Diễn đàn Việt Nam – Nhật Bản: Thêm một cánh cửa vào thế giới công nghệ hạt nhân
Nhiều ứng dụng kỹ thuật hạt nhân đã được bàn luận tại Diễn đàn Việt – Nhật. Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy đưa hệ thống gia tốc xạ trị - xạ phẫu đa năng lượng VERSA HD vào điều trị. Ảnh: Phương Vy/TTXVN
Với những người ở VINATOM thông qua các đồng nghiệp Nhật Bản, không gian học thuật này là một trong số các cánh cửa dẫn họ vào thế giới công nghệ hạt nhân, và hơn thế, góp phần gìn giữ sự gắn kết với nghề.
Nếu là người ngoài cuộc, thật khó tưởng tượng được những tiêu chuẩn nghiêm ngặt và sự cẩn trọng luôn ở mức cao của ngành hạt nhân. Bởi yêu cầu về năng lực trong ngành hạt nhân mang tính chất khác biệt so với những lĩnh vực khác, đặc biệt để có được những chuyên gia, thời gian phải tính bằng hàng thập kỷ. Đó là mẫu số chung đối với ngành hạt nhân ở khắp mọi nơi trên thế giới, không riêng gì Việt Nam. Trong bối cảnh số lượng người làm hạt nhân chưa nhiều thì “Diễn đàn Việt Nam – Nhật Bản là một cơ hội quý để góp phần xây dựng năng lực cho đội ngũ cán bộ của Viện thông qua việc học hỏi thêm những vấn đề mà mình còn chưa rõ liên quan đến công nghệ hạt nhân cũng như tự đánh giá năng lực của chính mình”, TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng VINATOM cho biết như vậy khi đề cập đến một diễn đàn đã tồn tại chín năm với 12 lần tổ chức.
Xây dựng năng lực hạt nhân
Không “trống rong cờ mở” như nhiều kênh hợp tác KH&CN khác, Diễn đàn Việt Nam – Nhật Bản bắt nguồn từ nhu cầu thực sự giữa những người làm hạt nhân ở cả hai quốc gia. “Vào năm 2013, khi Việt Nam đang trong quá trình triển khai kế hoạch xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận, rất nhiều đoàn làm việc của Nhật Bản sang Việt Nam trao đổi về công nghệ hạt nhân”, TS. Trần Chí Thành nhớ lại. “Trong số nhiều đoàn của các trường đại học Nhật Bản qua đây gặp gỡ, giáo sư Masaki Saito (Viện Công nghệ Tokyo) có đề nghị với Viện là nên tổ chức một không gian trao đổi về nguồn nhân lực công nghệ hạt nhân”.
Có lẽ, vào thời điểm ban đầu, giáo sư Masaki Saito cũng chưa mường tượng ra rõ ràng một hình dung tổng thể về nguồn nhân lực hạt nhân của Việt Nam nói chung cũng như đội ngũ chuyên gia nói riêng nhưng với kinh nghiệm của mình, ông biết một quốc gia mới bắt đầu phát triển điện hạt nhân cần những năng lực gì. Đó là lý do để ông nghĩ đến việc xúc tiến một cơ hội tổ chức các cuộc trao đổi học thuật định kỳ mà trách nhiệm về phía mình là mời chuyên gia làm việc ở các trường đại học, các viện nghiên cứu về công nghệ hạt nhân sang Việt Nam với kinh phí đi lại, ăn ở do Chính phủ Nhật Bản đài thọ. “Về phía Việt Nam, mình đề xuất các chủ đề trong từng diễn đàn, bố trí địa điểm tổ chức”, TS. Trần Chí Thành cho biết.
Việc tổ chức các cuộc hội thảo quy mô nhỏ giữa những người làm công nghệ hạt nhân hai quốc gia theo cách như vậy sẽ không hoàn toàn tốn kém, đặc biệt về phía VINATOM. “Mình không mất nhiều tiền lắm nhưng lại được rất nhiều, khi tổ chức được một diễn đàn mang tính chất quốc tế như vậy”, anh nhận xét. Mặc dù VINATOM cũng có nhiều kênh hợp tác với nhiều quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế nhưng với một diễn đàn xuất phát từ nhu cầu nội tại mong muốn học hỏi của Việt Nam với những nền công nghệ hạt nhân tiên tiến, “nó thiên về học thuật, trao đổi thông tin và thúc đẩy đào tạo giữa các trường ĐH của Nhật Bản với VINATOM và một số đơn vị liên quan”, anh nói.
