Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin tổng hợp

Ngày đăng: 01-08-2024

Marketing số: chìa khóa cho sự bùng nổ của doanh nghiệp nhỏ và vừa

Trong bối cảnh công nghệ số không ngừng phát triển, marketing số (Digital Marketing) đã trở thành công cụ không thể thiếu đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Với khả năng tiếp cận rộng lớn, chi phí hợp lý và hiệu quả đo lường rõ ràng, marketing số mang đến nhiều lợi thế cạnh tranh cho các SME, giúp họ vượt qua những hạn chế về nguồn lực và mở rộng tầm ảnh hưởng trên thị trường.

Một DN SME tham gia quảng bá sản phẩm trong một sự kiện kết nối DN tại TP Cần Thơ.

Phát triển đồng đều các trụ cột

Thay đổi tư duy

Marketing số không chỉ là một xu hướng mà còn là công cụ thiết yếu cho sự phát triển của các SME. Với khả năng tiếp cận hàng triệu khách hàng tiềm năng với chi phí thấp, đo lường hiệu quả chính xác, và khả năng cạnh tranh sòng phẳng với các ông lớn trên thị trường, marketing số mở ra cơ hội vàng cho các SME vươn lên mạnh mẽ. Để tận dụng tối đa tiềm năng của marketing số và xây dựng chiến lược hiệu quả, doanh nghiệp cần có tư duy đúng đắn và nắm vững các trụ cột quan trọng để thành công.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Hoa, Giảng viên Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, marketing là hoạt động thuyết phục khách hàng mua hàng của mình. Trong thời đại công nghệ số, doanh nghiệp phải thay đổi cách nhìn về marketing. Một chiến lược marketing số hiệu quả cần được xây dựng dựa trên 4 trụ cột chính: sử dụng các kênh marketing online để thu hút lượng truy cập lớn; xây dựng các nền tảng chuyển đổi lưu lượng truy cập thành khách hàng tiềm năng và tạo ra doanh số; đo lường, theo dõi và phân tích các chỉ số hiệu quả; và xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng.

Khai thác nguồn lực số

Doanh nghiệp cần xác định khách hàng mục tiêu để triển khai các hoạt động marketing số nhằm thu hút khách hàng trung thành và giới thiệu thêm khách hàng mới. Các trụ cột trong marketing số cần được phát triển một cách đồng đều và có mối quan hệ tương hỗ với nhau. Ở những giai đoạn khác nhau, với những nguồn lực khác nhau, doanh nghiệp có thể ưu tiên yếu tố này hơn yếu tố kia để đạt được sự cân bằng trong hệ thống. Thông qua hoạt động nghiên cứu thị trường, doanh nghiệp sẽ xây dựng được chân dung khách hàng mục tiêu; càng cụ thể, càng chính xác thì thực hiện hành động marketing càng tiết kiệm chi phí và hiệu quả hơn.

Để thu hút khách hàng, doanh nghiệp cần xác định khách hàng ở đâu, họ đang xem gì, nghe gì, để đưa ra các quyết định lựa chọn kênh marketing phù hợp. Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể sử dụng các kênh marketing online như tối ưu hóa máy tìm kiếm (SEO), content marketing, quảng cáo trực tuyến, marketing mạng xã hội, và marketing thông qua những người có ảnh hưởng (influencer). Mục tiêu là thu hút nhiều lượt truy cập, sau đó xây dựng các kênh chuyển đổi để khách hàng trở thành người mua sản phẩm.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Khánh Trinh, Phó Viện Trưởng Viện Đào tạo và Tư vấn DN, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, doanh nghiệp cần có phương pháp tư duy đúng để thành công với marketing số, xác định các trụ cột để xây dựng hệ thống marketing số vững chắc và toàn diện. SME cũng cần nhận diện các sai lầm có thể gặp phải trong quá trình triển khai marketing số và tìm giải pháp khắc phục để tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh.

Để triển khai thành công 4 trụ cột marketing số, các SME cần phát triển các trụ cột một cách đồng đều và tương hỗ. Doanh nghiệp cần tập trung vào khách hàng mục tiêu và lựa chọn các kênh, công cụ phù hợp. Đồng thời, cải tiến liên tục thông qua việc đánh giá, phân tích và điều chỉnh các hoạt động marketing để đạt hiệu quả tốt nhất. Doanh nghiệp cần xây dựng các nền tảng để tối ưu chuyển đổi lưu lượng truy cập thành khách hàng tiềm năng và tạo ra doanh số. Các kênh chuyển đổi quan trọng bao gồm website, app, cửa hàng trên sàn thương mại điện tử, cửa hàng trên mạng xã hội, livechat, và livestream.

Việc đo lường hiệu quả marketing là cơ sở để doanh nghiệp phân bổ lại ngân sách và tối đa hóa lợi tức đầu tư. Đây là trụ cột quan trọng vì doanh nghiệp có thể sửa đổi, điều chỉnh các hoạt động marketing để đạt hiệu quả nhanh hơn, ít tốn chi phí hơn và liên tục cải tiến. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chú trọng đến việc thu hút những khách hàng trung thành để không chỉ cung cấp sản phẩm, dịch vụ một lần mà còn thu hút khách hàng trở lại mua nhiều lần, tăng giá trị đơn hàng và giới thiệu thêm khách hàng mới. Khi đó, doanh nghiệp tạo giá trị tốt hơn cho khách hàng và ngược lại.

Marketing số là công cụ mạnh mẽ giúp các SME phát triển vượt bậc trong thời đại kỹ thuật số. Bằng cách áp dụng đúng tư duy, xây dựng chiến lược dựa trên 4 trụ cột vững chắc, và tuân thủ các nguyên tắc thực thi, các SME có thể khai thác tối đa tiềm năng của marketing số và đạt được những thành công vượt trội.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 5
Hôm nay: 5690
Tổng lượt truy cập: 3.949.613
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!