Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 06-11-2023

Sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật: Tập trung vào sáu nhóm vấn đề lớn

Để khắc phục những vướng mắc trong quá trình thực thi, dự thảo sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật tập trung vào sáu nhóm vấn đề lớn: hội nhập quốc tế, xã hội hóa, hoạt động đánh giá sự phù hợp, quy trình xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn, vấn đề tiếp cận thông tin và hoạt động của ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia.

Đây là nội dung được nêu trong hội thảo góp ý hồ sơ xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (TC&QCKT) do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) tổ chức vào ngày 26/10.

Ra đời năm 2006 trong bối cảnh Việt Nam đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật không chỉ góp phần hoàn thiện khung pháp lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ở Việt Nam mà còn góp phần thúc đẩy năng suất chất lượng, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Tuy nhiên, sau 17 năm thi hành, Luật đã bộc lộ một số hạn chế, đặc biệt khi Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong những năm gần đây. “Các hiệp định thương mại thế hệ mới có nhiều quy định sâu hơn về công tác tiêu chuẩn, quy chuẩn, đòi hỏi chúng ta phải sửa đổi để phù hợp với thực tiễn và thúc đẩy sự phát triển, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật”, ông Nguyễn Văn Khôi, Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) phát biểu trong hội thảo.

Chẳng hạn, trong ba hiệp định CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU) và RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực) đều quy định rõ cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia phải có trách nhiệm thúc đẩy hợp tác quốc tế về tiêu chuẩn hóa, ưu tiên hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, loại bỏ rào cản kỹ thuật trong thương mại, tạo thuận lợi hóa thương mại. Tuy nhiên, Luật TC&QCKT vẫn còn khá chung chung về vấn đề này, chưa xác định rõ vị trí pháp lý của cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia trong hoạt động thống nhất điều phối, gây khó khăn cho việc hiện thực hóa cam kết trong các hiệp định.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định phát biểu trong hội thảo. Nguồn: vietq.vn

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định phát biểu trong hội thảo. Nguồn: vietq.vn

Các hoạt động khác trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn, đơn cử như hoạt động đánh giá sự phù hợp (gồm thử nghiệm, chứng nhận, giám định) cũng còn một số bất cập. Cụ thể, các khái niệm, nguyên tắc chung, quyền và nghĩa vụ của tổ chức đánh giá sự phù hợp được quy định trong Luật TC&QCKT và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa hiện nay vẫn chưa thống nhất, ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước, các tổ chức đánh giá sự phù hợp và doanh nghiệp.

Ngoài ra, các tổ chức công nhận (công nhận là một hoạt động đánh giá độc lập các tổ chức đánh giá sự phù hợp theo các tiêu chuẩn do tổ chức công nhận thực hiện) trong nước hoạt động tương đối độc lập, mạnh ai nấy làm, thiếu sự phối hợp, liên kết. Vì vậy, hoạt động công nhận chưa đạt hiệu quả cao.

Để giải quyết các vướng mắc trên, nội dung dự thảo sửa đổi Luật TC&QCKT tập trung vào sáu nhóm vấn đề lớn: (1) Thúc đẩy hội nhập quốc tế, triển khai đầy đủ cam kết quốc tế về minh bạch hóa; (2) Xã hội hóa hoạt động xây dưng, áp dụng tiêu chuẩn; (3) Tăng cường tính hiệu quả của hoạt động đánh giá sự phù hợp; (4) Hoàn thiện quy định về nguyên tắc, đối tượng, căn cứ, trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, công bố, ban hành TCVN, QCVN, QCĐP (quy chuẩn địa phương), nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng, quản lý tiêu chuẩn cơ sở; (5) Tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đồng thời đảm bảo hiệu quả của hoạt động quản lý, khai thác tiêu chuẩn; (6) Nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, tăng cường sự phối hợp giữa các bộ ngành và địa phương và cơ chế, chính sách thu hút, đào tạo nhân lực hoạt động trong hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Các nội dung này đang tiếp tục được hoàn thiện với những ý kiến đóng góp từ các sở, ban, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp trong hội thảo. “Sửa đổi Luật TC&QCKT là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và khó khăn, bởi nó tác động rất lớn đến tất cả các ngành nghề, lĩnh vực. Chúng tôi rất mong trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp từ các bên liên quan để chúng ta có một dự thảo luật mang lại tác động tích cực cho phát triển kinh tế, xã hội”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định phát biểu.

https://khoahocphattrien.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 26
Hôm nay: 750
Tổng lượt truy cập: 3.523.127
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!