Việc mở một diễn đàn học thuật với một quốc gia như Nhật Bản đem lại nhiều lợi ích cho VINATOM. Nếu xét trên bình diện công nghệ hạt nhân toàn cầu, Nhật Bản được xếp vào nhóm thứ hai gồm các quốc gia đã được chuyển giao công nghệ thông qua quá trình nội địa hóa như Pháp, Đức, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc… (nhóm quốc gia dẫn đầu là Nga, Mỹ, Anh… nghiên cứu và phát triển công nghệ gốc). Theo thông tin từ trang world-nuclear.org của Tổ chức Hạt nhân thế giới (WNA), kể từ khi khởi động chương trình nghiên cứu hạt nhân vào năm 1954, tới giữa năm 1966, Nhật Bản đã bắt đầu vận hành lò phản ứng ở quy mô thương mại đầu tiên. Những kinh nghiệm quý báu mà Nhật Bản thu được trong quá trình nghiên cứu, phát triển và vận hành các nhà máy điện hạt nhân rất có giá trị với Việt Nam. Do đó, ngay từ bước khởi đầu, VINATOM đã nghĩ đến hiệu quả mà một diễn đàn như vậy mang lại.
Tuy nhiên, trong học thuật, một kênh trao đổi chỉ thực sự hiệu quả khi cả hai bên đều cùng đóng cả vai trò “cho và nhận”. Rõ ràng, với quốc gia mới bước vào phát triển hạt nhân như Việt Nam, thật khó để các nhà nghiên cứu có thể ở thế ngang hàng “cho và nhận” với các đồng nghiệp Nhật Bản. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Việt Nam không chỉ có một số chuyên gia được đào tạo từ nước ngoài mà còn có một quan điểm nghiêm túc về học thuật. “Không đặt yêu cầu chặt chẽ như các hội thảo quốc tế lớn khác, ví dụ Hội nghị KH&CN Việt Nam (VINANST) mà Viện tổ chức hai năm một lần, nhưng Diễn đàn Việt Nam – Nhật Bản cũng phải đòi hỏi người tham gia phải đáp ứng được một số tiêu chí nhất định, trong đó tất cả các bài trình bày hay poster dán bảng đều được chuyên gia của cả hai bên bình duyệt trước”, TS. Trần Chí Thành nói. Mỗi kỳ diễn đàn đều theo một chủ đề nhất định, “có những chủ đề họ có lợi thế kinh nghiệm nhưng cũng có một số chủ đề hai bên ở thế ngang bằng nhau”, anh nhận xét. Đó là lý do vì sao sau lần tổ chức đầu tiên, Công ty Phát triển Năng lượng hạt nhân quốc tế JINED, một liên doanh gồm các công ty điện lực và các hãng công nghiệp Nhật Bản, cũng tham gia vào diễn đàn này.
Việc duy trì một kênh trao đổi thông tin cởi mở - “có chủ đề tưởng chừng ‘nhạy cảm’ như tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima 2011 và những vấn đề hậu Fukushima cũng được chuyên gia Nhật Bản trình bày khá thoải mái và đầy đủ, thậm chí năm nào cũng có ít nhất một bài về hiện trạng và các vấn đề liên quan đến Fukushima” như chia sẻ của TS. Trần Chí Thành – đã đem lại rất nhiều hiểu biết cho Việt Nam. “Ngay cả ở thời điểm hiện tại, các nhà nghiên cứu Việt Nam có thể tham khảo rất nhiều nguồn tài liệu qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có các tạp chí quốc tế, thì diễn đàn vẫn mang một giá trị quan trọng. Bởi nó đem lại thông tin mang tính định hướng và tầm bao quát. Nếu mình tự tìm hiểu thông tin khoa học thì có thể sẽ còn băn khoăn trước việc xác định hướng đi, trong khi ở đây, họ giúp chúng ta có cơ hội đi nhanh hơn rất nhiều”, TS. Nguyễn Hào Quang (VINATOM) đánh giá.
