Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong tỉnh

Ngày đăng: 28-06-2021

Khẳng định thế mạnh nông nghiệp hữu cơ

Những mô hình hiệu quả

 

Tháng 9/2019, niềm vui đến với Hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên (HTX NSSCTTN) Triệu Phong khi 11 ha trong tổng số gần 45 ha diện tích sản xuất lúa theo phương pháp canh tác tự nhiên của HTX được Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận chất lượng TQC chứng nhận đạt Tiêu chuẩn Nông nghiệp hữu cơ Quốc gia TCVN 11041-2:2017. Đây là thành quả của một chặng đường gần 5 năm với biết bao gian nan, là kết quả của sự nỗ lực không biết mệt mỏi của người nông dân. Đồng thời, khẳng định chất lượng gạo và quy trình sản xuất theo phương thức canh tác tự nhiên mà HTX đang áp dụng của người nông dân - nói không với hóa chất trong sản xuất nông nghiệp.

 

Giám đốc HTX NSSCTTN Triệu Phong Nguyễn Hữu Đạt cho biết, đến nay HTX đã có hơn 45 ha diện tích sản xuất lúa theo phương pháp canh tác tự nhiên với 11 tổ hợp tác bao gồm 152 hộ trên địa bàn 4 xã Triệu Tài, Triệu Sơn, Triệu Trạch và Triệu Trung. Trong đó có 11 ha đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Đây cũng là sản phẩm gạo đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này ở Quảng Trị nói riêng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ. Với chất lượng đã được khẳng định, hiện nay đầu ra của HTX hết sức ổn định với nhiều đơn hàng lớn như Công ty Vitamart đã đăng ký mua 150 tấn, Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị 100 tấn… với giá bán cao gấp gần 1,5 - 2 lần so với sản xuất thông thường. Sản phẩm gạo của HTX với thương hiệu “Gạo sạch Triệu Phong” cũng đã có chỗ đứng vững chắc trong hệ thống siêu thị Coop.mart, hệ thống các cửa hàng thực phẩm sạch ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khu vực miền Trung với giá từ 24.000 - 30.000 đồng/kg và được người tiêu dùng ưa chuộng.

 

Còn tại xã Gio An, huyện Gio Linh, với mục tiêu hướng các hộ dân trồng tiêu đầu tư phát triển theo hướng bền vững, qua đó góp phần nâng cao giá trị của hạt tiêu trên địa bàn. UBND xã Gio An đã tiến hành vận động và thành lập tổ hợp tác sản xuất tiêu hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế với sự tham gia của 132 hộ dân. Theo đó, quá trình sản xuất các hộ dân sẽ thực hiện theo quy trình quốc tế nghiêm ngặt gồm các tiêu chuẩn như EC 134 (các nguyên tắc canh tác hữu cơ) của Châu Âu; USDA (chứng nhận theo phương pháp sản xuất hữu cơ ogarnic) của Mỹ; JAS (tiêu chuẩn hữu cơ) của Nhật Bản. Theo đánh giá của các hộ tham gia tổ hợp tác, điểm nổi bật của mô hình trồng, canh tác tiêu hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế là vừa bảo vệ môi trường, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, giá cả ổn định. Hiện nay, đã có 62,6 ha hồ tiêu trên địa bàn xã Gio An được tổ chức Union Control EU cấp chứng nhận sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ của châu Âu và Mỹ. Để đảo bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm tiêu sạch, UBND xã Gio An cũng đã tiến hành liên kết với Công ty Organics More tại thành phố Hồ Chí Minh để hợp tác xuất khẩu toàn bộ số hồ tiêu hữu cơ trên địa bàn sang thị trường châu Âu. Chính vì vậy, tiêu sau khi được bà con thu hoạch, chế biến được công ty thu mua tận hộ gia đình với giá cao hơn so với giá thị trường tại cùng thời điểm từ 18.000 - 20.000 đồng/kg.

 

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Hiền thông tin, đến nay toàn tỉnh đã có trên 450 ha diện tích sản xuất hữu cơ và canh tác tự nhiên với các sản phẩm chủ lực gồm lúa, hồ tiêu, cà phê, cây dược liệu, cây ăn quả… và dự kiến tiếp tục mở rộng trong thời gian tới. Ngoài ra, thông qua kết nối, mời gọi, từ năm 2017 đến nay đã liên kết với Công ty TNHH TM Đại Nam - Nhà máy phân bón Ong biển tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với quy mô gần 300 ha/năm và xây dựng thương hiệu Gạo hữu cơ Quảng Trị. Mặc dù mới chỉ có mặt trên thị trường trong thời gian ngắn nhưng thương hiệu Gạo hữu cơ Quảng Trị đã được đưa vào phân phối tại các chuỗi siêu thị lớn trên toàn quốc như 7Eleven, US Mart, Queensland, Farmers Market, Nông sản Việt… và đã được một số thị trường quốc tế quan tâm như Nhật Bản, Hong Kong, Trung Quốc…

