phẩm. Nhiệm vụ sẽ thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến sản phẩm cà phê và vùng sản xuất, kinh doanh sản phẩm. Lấy ý kiến về nhu cầu đăng ký, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý. Thống kê số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh cà phê trên địa bàn tỉnh. Phân tích chất lượng sản phẩm cà phê Khe Sanh và các vùng lân cận, các điều kiện tự nhiên và con người liên quan đến tính đặc thù của sản phẩm cà phê Khe Sanh. Xây dựng bản đồ vùng sản xuất cà phê đủ điều kiện đăng ký chỉ dẫn địa lý. Thiết kế biểu tượng địa danh gắn với chỉ dẫn địa lý, thiết kế hệ thống nhận diện chỉ dẫn địa lý. Xây dựng hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý.
Đơn vị thực hiện nhiệm vụ báo cáo tại hội nghị
Sau khi được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý, tiếp tục triển khai thực hiện đăng ký mã số vùng trồng, kiểm soát chất lượng và nguồn gốc sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, đặc biệt là chuỗi giá trị có ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu để phát triển nông nghiệp hiện đại. Tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình xây dựng và phát triển chuỗi giá trị liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ hình thành các liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh với hợp tác xã và người dân. Xây dựng các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cà phê được bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo chuỗi giá trị. Đồng thời phát triển du lịch kết hợp với phát triển nông nghiệp bền vững, tạo được những nét đặc sắc cho khách du lịch có thể trải nghiệm và học hỏi.
Tại Hội nghị với các đại biểu đại diện các Sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan đã tham gia thảo luận về các nội dung như: yêu cầu về nguồn gốc, chất lượng; cần bảo đảm quy trình và tính bền vững của sản phẩm cà phê trong quá trình xây dựng chỉ dẫn địa lý sản phẩm cà phê “Khe Sanh”. Từ đó, chỉ rõ những hạn chế trong việc phát triển thương hiệu cà phê Khe Sanh trong nước cũng như xuất khẩu và biến động giá cả ảnh hưởng đến vấn đề đầu tư chăm sóc của nông dân. Các đại biểu cũng kỳ vọng, sản phẩm cà phê được bảo hộ theo chỉ dẫn địa lý “Khe Sanh”, lúc đó sẽ phát huy giá trị, danh tiếng của sản phẩm trên thị trường; góp phần chống lại sự lạm dụng dấu hiệu nguồn gốc, đảm bảo quyền sử dụng hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện sử dụng chỉ dẫn địa lý; bảo tồn, duy trì và phát triển một sản phẩm đặc sản của địa phương, góp phần thúc đẩy sản xuất cà phê phát triển bền vững./.
Hải Yến