Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 08-02-2023

Xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia nhằm phục vụ tốt hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội

Việc xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Cụ thể, hoạt động tiêu chuẩn hóa cần đổi mới, xác định con đường mới để phục vụ tốt hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, đồng thời giải quyết hàng loạt thách thức phải đối mặt như đại dịch Covid-19, suy thoái tài nguyên...

Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 15 Hiệp định đã và đang thực hiện, ngoài ra, còn 2 Hiệp định nữa chưa hoàn tất đàm phán, chưa ký, chưa thực hiện. Nói như vậy để thấy Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, với biên độ mở trên 200%. Việc tham gia các FTA mang đến nhiều lợi thế về mở rộng thị trường, giao thương, xuất khẩu hàng hoá.

Tuy nhiên, song song với đó doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, các giao dịch quốc tế về hàng hoá và dịch vụ đang mở rộng, việc sử dụng tiêu chuẩn quốc tế (ISO, IEC…) nhằm loại bỏ rào cản kỹ thuật đối với thương mại quốc tế được Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đặc biệt quan tâm và là yêu cầu tối thiểu đối với hàng hóa của các nước khi thâm nhập vào thị trường toàn cầu.

Vì vậy các quốc gia cần đặt ra tầm nhìn chiến lược trong phát triển tiêu chuẩn để hỗ trợ khả năng cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, cải thiện sức khỏe và an toàn của quốc gia mình, cũng như tăng cường thương mại toàn cầu, đưa ra các định hướng phát triển, đồng thời tham gia vào quá trình phát triển các tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, việc Việt Nam xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia là vô cùng cần thiết.

Chia sẻ với phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn), ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, triển khai Nghị quyết 13-NQ/TW của Đảng, trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia rất sâu rộng vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới song phương và đa phương, Chính phủ đã xây dựng các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Thực tế trên đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động tiêu chuẩn hóa.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Ảnh: Vân Trương.

“Theo đó, hoạt động này cần đổi mới, xác định con đường mới để phục vụ tốt hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, đồng thời giải quyết hàng loạt thách thức phải đối mặt như đại dịch Covid-19, suy thoái tài nguyên… Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có cách thức để kịp thời định hướng cộng đồng doanh nghiệp, xã hội ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, các vấn đề nâng cao chất lượng cuộc sống. Chiến lược tiêu chuẩn hóa cũng sẽ góp phần thúc đẩy việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam”, ông Nguyễn Hoàng Linh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động xây dựng tiêu chuẩn của Việt Nam thời gian qua chưa được hoạch định và thực hiện một cách tổng thể đủ tầm chiến lược; hoạt động tiêu chuẩn chưa phát huy được tính dẫn dắt, chủ đạo trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội do phần lớn việc xây dựng tiêu chuẩn căn cứ theo nhu cầu thực tại.

Các bộ ngành hiện xây dựng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) theo kiểu thiếu đâu bù đó, hoặc nếu có yêu cầu của Chính phủ thì đưa vào kế hoạch xây dựng TCVN. Vì vậy, dẫn đến tình trạng có một số bộ, kế hoạch xây dựng TCVN bổ sung còn nhiều hơn kế hoạch TCVN hằng năm và đôi khi vẫn còn chồng chéo, trùng đối tượng tiêu chuẩn. Trong khi đó, các Nghị quyết, Quyết định gần đây của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đều nêu rõ là mục tiêu, định hướng của các ngành, lĩnh vực phải phù hợp với quy định của các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, công nghiệp 4.0...

Theo kinh nghiệm quốc tế, các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế như Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC), Liên minh viễn thông quốc tế (ITU), Ủy ban Tiêu chuẩn Châu Âu CEN/CENELIC hoặc các quốc gia như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc… thì việc ban hành chiến lược tiêu chuẩn hóa sẽ xác định rõ các nguyên tắc, định hướng cơ bản, thiết lập chương trình hành động tổng thể, phát triển hệ thống tiêu chuẩn trung và dài hạn trên phạm vi toàn cầu hoặc quốc gia.