 

Theo ông Hiền, khi sản xuất nông nghiệp hữu cơ, người nông dân được hưởng lợi trên cả 3 mặt gồm kinh tế, xã hội và môi trường. Đơn cử như đối với sản xuất lúa hữu cơ, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận bình quân cao hơn so với sản xuất thông thường từ 8 - 20 triệu đồng/ha. Về mặt xã hội, liên kết sản xuất hữu cơ đã thúc đẩy hình thức sản xuất trên cánh đồng lớn, tích tụ ruộng đất, giúp cho việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, đã hình thành các HTX, tổ hợp tác kiểu mới trong liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với doanh nghiệp. Đồng thời, giúp nâng cao nhận thức của người nông dân theo hướng không sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học; tập trung sử dụng phân hữu cơ và phòng trừ sâu bệnh bằng các chế phẩm tự nhiên (gừng, tỏi, ớt...), các chế phẩm sinh học; tạo ra sản phẩm nông sản sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Về mặt môi trường, việc không sử dụng thuốc BVTV hóa học và phân bón vô cơ đã giúp khôi phục, cải tạo và duy trì hệ sinh thái đồng ruộng, bảo vệ độ phì nhiêu của đất, góp phần bảo vệ môi trường.

 

Khuyến khích để phát triển

 

Phải nhìn nhận rằng, để tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, có giá trị từ nông nghiệp hữu cơ cần rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức của người sản xuất. Do đó, để khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, rất cần những chính sách đồng bộ, quyết liệt để hỗ trợ người nông dân, HTX và doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, nông nghiệp hữu cơ nói riêng.

Description: http://www.baoquangtri.vn/Portals/0/userfiles/6/1/9/THUC%20QUYEN%20-%208.JPG

Thu hoạch lúa -Ảnh: L.A

 

Với những ưu điểm như hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng dần được phục hồi đồng thời cung cấp nguồn lương thực sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, đến thời điểm này diện tích sản xuất lúa hữu cơ, lúa canh tác tự nhiên của HTX NSSCTTN Triệu Phong vẫn còn ít, chỉ đạt chưa đầy 45 ha trên tổng số hơn 5.600 ha diện tích sản xuất lúa toàn huyện. Nguyên nhân được lý giải là do HTX gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn; việc quy hoạch, tập trung đất cho sản xuất hữu cơ chưa được triển khai hợp lý; ý thức của người nông dân chưa cao, đôi khi còn tự phát...

 

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng khẳng định, tỉnh Quảng Trị đang tập trung phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực thì vẫn còn những khó khăn, thách thức; đặc biệt là trong khâu chế biến và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm, vấn đề xây dựng thương hiệu vẫn còn hạn chế. Do vậy, để người nông dân gắn bó theo đuổi nền nông nghiệp hữu cơ, tỉnh đã và đang có những chính sách hỗ trợ người dân, HTX và doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, sản xuất hữu cơ nói riêng. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp tham gia liên kết, đầu tư phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc đầu tư hệ thống thiết bị, nhà xưởng sơ chế, bảo quản, chế biến đáp ứng các yêu cầu để được cấp chứng chỉ sản phẩm hữu cơ, VietGAP. Xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường, nâng cao giá trị “đầu ra” cho nông sản hữu cơ Quảng Trị.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cho biết thêm, hiện nay UBND tỉnh đang giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương xây dựng đề án Khuyến khích tích tụ đất đai và đẩy mạnh cơ giới hóa để tổ chức sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030, từ đó tạo điều kiện sản xuất hữu cơ trên địa bàn. Đồng thời, giao Công ty cổ phần Tổng Công ty thương mại Quảng Trị xây dựng đề án Phát triển vùng nguyên liệu lúa VietGAP, lúa hữu cơ theo hình thức liên kết 5 nhà gắn với chế biến, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, năm 2021 - 2022 hoàn thành quy hoạch vùng sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn tỉnh; đầu tư trung tâm sấy lúa với quy mô 200 tấn/ngày và kho chứa lúa khoảng 10.000 tấn/vụ; thành lập sàn giao dịch lúa gạo Quảng Trị. Hợp tác với người dân trồng lúa hữu cơ, VietGAP phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có trên 1.000 ha lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ, trên 3.000 ha lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đến năm 2030 diện tích lúa hữu cơ lên trên 3.000 ha, diện tích lúa VietGAP trên 7.000 ha.

http://www.baoquangtri.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 27
Hôm nay: 4425
Tổng lượt truy cập: 4.068.412
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!