Duy trì sự gắn bó với nghề
Một diễn đàn học thuật rút cục không chỉ đem lại “tầm nhìn và kỹ năng cho những người tham gia cũng như xác định vị trí của mình trong tiến trình phát triển KH&CN hạt nhân” như TS. Trần Chí Thành trao đổi, mà còn dẫn đến những lợi ích khác. Với trường hợp của VINATOM, nó liên quan đến một câu chuyện dài có điểm nút là quyết định tạm dừng phát triển điện hạt nhân vào cuối năm 2016. Khi kế hoạch bỏ ngỏ, chính sách đầu tư cho ngành hạt nhân thay đổi hoàn toàn khiến nhiều người quyết định chia tay ngành để chuyển hướng làm việc ở một lĩnh vực khác. Do đó, số lượng chuyên gia hạt nhân đã ít ngày càng mỏng hơn.
Việc để mất đi những người mà phải đòi hỏi rất nhiều thời gian mới đào tạo được và cũng mất rất nhiều thời gian nữa để tích lũy năng lực là một thất bại về chính sách. Nhưng đây là một xu thế không thể cưỡng lại, dù những người trong cuộc đều nhìn ra. “Muốn giữ được người ở lại với ngành cần phải có chính sách ưu đãi và cơ chế bồi dưỡng, khuyến khích và khai thác tiềm năng của họ”, TS. Trần Chí Thành trao đổi từ nhiều năm trước như vậy. Năng lượng nguyên tử nói chung và công nghệ hạt nhân nói riêng cần có những chính sách ưu đãi riêng biệt “bởi nó là vấn đề mang tầm cỡ tiềm năng và tiềm lực KH&CN của một quốc gia”, PGS. TS Phạm Đức Khuê, Viện trưởng Viện KH&KT hạt nhân (VINATOM), từng nhấn mạnh trong khuôn khổ Hội nghị KH&CN hạt nhân Việt Nam 2021.
Ngay cả khi kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận dừng lại thì VINATOM vẫn cố gắng giữ cho mình năng lực về công nghệ hạt nhân, đặc biệt là duy trì và đào tạo đội ngũ cán bộ. Hiện tại, VINATOM duy trì được ba nhóm nghiên cứu: thiết kế lò phản ứng nghiên cứu ở Viện hạt nhân Đà Lạt, tính toán an toàn hạt nhân ở Trung tâm Hạt nhân TP.HCM và vật lý lò phản ứng, tính toán thủy nhiệt ở Viện KH&CN hạt nhân. “Có rất nhiều vấn đề thời sự của ngành hạt nhân cần đến họ, trong đó có những bài toán rất khó không thể giải quyết trong vòng một hai năm mà phải cả chục năm và phải chia thành nhiều giai đoạn như tìm hiểu về thiết kế lò phản ứng hạt nhân nổi (FNPP) chẳng hạn”, TS. Trần Chí Thành nói.
Câu chuyện của ngành hạt nhân, khi đặt trong bối cảnh nền khoa học ở một quốc gia mới hội nhập như Việt Nam, lại thêm màu khó khăn. Do kinh phí đầu tư cho khoa học nói chung vẫn còn hạn chế và nhiều chính sách dành cho khoa học khác vẫn còn tương đối lạc hậu với thời cuộc, những người làm hạt nhân cảm thấy mình rơi vào cảnh “thiệt đơn, thiệt kép”, không có đủ điều kiện khuyến khích nghiên cứu. Đơn cử như chuyện dự hội nghị quốc tế “Mặc dù tham gia hội nghị và công bố trên tạp chí quốc tế là hai việc không thể thiếu trong khoa học nhưng Việt Nam có một điểm yếu trong cơ chế tài chính là trong kinh phí làm khoa học không có phần dành cho nhà nghiên cứu dự hội nghị quốc tế”, TS. Trần Chí Thành lý giải. “Chúng tôi gần như không có cách nào có được kinh phí cử cán bộ của Viện đi nước ngoài dự các hội nghị quốc tế. Thật cảm ơn những người bạn Nhật Bản, nên Diễn đàn mà họ gợi mở là cơ hội tốt để chúng tôi được trao đổi với đồng nghiệp quốc tế”.