Do vậy, để xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia là nền tảng mang tính chủ đạo, định hướng phát triển lĩnh vực tiêu chuẩn, đảm bảo hoạt động tiêu chuẩn thể hiện tầm nhìn, kế hoạch tổng thể rõ ràng, xuyên suốt, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững, tuân thủ cam kết hội nhập quốc tế, phù hợp xu thế phát triển tiêu chuẩn quốc tế và các nước tiên tiến trong khu vực thì Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia phải đáp ứng những nội dung sau:

Thứ nhất, Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia được xây dựng dựa trên nguyên tắc thống nhất, đơn giản, hài hòa, tối ưu hóa, tự nguyện và chia sẻ; đưa hoạt động tiêu chuẩn hóa trở thành động lực quan trọng, có vai trò dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI), nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, năng lực đổi mới sáng tạo của quốc gia trong tiến trình hội nhập quốc tế.
 

 Thử nghiệm viên tiến hành thao tác phân tích mẫu. Ảnh: QUATEST 3.

Thứ hai, tập trung hoàn thiện thể chế và chính sách pháp luật về tiêu chuẩn, tạo hành lang pháp lý để bảo đảm hoạt động tiêu chuẩn hóa của Việt Nam phù hợp với yêu cầu trong nước, đồng thời đáp ứng yêu cầu của các tổ chức, diễn đàn tiêu chuẩn hóa khu vực và quốc tế, với các hiệp định thương mại thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên.

Thứ ba, Chính phủ và thị trường sẽ là hai chủ thể chính thúc đẩy chiến lược tiêu chuẩn hóa; việc áp dụng tiêu chuẩn sẽ được chuyển đổi từ việc tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp và thương mại sang toàn bộ nền kinh tế và xã hội; công tác tiêu chuẩn hóa được thực hiện từ trong nước ra nước ngoài, chuyển biến từ số lượng sang chất lượng, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh toàn diện của quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, hình thành và dẫn dắt các mô hình phát triển mới.

Thứ tư, định hướng phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia phục vụ việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, chiến lược của một số ngành, lĩnh vực trọng tâm của đất nước, giải quyết các yêu cầu về tiêu chuẩn hóa đối với sản phẩm của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và nước ngoài; thúc đẩy việc hình thành các tiêu chuẩn quốc gia đối với sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm của các Bộ ngành, địa phương; lấy đổi mới sáng tạo để nâng cao trình độ tiêu chuẩn và hoàn thiện cơ chế chuyển đổi kết quả khoa học công nghệ thành tiêu chuẩn.

Thứ năm, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và khu vực về tiêu chuẩn hóa đối với từng lĩnh vực cụ thể, quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia vào công tác tiêu chuẩn, tăng cường năng lực áp dụng và khai thác tiêu chuẩn của các tổ chức trong nước; chuyển đổi số, kết nối và chia sẻ các thông tin tiêu chuẩn trong nước và quốc tế; nâng cao vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn tiêu chuẩn hóa quốc tế, khu vực.

Trong bối cảnh phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, gây ra suy thoái trầm trọng và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Chính phủ và các Bộ ngành đang rất chú trọng đầu tư nghiên cứu xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển một số ngành trọng điểm trên cơ sở Chiến lược phát triển kinh tế xã hội đã được Đại hội Đảng toàn quốc, Quốc hội và Chính phủ thông qua nhằm vực dậy nền kinh tế.

Với quan điểm chỉ đạo như trên, Chiến lược Tiêu chuẩn hóa quốc gia sẽ góp phần thúc đẩy hình thành mô hình quản lý hoạt động tiêu chuẩn một cách toàn diện, tối ưu hóa cấu trúc quản trị tiêu chuẩn hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, nâng cao trình độ quốc tế hóa tiêu chuẩn, đồng thời đẩy nhanh quá trình hình thành hệ thống tiêu chuẩn quốc gia nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, hội nhập kinh tế quốc tế; đồng thời đáp ứng yêu cầu của Chính phủ trong Chiến lược phát triển kinh tế quốc gia đến năm 2030 và Chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế trong giai đoạn mới.

https://most.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 15
Hôm nay: 3911
Tổng lượt truy cập: 3.554.940
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!