Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin tổng hợp

Ngày đăng: 26-07-2022

Các xu hướng dẫn dắt của ngành công nghệ thông tin - viễn thông

Hiện nay, các doanh nghiệp công nghệ đang tập trung đầu tư vào công nghệ lõi và các công nghệ nền tảng tập trung phục vụ cho hoạt động chuyển đổi số. Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report thực hiện mới đây thì các xu hướng kỳ vọng dẫn dắt ngành công nghệ trong giai đoạn bình thường tiếp theo bao gồm: Dịch vụ dựa trên điện toán đám mây (Cloud computing), Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), Công nghệ 5G, Thị trường Internet băng thông rộng cố định và Chuỗi khối (Blockchain).

Dịch vụ dựa trên điện toán đám mây (Cloud computing)

Khảo sát của Vietnam Report nhận định, thị trường dịch vụ điện toán đám mây ở Việt Nam hiện nay được đánh giá sẽ rất phát triển với khả năng bảo mật tốt so với hạ tầng máy chủ vật lý truyền thống. Cùng với đó là những lợi ích kinh doanh xung quanh việc tăng năng suất, tiết kiệm chi phí cho máy móc, cơ sở hạ tầng tại các tổ chức và doanh nghiệp. Dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường này Việt Nam sẽ là 26% mỗi năm (cao nhất trong khu vực ASEAN), và cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng trung bình 16% trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, hiện có 40 nhà cung cấp dịch vụ đám mây, 27 trung tâm dữ liệu của 11 doanh nghiệp, trong đó, các doanh nghiệp Việt chiếm khoảng 20% thị phần. Như vậy, với cơ hội thị phần hiện nay cùng quỹ đạo tăng trưởng không ngừng của dữ liệu trong quá trình chuyển đổi số, đây chính là thời cơ để các doanh nghiệp nội đầu tư phát triển dịch vụ này.

Trí tuệ nhân tạo (AI)

Bằng những cải tiến trong quy trình lập kế hoạch, dự báo, và tiến bộ công nghệ trong ngôn ngữ, giọng nói, thị giác AI đã được chứng minh hiệu quả trong nhiều lĩnh vực. Phát triển này làm hành trình chăm sóc khách hàng tại các doanh nghiệp sẽ có tác động lớn khi được AI trợ giúp. Ngoài ra, với lượng dữ liệu khổng lồ được thu thập từ cơ sở khách hàng sử dụng dịch vụ và dữ liệu thanh toán chọn lọc, AI giúp các doanh nghiệp xử lý và phân tích khối lượng dữ liệu này chi tiết hơn, cải thiện hoạt động dịch vụ và chất lượng sản phẩm. Theo khảo sát của Vietnam Report, có 66,67% doanh nghiệp tham gia khảo sát hiện đang sử dụng công nghệ trong quá trình chuyển đổi số của mình. Với khả năng quản lý và tối ưu hóa cơ sở hạ tầng và các hoạt động hỗ trợ khách hàng AI được kỳ vọng sẽ tiếp cận tới tất cả các doanh nghiệp trong tương lai.

Internet vạn vật (IoT)

Khảo sát của Vietnam Report cho rằng, bằng thiết lập kết nối các thiết bị IoT từ xa, thu thập và quản lý dữ liệu từ các thiết bị IoT, xử lý dữ liệu theo nhu cầu, kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu với các ứng dụng bên ngoài mạng IoT..., IoT giúp tự động hóa các quy trình và giảm thiểu chi phí lao động, không phải đầu tư hạ tầng chuyên dùng để xây dựng. Quản lý chuỗi cung ứng, tối ưu hóa năng lượng sử dụng và cải thiện yếu tố bền vững cũng là những lý do quan trọng khiến các doanh nghiệp ứng dụng IoT.

Dữ liệu khảo sát của Vietnam Report cho thấy, có sự ra tăng tỷ trọng sử dụng công nghệ IoT ở các doanh nghiệp với 66,67% doanh nghiệp áp dụng công nghệ này trong năm 2021, con số này tăng lên 86,67% trong năm 2022. Các chuyên gia trong ngành cũng nhận định đây là một trong những công nghệ rất có tiềm năng phát triển hiện nay.

