Ưu tiên ứng dụng công nghệ nền trong ngành điện tử tập trung
Tạo ra nhiều dòng sản phẩm mới
Trong giai đoạn từ 2016-2020, số lượng các đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ Công Thương lĩnh vực điện tử - tự động hóa có 53 nhiệm vụ bao gồm các lĩnh vực như: chiến lược chính sách, ứng dụng IoT trong công nghiệp, chế tạo robot, xây dựng các phép đo lường, điều khiển, tích hợp hệ thống…
Các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp Bộ Công Thương đã phần nào bám sát các xu hướng nghiên cứu chung về ngành điện tử trên thế giới. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã từng bước thực hiện theo chuỗi các nhiệm vụ nhằm giải quyết được các bài toán lớn, đòi hỏi phải thực hiện trong các năm.
Kết quả của nhiệm vụ đa số có thể ứng dụng ngay, tạo ra các sản phẩm khoa học và công nghệ có đóng góp tích cực cho xã hội. Thông qua các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã từng bước hỗ trợ cho các đơn vị trong Bộ Công Thương định hướng, xây dựng và tạo các sản phẩm chủ lực cho đơn vị.
Một số nhiệm vụ mang tính ứng dụng trong công nghiệp, dưới sự hỗ trợ từ hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ đã giúp tạo nên các dòng sản phẩm mới cho các đơn vị, tạo nguồn thu ổn định.
Điển hình phải kể đến là Dự án sản xuất thử nghiệm “Hoàn thiện thiết kế, công nghệ chế tạo hệ thống thông tin phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn và ứng cứu sự cố trong hầm lò” của Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa thực hiện năm 2017. Đây là một nhiệm vụ trong số chùm các nhiệm vụ liên quan đến “Hệ thống điều khiển tích hợp dùng trong khai thác than hầm lò”.
Việc ứng dụng Hệ thống điều khiển tích hợp đã giúp cho các đơn vị nâng cao được chất lượng trong công tác quản lý và điều hành chung của toàn mỏ, giảm được đáng kể số lượng công nhân lao động trực tiếp, giảm được một số khâu trung gian trước đây phải làm thủ công bằng tay, thông tin được liên tuc cập nhật kịp thời và nhanh chóng và hơn hết đó là công tác an toàn được cải thiện đáng kể.
Một chùm nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ liên quan đến nghiên cứu, tích hợp hệ thống cũng đã được Công ty Cổ phần Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp triển khai thực hiện rất thành công. Đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo máy đóng gói tự động trà dược thảo túi lọc phục vụ xuất khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn EU” và “Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nghiền cao dược khô, công suất đến 400 kg/h, dùng để bào chế thuốc đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế trong ngành dược” là hai trong nhóm các nhiệm vụ thuộc Chương trình KH&CN Tây Bắc của Công ty Cổ phần Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp.
Ưu tiên nghiên cứu phát triển các công nghệ nền
Trong giai đoạn tới, hoạt động nghiên cứu KH&CN của Bộ Công Thương tập trung bám sát sự phát triển chung của ngành công nghiệp điện tử thế giới, theo hướng ưu tiên các công nghệ nền, còn đối với các ứng dụng theo ngành sẽ theo từng lĩnh vực.
Cụ thể: Công nghệ ưu tiên nghiên cứu phát triển: Các công nghệ nền, công nghệ cơ sở của cách mạng công nghiệp 4.0: IoT, AI, Big data, Robotics, Machine vision; Deep learning, ….; Các công nghệ đo lường hiện đại: Đo bằng quang học, Laser, Hồng ngoại, Radar, Siêu âm; Phương pháp đo tiếp xúc, đo không phá hủy; Các công nghệ xây dựng hệ thống đo lường, điều khiển thông minh; Các công nghệ truyền thông tiên tiến; Công nghệ điện tử công suất và hệ thống nhúng; Nhà máy điện tử thông minh.
Về định hướng ứng dụng các ngành thực hiện chú trọng lĩnh vực công nghiệp; lĩnh vực Nông nghiệp công nghệ cao; Lĩnh vực Robot Vision; Lĩnh vực CNTT; Lĩnh vực trang thiết bị y tế…
https://khcncongthuong.vn/