Một kênh học thuật, một nơi có thể gặp gỡ và trao đổi các vấn đề chuyên môn sâu với các chuyên gia Nhật Bản, do đó, không chỉ tạo điều kiện cho các cán bộ hạt nhân cập nhật những kiến thức mới ngay trên “sân nhà” mà còn giúp và khuyến khích, động viên họ gắn bó thêm với nghề, trong bối cảnh không mấy thuận lợi. “Về mặt kiến thức thì với việc tham gia hội nghị quy mô nhỏ như vậy vẫn phải chuẩn bị kỹ vì ngay cả viết báo cáo hội nghị cũng phải đáp ứng một số yêu cầu nhất định để được chấp nhận. Hơn nữa, những người có mặt cũng có những ý tưởng nào đó, khi họ quan tâm đến phần trình bày của mình có thể sẽ đặt câu hỏi. Thông qua quá trình tương tác với họ, mình sẽ tiếp nhận được những ý tưởng mới và có thể giúp gợi mở rất nhiều. Điều này rất tốt và cần thiết cho người làm khoa học”, TS. Trần Chí Thành cho biết.
Trong câu chuyện với những người làm hạt nhân, đâu đâu cũng thấy mong muốn tạo dựng được một môi trường làm khoa học thuận lợi để mọi người có thể an tâm làm việc và nâng cao năng lực của mình. “Việc áp dụng và tuân theo các chuẩn mực quốc tế không quá khó, miễn là chúng ta tôn trọng nó và có cơ chế tạo điều kiện để những người làm nghiên cứu thực hiện”, anh day dứt nói. Có lẽ, với đà này, thật khó để đạt được ước mơ VINATOM phải có được những chuyên gia ở mặt tiền khoa học quốc tế của giáo sư Phạm Duy Hiển.
Khi chưa có một cơ chế đủ tốt để tạo ra một môi trường làm khoa học theo chuẩn mực quốc tế và có được những người giỏi ở tầm quốc tế, việc duy trì một nơi trao đổi học thuật như Diễn đàn Việt Nam - Nhật Bản cũng có ý nghĩa với VINATOM, cho dù những người làm ở đây không hoàn toàn cảm thấy lạc quan khi nhìn về tương lai. Có những điều nằm ngoài tầm với của họ...
Nếu ai đó cho rằng, những bước thăng trầm của một lĩnh vực như một đợt thử lửa, đủ sức sàng lọc lấy những người tốt nhất thì đã nhầm lẫn. Không có một mắt sàng nào đủ tinh tế và kiên nhẫn để giữ lại được những người giỏi nhất trong khi những chuyên gia gắn bó với ngành rồi sẽ đến tuổi nghỉ ngơi. Đó là một quá trình đầy rủi ro với phần lỗ tính theo hàm mũ ở tương lai, bởi xét cho cùng, thật khó để vực lại một ngành, một lĩnh vực từ số âm.
Các kỳ tổ chức Diễn đàn Việt Nam - Nhật Bản thường được tổ chức hai lần một năm. Các chủ đề của Diễn đàn đều do Việt Nam đề xuất, bao gồm: An toàn hạt nhân, truyền nhiệt và thủy nhiệt hạt nhân (2013), Nghiên cứu KH&CN vật liệu trong nhà máy điện hạt nhân; Thiết kế, xây dựng, vận hành và khai thác sử dụng lò phản ứng nghiên cứu, Vai trò của lò phản ứng nghiên cứu đối với chương trình phát triển điện hạt nhân của quốc gia (2014); Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho ngành NLNT, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia cho chương trình điện hạt nhân; Những công nghệ hiện đại và các hướng nghiên cứu liên quan đến kiểm tra và đánh giá không phá hủy đối với các cấu trúc và cấu kiện trong các nhà máy điện hạt nhân (2015); Hướng nghiên cứu và Công nghệ mới về Điện tử hạt nhân, Đo lường & Điều khiển trong nhà máy điện hạt nhân và các ứng dụng bức xạ tại Việt Nam; Đào tạo nguồn lực cho dự án điện hạt nhân ở Việt Nam; Thực trạng của quá trình khắc phục và tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân Fukushima; Hiện trạng, quá trình xây dựng khung pháp quy hạt nhân và quá trình đào tạo cán bộ pháp quy ở Việt Nam (2016), Ứng phó sự cố hạt nhân và phát triển nguồn nhân lực công nghệ hạt nhân (2017); Hiện trạng, xu hướng và thiết kế lò phản ứng nghiên cứu (2018); Y học bức xạ và thông tin phát triển nguồn nhân lực (2019); Xu hướng và các vấn đề nghiên cứu và phát triển liên quan đến các nhà máy điện, tình trạng và sự phát triển của các lò phản ứng hạt nhân vừa và nhỏ trên thế giới (2021); Phát triển điện hạt nhân sau Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu COP26 (2022).
https://khoahocphattrien.vn/