Vùng gò đồi Cam Lộ đang hồi sinh
Vùng gò đồi huyện Cam Lộ có diện tích tự nhiên khoảng 35.000 ha, trong đó đất nông nghiệp khoảng 28.000 ha. Trước đây, sản xuất nông nghiệp huyện Cam Lộ gặp nhiều khó khăn, ruộng vườn khô cháy vì thiếu nước tưới và gió Lào hoành hành. Để khai thác tiềm năng kinh tế vùng gò đồi, huyện Cam Lộ chú trọng huy động các nguồn lực đầu tư, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đặc biệt là hệ thống thủy lợi, nên những năm gần đây sản xuất nông nghiệp của huyện được mùa toàn diện.
Đến nay, trên địa bàn huyện có hai công trình thủy lợi lớn là Đá Mài - Tân Kim, Ba Hồ - Bản Chùa và đập ngăn mặn sông Hiếu được đầu tư xây dựng, góp phần nâng tỉ lệ kiên cố hóa kênh mương nội đồng lên trên 80%, đảm bảo cơ bản nước tưới cho sản xuất vùng lúa. Đối với các loại cây trồng cạn và cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, huyện đã tập trung kêu gọi, huy động nhiều nguồn lực đầu tư nhằm đảm bảo ổn định diện tích tưới trên 1.000 ha, đặc biệt có trên 100 ha được đầu tư hoàn chỉnh hệ thống tưới phun mưa.
Vùng quy hoạch phát triển trang trại, gia trại tập trung đã được ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông, điện, nước cho vùng tập trung quy mô lớn như vùng cánh đồng Chăm, xã Thanh An; vùng nông nghiệp công nghệ cao Cam Vũ, xã Cam Thủy; vùng cây hồ tiêu Mai Lộc, xã Cam Chính; vùng sản xuất nông nghiệp tập trung Vĩnh An, xã Cam Hiếu; vùng Tân Xuân, xã Cam Thành. với diện tích gần 200 ha… Nhờ đó, toàn huyện duy trì diện tích trên 2.800 ha lúa; gần 600 ha lạc; 4.063 ha cao su; 300 ha hồ tiêu; 150 ha cây dược liệu có giá trị kinh tế cao…
Nét nổi bật trong sản xuất nông nghiệp Cam Lộ là đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, khai thác lợi thế so sánh của vùng gò đồi để hình thành trung tâm sản xuất cây dược liệu của tỉnh gắn với xây dựng sản phẩm OCOP chất lượng cao. Toàn huyện đã phát triển 65 ha chè vằng, 15 ha cà gai leo; 3,5 ha an xoa; 60 ha nghệ và gần 10 ha các cây dược liệu khác. Giá trị gia tăng so sánh trên các vùng đất chuyển đổi cao gấp 2-3 lần trồng rừng thuần, cây trồng cũ, mở ra hướng mới khai thác dư địa đất đai, sinh thái vùng gò đồi để phát triển các sản phẩm đặc thù địa phương gắn với thị trường tiêu thụ và liên kết nhiều nhà. Đây là tiền đề quan trọng để huyện Cam Lộ tiếp tục quy hoạch phát triển trở thành trung tâm cây dược liệu của tỉnh với tổng diện tích 500 ha vào năm 2025.
Với quan điểm vườn không chỉ tạo nên những làng quê trù phú, xanh, sạch, đẹp, mà còn tăng thu nhập và góp phần nâng tầm nông thôn mới, huyện Cam Lộ huy động lồng ghép các nguồn lực, tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân cải tạo, xóa vườn tạp, chuyển đổi sang cây trồng phù hợp có hiệu quả đã được khẳng định ở địa phương; hướng dẫn quy hoạch, thiết kế vườn theo tiêu chuẩn vườn mẫu.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành 85 vườn mẫu với các cây trồng khác nhau trên diện tích gần 25 ha. Phong trào xây dựng vườn mẫu đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của mỗi người dân về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn theo hướng kinh tế thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao thu nhập cho gia đình, đồng thời thực hiện tốt việc chỉnh trang nhà ở, bảo vệ môi trường, góp phần quan trọng vào xây dựng xã, thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Từ vùng chiến địa ken dày hố bom, hố pháo và gió Lào khô cháy năm xưa, giờ đây Cam Lộ đã hồi sinh mãnh liệt, vươn lên xây dựng quê hương trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh. Các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của địa phương đều có các nhà máy, cơ sở chế biến trên địa bàn mà không phải địa phương nào cũng có được, như: Nhà máy chế biến mủ cao su, nhà máy chế biến tinh bột sắn, nhà máy sản xuất chế biến nông sản, nhà máy viên nén năng lượng…
Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và đời sống nông dân Cam Lộ có nhiều chuyển biển tích cực. Huyện Cam Lộ phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng nông nghiệp có giá trị gia tăng cao và cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
http://baoquangtri.vn/