Công nghệ 5G

5G được thừa nhận là tương lai của truyền thông và là mũi nhọn của toàn bộ ngành công nghiệp di động bởi tốc độ kết nối nhanh vượt bậc so với các thế hệ mạng viễn thông trước đó. Với độ trễ thấp, phạm vi phủ sóng rộng, mạng 5G kỳ vọng sẽ tạo khả năng kết nối không khoảng cách giữa con người và máy móc. Việc triển khai dịch vụ công nghệ 5G giúp các doanh nghiệp viễn thông thực hiện hóa các ứng dụng AI, IoT… trong các thành phố thông minh và doanh nghiệp, đáp ứng những nhu cầu trải nghiệm video với độ phân giải cao (4K, 8K), ứng dụng thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR)… của người dùng số. Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược thông tin và truyền thông, tỷ lệ đóng góp của mạng di động 5G vào tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 7,34% vào năm 2025.

Thị trường Internet băng thông rộng cố định

Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), thời gian qua, đầu tư hạ tầng mạng viễn thông với mạng cáp quang đã phủ đến 100% xã, phường; phủ sóng mạng di động (2G, 3G, 4G) tới 99,8% dân số, thử nghiệm 5G đã diễn ra tại 16 tỉnh, thành phố. Kết thúc năm 2021, các nhà mạng có gần 71 triệu thuê bao băng rộng di động (tăng hơn 4% so với năm 2020) và 18,8 triệu thuê bao băng rộng cố định (tăng 14,6% so với năm 2020). Đây cũng là năm mà lưu lượng Internet Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ với hơn 40%.

Xu thế phát triển công nghệ đã tạo ra các loại hình dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy việc hình thành cơ sở hạ tầng viễn thông mới kết hợp với các hạ tầng kỹ thuật khác. Do đó, các nhà mạng cũng thay đổi, chuyển dịch phát triển hạ tầng mạng lưới viễn thông theo hướng hạ tầng số. Việc phát triển mạng băng rộng góp phần mở ra những không gian mới cho doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19, đặc biệt đây cũng là cơ hội thúc đẩy cho đà tăng trưởng của các nhà mạng trong tương lai.

Chuỗi khối (Blockchain)

Blockchain là công nghệ cho phép truyền tải dữ liệu an toàn dựa trên hệ thống mã hóa vô cùng phức tạp. Việc hoạt động mà không liên quan đến bất kỳ bên thứ ba nào và gây khó khăn trong việc thay đổi hoặc hack dữ liệu tạo ra tính minh bạch và bảo mật cho công nghệ này. Blockchain đã vượt qua giới hạn của lĩnh vực tài chính - tiền tệ để thâm nhập đa dạng vào các lĩnh vực khác nhau. Xuất phát từ tiềm năng phát triển, Blockchain đang mở ra cơ hội cho ngành công nghệ - viễn thông thông qua nâng cao hiệu quả quản lý khai thác mạng lưới, kinh doanh và giao dịch như quản lý các dịch vụ nội dung số, quản lý chuỗi cung ứng với hợp đồng thông minh, đặc biệt là an ninh mạng và ngăn chặn gian lận.

Vietnam Report cho biết, khi đại dịch bắt đầu cách đây 2 năm, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số đã được thúc đẩy nhanh chóng tại tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có cả các doanh nghiệp công nghệ. Môi trường làm việc đã thay đổi chỉ sau một đêm khi công việc từ xa trở nên phổ biến và nhu cầu thị trường ngày một gia tăng. Khi đó, phần lớn doanh nghiệp công nghệ tập trung vào việc nâng cấp chuỗi cung ứng để đạt tính minh bạch và khả năng phục hồi cao hơn, đồng thời nắm lấy điện toán đám mây để tăng cường nỗ lực chuyển đổi của mình. Bước sang năm 2021, khi nhiều mạng lưới cung ứng gặp khó khăn, bên cạnh tập trung vào việc cải thiện tính minh bạch, tính linh hoạt và khả năng phục hồi, các doanh nghiệp trong ngành cũng định hướng và đào tạo lại đội ngũ nhân sự của mình để tối ưu hóa khả năng làm việc từ xa và tận dụng tối đa các công nghệ tiên tiến như AI. Khi thế giới và Việt Nam đã đi qua nửa chặng đường của năm 2022, nhiều vấn đề nói trên vẫn còn là câu chuyện lớn của ngành công nghệ, tuy nhiên có một điểm khác biệt quan trọng: doanh nghiệp hiện có cơ hội giải quyết những thách thức này một cách có chủ đích, đặt nền móng vững chắc cho sự đổi mới và tăng trưởng trong tương lai.

https://vjst.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 7
Hôm nay: 1445
Tổng lượt truy cập: 3.974.063
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!